Saturday, October 5, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiDoanh nghiệp nhà nước chống lệnh: Miếng ngon khó nhả

Doanh nghiệp nhà nước chống lệnh: Miếng ngon khó nhả

Không ai muốn nhả cái ngon, màu mỡ mà muốn giữ chặt lại, buộc chặt vào để quản lý

Sợ mất quyền?

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nêu quan điểm trước thực trạng hàng trăm doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa nhưng không chịu bán vốn, về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Trong số đó, không ít doanh nghiệp, tổng công ty, tập đoàn còn làm trái với lệnh Thủ tướng Chính phủ về quy chế bán vốn, cố tình “trì hoãn” để giữ vốn, đặc biệt, nhiều đơn vị lách luật chống lệnh của Thủ tướng.

“Tất cả là do lợi ích. Lợi ích giữa doanh nghiệp với bộ, ngành và địa phương. Tâm lý chung là các bộ, ngành, địa phương vẫn muốn nắm giữ cổ phần chi phối tại các đơn vị này để phục vụ lợi ích cá nhân, cũng có khi để phục vụ lợi ích cục bộ…”, ông Hải đặt vấn đề.

Theo ông Hải, khi nắm giữ cổ phần chi phối bộ, ngành, địa phương sẽ được tham gia vào hội đồng quản trị của doanh nghiệp, đồng thời có quyền can thiệp tới mọi hoạt động chung từ khâu bổ nhiệm nhân sự cho tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Như vậy, bất kể dự án nào cũng phải thông qua đơn vị chủ quản là bộ, ngành, địa phương quản lý trực tiếp. Thậm chí cả kế hoạch đưa cán bộ đi nước ngoài cũng phải báo cáo cơ quan chủ quản từ khâu lên kế hoạch cho tới khâu lựa chọn, quyết định kinh phí và đưa đi.

Cũng có một số lại muốn giữ lại để phục vụ nhu cầu lợi ích cho bộ, ngành, địa phương. Tâm lý chung không ai muốn nhả cái ngon, màu mỡ mà muốn giữ chặt lại, buộc chặt vào để quản lý.

Theo vị chuyên gia, vấn đề ở chỗ, nếu địa phương, bộ, ngành không có chuyên môn, nghiệp vụ lại cố níu kéo nắm quyền quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì chẳng khác nào đang ngáng chân doanh nghiệp phát triển.

“Có nhiều doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực quản lý của bộ nhưng vẫn giữ, hoặc có những cán bộ, đơn vị không biết quản lý doanh nghiệp lại được giao đi quản lý doanh nghiệp. Công chức nhà nước chỉ nên làm quản lý nhà nước, bắt công chức nhà nước đi quản lý doanh nghiệp là không hiểu đời sống doanh nghiệp, không có kỹ năng quản trị như vậy là hại doanh nghiệp”, ông Hải nói.

Ông Hải thẳng thắn, tình trạng trên đẩy doanh nghiệp rơi vào cảnh không dựa vào quan hệ xin cho, xin ưu đãi, xin cơ chế thì rơi vào tình trạng khó khăn, phá sản. Còn doanh nghiệp nào có bệ đỡ thì cũng trì trệ, lười biếng, không có tính cạnh tranh. Là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiều dự án hàng chục ngàn tỉ của nhà nước được đầu tư nhưng thua lỗ, đắp chiếu.

“Như tôi đã nói để cơ quan quản lý hành chính đi làm công việc kinh doanh là không phù hợp. Những bất cập ví dụ như tại Sabeco, Habeco đã bộc lộ rất rõ những yếu kém, hạn chế cũng như những tiêu cực tại các đơn vị này. Tình trạng trên cần phải chấm dứt”, ông Hải nói.

Lời thật doanh nghiệp

Một vấn đề khác, theo vị lãnh đạo VAFI, qua nhiều lần tiếp xúc với doanh nghiệp, có không ít doanh nghiệp đã thể hiện mong muốn sớm được về SCIC để giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính. Họ nói ở địa phương, hoặc các bộ, ngành nhiều tròng quá. Họ gọi là một cổ 3 tròng. Nhưng về SCIC ít nhất cũng cắt giảm được nhiều đầu mối thủ tục hành chính hơn, công việc trôi nhanh hơn.

“Ví dụ đơn giản như để trình phê duyệt một dự án, doanh nghiệp phải xin chủ trương rồi lên kế hoạch, thông qua vụ tổ chức, vụ chuyên ngành, phòng tài vụ rồi mới xin được ý kiến lãnh đạo. Ở địa phương thì phải thông qua hàng loạt các sở liên quan như Sở Tài chính, Kế hoạch – đầu tư, Sở Tài nguyên – môi trường, Sở Nội vụ, thậm chí còn phải sang Văn phòng thành ủy, trình lên Ban kinh tế của Thành ủy… rất nhiều bước. Rất mất thời gian. Mỗi bước đi lại tốn kém biết bao nhiêu của doanh nghiệp”, ông Hải nói.

Vì vậy, theo ông Hải, có một số doanh nghiệp làm ăn chân chính họ thật sự mong muốn sớm được về SCIC. Tất nhiên, SCIC cũng không phải là lựa chọn tối ưu nhất.

Một vấn đề nữa cũng được ông Hải nên lên, là tình trạng các bộ ngành quản lý DNNN việc chống tham nhũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, ông cho rằng, nếu có một cơ quan chuyên quản lý doanh nghiệp đứng ra quản lý các DNNN sẽ dễ giám sát hơn, công việc chống tham nhũng cũng dễ dàng, hiệu quả hơn.

Không để Ủy ban quản lý vốn cũng giống SCIC

Điểm lại một số mốc thời gian, Phó chủ tịch VAFI cho biết. Nếu nhìn ngược lại thời gian đầu khi SCIC mới thành lập việc chuyển giao các DNNN sau cổ phần hóa tương đối thuận lợi. Rất nhiều doanh nghiệp của Bộ Công thương như nhàm áy Điện Quang, Nhựa Bình Minh, Vinamilk… đều được chuyển giao về SCIC nhanh, gọn.

Tuy nhiên, sự trì trệ xuất hiện bắt đầu từ thời điểm Bộ Tài chính không muốn bàn giao Tập đoàn Bảo Việt (2007 – 2008) về SCIC. Theo quy định, sau khi tập đoàn này cổ phần hóa xong phải được chuyển giao cho SCIC, tuy nhiên, khi đó, Bộ Tài chính đã đứng ra xin quản lý cổ phần của doanh nghiệp này.

“Kể từ thời điểm đó các bộ, ngành, địa phương mới học theo, không chịu bàn giao doanh nghiệp, tạo tiền lệ xấu”, ông Hải cho biết.

Rất đồng tình với quan điểm của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng sự chậm trễ trên có nguyên nhân và trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và địa phương đã để lợi ích chi phối hành động, theo ông Hải, để chấm dứt tình trạng trên Thủ tướng phải có chỉ đạo trực tiếp, xử lý nghiêm khắc từng cá nhân lãnh đạo cụ thể.

“Trường hợp doanh nghiệp trực thuộc địa phương đã cổ phần rồi mà không chịu bàn giao thì lãnh đạo địa phương cụ thể là Chủ tịch, Bí thư phải chịu trách nhiệm.

Doanh nghiệp nào thuộc bộ mà không chịu chuyển giao thì bộ phải chịu trách nhiệm, không thể để tình trạng dây dưa mãi, cuối cùng không về cũng không ai chịu trách nhiệm là không được.

Tôi lấy ví dụ, như dự án gang thép Thái Nguyên thuộc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) tiền thân là Công ty Gang thép Thái Nguyên. Lẽ ra sau khi thực hiện cổ phần xong TISCO phải được bàn giao cho SCIC, tuy nhiên, việc bàn giao không được thực hiện mà vẫn do Bộ Công thương quản lý. Kết quả là làm ăn thua lỗ, trách nhiệm không biết tìm ai”, ông Hải nói.

Phó chủ tịch VAFI kiến nghị: “Phải kiên quyết xử lý một vài trường hợp làm gương, nếu không số phận Ủy ban quản lý tài sản nhà nước có ra đời cũng sẽ chỉ giống SCIC. Không quản lý được tài sản, không xử lý được trách nhiệm”.

RELATED ARTICLES

Tin mới