Sau cái chết của Lâm Bưu, Tưởng Giới Thạch đã hối hận vì không chiêu mộ Lâm thành nội gián dù bản thân luôn khẳng định, Lâm sẽ không trung thành với Mao Trạch Đông.
Ảnh minh họa.
Mâu thuẫn quan điểm
Nhân dân nhật báo (Trung Quốc) nhận định, về lĩnh vực đối ngoại, một người giỏi nắm bắt tâm tư của Mao Trạch Đông như Lâm Bưu lại cũng thường đoán sai suy nghĩ của cấp trên.
Cũng theo tờ này, từ năm 1969, Liên Xô ngày càng mở rộng chương trình hạt nhân trong bối cảnh quan hệ Xô-Trung vô cùng căng thẳng, còn Mỹ lại không ngừng leo thang chiến tranh tại Đông Dương. Mao Trạch Đông khi đó đã tìm cách thay đổi tình thế “gọng kìm”.
Cũng chính lúc này, Tổng thống Mỹ Richard Nixon lại phát đi nhiều thông điệp tích cực tới Bắc Kinh. Ông ta chỉ định đại sứ Mỹ tại Ba Lan Walter Stoessel tiếp xúc với Lôi Dương – Tham tán đại sứ Trung Quốc tại Ba Lan.
Ngay lập tức, phía Trung Quốc đồng ý. Hai bên quyết định tiếp tục nối lại hội đàm cấp đại sứ Trung – Mỹ đã bị cắt đứt hơn hai năm.
Tuy nhiên, tháng 3/1970, cuộc hội đàm cấp đại sứ Trung-Mỹ lại tạm dừng do ảnh hưởng từ cuộc chiến của Mỹ ở Campuchia.
Sau đó, Mao và Nixon lại tiếp tục “mở đường”, nối lại đàm phán nhưng Lâm Bưu – Phó chủ tịch ĐCSTQ phản đối việc cải thiện quan hệ Trung-Mỹ. Không trực tiếp bày tỏ quan điểm phản đối nhưng Lâm ủng hộ các luồng ý kiến trái chiều.
Lần chạm mặt cuối cùng
Trước sự kiện rơi máy bay xảy ra với gia đình Lâm Bưu (13/9/1971), Mao Trạch Đông đã có cuộc gặp mặt lần cuối với Lâm vào ngày 3/6/1971 nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Romania Nicolae Ceaușescu.
Hôm ấy, Mao Trạch Đông, Lâm Bưu, Chu Ân Lai cùng các quan chức cấp cao khác của chính phủ Trung Quốc tham dự hội đàm cấp cao với Nicolae Ceaușescu tại Đại lễ đường nhân dân Trung Hoa.
Theo Nhân dân nhật báo, khi đó Lâm Bưu không mặc quân phục, phong thái chậm chạp và im lặng suốt hội nghị. Trước đó tại Hội nghị Lư Sơn (Hội nghị toàn thể 2 của Ủy ban Trung ương khóa IX ĐCSTQ từ 23/8-6/9/1970), Lâm cũng đã bị Mao phê bình về một số sai phạm mắc phải.
Khi nhắc tới vấn đề giáo dục tại Trung Quốc trong cuộc hội đàm với Ceaușescu, Mao Trạch Đông nói: “Có người miệng thì bảo nghe, nhưng trong tâm thì oán trách. Việc này cần thời gian, từ từ sẽ sửa”. Đồng thời liếc qua phía Lâm Bưu nhưng có vẻ Lâm không nghe thấy nên vẫn lặng thinh.
Sau đó, chưa đợi hội nghị kết thúc, Lâm Bưu đã bỏ ra ngoài sảnh lớn ngồi một mình khiến rất mọi người đều bất ngờ. Đến khi buổi họp kết thúc, Mao và Ceaușescu rời đi thì Lâm Bưu vẫn ngồi đó.
Không lâu sau, Lâm Bưu đến Bắc Đới Hà còn Mao Trạch Đông đi khảo sát phía Nam.
Đến mùa thu năm 1971, Lâm Bưu cùng gia đình bỏ mạng ở sa mạc Nội Mông, Mao Trạch Đông thì mắc bệnh nặng.
Tháng 7/1972, khi gặp Ngoại trưởng Pháp Robert Schuman, Mao lại nhắc đến Lâm: “Không ai đuổi cậu ta, không ai nghĩ rằng cậu ta sẽ bỏ trốn trên một chiếc máy bay… Cậu ta phản đối tôi gẫn gũi với Mỹ và châu Âu”.
Sự nuối tiếc của Tưởng Giới Thạch
Sau khi nhận được tin về Lâm Bưu, Tưởng Giới Thạch đã không ngừng rơi lệ.
Theo Nhân dân nhật báo, Tưởng khóc thương Lâm không chỉ vì tình sư đồ đã qua mà còn vì một nỗi lòng khác. Theo đó, khi Lâm “tỏa sáng” trong thời kỳ Cách mạng văn hóa thì ở Đài Loan, Tưởng đã rành mạch nói rằng bản thân không tin Lâm sẽ trung thành với Mao.
Trước đó vào năm 1945 sau cuộc chiến với Nhật, Lâm Bưu từng nhận lệnh đến Trùng Khánh gặp Tưởng. Tại đây, Lâm vẫn tỏ ra tôn trọng và có ý ngả theo phía Tưởng.
Tưởng cũng đã sắp xếp cho Lâm có buổi nói chuyện với cấp dưới của mình. Hiện nay, bản báo cáo về nội dung cuộc tiếp xúc này vẫn được lưu giữ tại Đài Loan.
Do đó, những năm 1960, từ những lời Lâm chia sẻ với Tưởng và bản báo cáo trên, Tưởng khẳng định rằng Lâm Bưu sẽ không trung thành với Mao Trạch Đông.
Sau khi Lâm Bưu chết, Tưởng Giới Thạch đã rất buồn, không ít lần chia sẻ với thư ký của mình là Đào Hy Thánh rằng “rất hối hận vì không chiêu mộ Lâm Bưu thành nội gián”.
Về sau, hàng loạt các sự kiện quốc tế xảy ra, sức khỏe không còn như trước, Tưởng nhận ra rằng phản công đại lục là kế hoạch quá xa vời.
Lại nói về Washington, Nixon lúc này bắt đầu lo lắng về mối quan hệ với Bắc Kinh bởi từ trung tuần tháng 9/1971 (sau cái chết của Lâm Bưu), tất cả các lãnh đạo Trung Quốc đều không xuất hiện trước công chúng, trên các mặt báo hay truyền hình.
Lúc này, Mỹ chưa biết sự vụ Lâm Bưu nên Ngoại trưởng Henry Kissinger lo lắng, thu thập thông tin và dự đoán rằng nội địa Trung Quốc đã phát sinh sự kiện vô cùng quan trọng nên ngay lập tức báo cáo lại Nixon.
Ngày 21/9, tùy viên quân sự Mỹ Vernon Walters tại Paris đã có buổi tiếp xúc với Đại sứ Trung Quốc Hoàng Trấn nhằm thảo luận về chuyến công du Bắc Kinh của Tổng thống Nixon và Ngoại trưởng Kissinger.
Sau đó, tiếp tục duy trì qua kênh liên lạc bí mật tại Paris, Trung Quốc đồng ý sẽ công bố thông tin về chuyến thăm Bắc Kinh của Kissinger vào ngày 5/10. Đến lúc này, lãnh đạo Mỹ mới thở phào nhẹ nhõm.
Về phần Tưởng Giới Thạch, bản thân đã biết đến sự “thay đổi” của Nixon ngay từ năm 1968.
Đặc biệt đến ngày 15/7/1971, Tổng thống Nixon đã tiết lộ trên truyền hình rằng, ông ta đã cử Kissinger bí mật đến Trung Quốc gặp Thủ tướng Chu Ân Lai và nhận được lời mời công du Bắc Kinh vào trước tháng 5/1972.
Tưởng Giới Thạch nhận được tin đã vô cùng thất vọng. Ông ta đã chỉ thị cho Đại sứ Quốc dân đảng tại Mỹ là Thẩm Kiếm Hồng bày tỏ ý kiến phản đối chuyến thăm này nhưng không đạt được kết quả.
Đến ngày 5/4/1975, Tưởng Giới Thạch bất ngờ qua đời do bệnh tim tái phát mà không kịp để lại di ngôn cho Tưởng Kinh Quốc – người kế nhiệm sau này. Kế hoạch phản công đại lục của Tưởng cũng vì thế mà kết thúc.