Tuesday, November 19, 2024
Trang chủĐàm luậnĐâu là "con bài mặc cả mới" trong quan hệ Mỹ -...

Đâu là “con bài mặc cả mới” trong quan hệ Mỹ – Trung?

Mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên đang dấy lên lo ngại của cả thế giới, nó đang đẩy Mỹ và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn trong cuộc chiến chống lại. Đôi khi Bình Nhưỡng còn trở thành con bài mặc cả lẫn nhau trong gây dựng quan hệ song phương Washington – Bắc Kinh.

Trong qua trình tranh cử Tổng thống, ông Donald Trump đã liên tục có những lời chỉ trích nhằm vào Trung Quốc liên quan tới nhiều lĩnh vực như chính sách tiền tệ, thương mại cho tới vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Động thái của ông Trump khiến nhiều người cho rằng hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới có nguy cơ rơi vào một cuộc đối đầu nguy hiểm. Nhưng thực tế đang xoay ra một chiều hướng khác.

Sau khi ông Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, quan hệ song phương Mỹ – Trung đã có những bước tiến tích cực đầu tiên. Trong tháng Hai, ông Trump đã thực hiện ngay cuộc điện đàm đầu tiên với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đồng thời nhấn mạnh tôn trọng chính sách lâu đời “một Trung Quốc”.

Hành động của nhà lãnh đạo Mỹ đã xóa tan những nghi ngờ về việc ông Trump có ý định dùng Đài Loan để mặc cả và giành ưu thế trước Trung Quốc, rằng có một cuộc chiến tranh Mỹ – Trung xảy ra. Thêm nữa, chính vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 hôm 12/2 của Triều Tiên đã khiến Mỹ – Trung xích lại gần nhau hơn, tìm cách đối phó với hành động ngang ngược này. 

Để lấy lòng Mỹ, trung Quốc cũng thể hiện hết mình. Đáp trả trước hành động phóng tên lửa vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc (LHQ) của Bắc Triều Tiên, hôm 18/2, Trung Quốc đã ban bố lệnh cấm nhập khẩu than đá của Triều Tiên cho tới hết năm nay. Quyết định bất ngờ của Bắc Kinh được đánh giá là tạo ra tác động lớn với cả Bình Nhưỡng và Washington. 

Cụ thể, lệnh cấm của Trung Quốc mang ý nghĩa gửi đi thông điệp cảnh báo mạnh mẽ tới Triều Tiên bởi than đá là mặt hàng xuất khẩu chính và chiếm tới 90% hoạt động thương mại của Bình Nhưỡng. Đây còn là thông điệp thể hiện mình gửi tới ông Trump, bởi nhà lãnh đạo Mỹ nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh chưa cố hết sức kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. 

Giới chức Trung Quốc khẳng định lệnh cấm nhập khẩu than đá từ Triều Tiên chỉ là bước đi kế tiếp sau khi Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra hàng loạt lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn liên quan tới các vụ thử hạt nhân trong năm 2016 của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, xét trên phương diện chính trị và thời điểm tuyên bố lệnh cấm cho thấy Bắc Kinh và Washington đang có hoạt động trao đổi ngoại giao mật thiết hơn những gì mà hai nước công khai trước dư luận. 

Do tính chất cấp thiết và quan trọng, khả năng vấn đề Triều Tiên đã trở thành nội dung chiếm nhiều thời lượng trong cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Trump. Như lời ông Trump nói “đây là một trao đổi dài với nhiều chủ đề khác nhau”. 

Trong tuần qua, hai quan chức Ngoại giao hàng đầu Trung Quốc là Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ phụ trách đối ngoại, cũng đã điện đàm và gặp mặt với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Và Triều Tiên vẫn là một trong những nội dung được nhắc tới nhiều nhất. 

Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ, trong cuộc điện đàm hôm 21/2, ông Tillerson và ông Dương “đã nhất trí khẳng định Triều Tiên đang đe dọa sự ổn định trong khu vực”. Cũng theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Dương còn nhấn mạnh Bắc Kinh và Washington nên tăng cường hợp tác để thắt chặt mối quan hệ song phương. 

Có thể nói, việc đưa ra các biện pháp kiềm chế cũng như loại bỏ mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên sẽ là một trong những chủ đề lớn mà Mỹ và Trung Quốc cần phải hợp tác trong giai đoạn ông Trump giữ chức Tổng thống Mỹ.

Trước đó, nhiều nguồn tin cho rằng Trung Quốc cố tình phớt lờ hành động khiêu khích từ Triều Tiên là do quan ngại chính quyền Bình Nhưỡng rơi vào cảnh bất ổn chính trị dẫn tới làn sóng di cư từ Triều Tiên ồ ạt sang các tỉnh đông bắc Trung Quốc. Hơn thế, chính quyền Bắc Kinh còn lo ngại lực lượng quân đội Mỹ – Hàn ở trên lãnh thổ Hàn Quốc có thể tiến tới sát biên giới Trung Quốc. 

Sự kiên nhẫn của Trung Quốc với quốc gia láng giềng Triều Tiên đang dần cạn kể từ khi ông Tập và ông Kim Jong-un lên nắm quyền lãnh đạo. Theo đó, ông Tập và nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc được cho đã vô cùng tức giận trước thái độ của ông Kim và các vụ thử hạt nhân hồi năm ngoái của Triều Tiên. Trong đó, một trong 2 vụ thử hạt nhân trong năm 2016 của Triều Tiên còn diễn ra gần với biên giới Trung Quốc, đã khiến người dân Trung Quốc không khỏi lo lắng. 

Chưa dừng lại, cái chết của một công dân Triều Tiên ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur tại Malaysia hôm 13/2 được cho là anh trai của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông Kim Jong- nam, cũng đã khiến Trung Quốc vô cùng tức giận.

Bởi theo nhiều nguồn tin, Trung Quốc đã bảo vệ ông Kim Jong- nam trong suốt nhiều năm ông này sống lưu vong. Sau cái chết của người được cho là ông Kim Jong-nam liên quan tới chất độc thần kinh VX, nhiều nghi vấn đặt ra chính Bình Nhưỡng là thủ phạm. Trong khi đó, quan hệ Triều Tiên – Malaysia cũng đang rơi vào cảnh sóng gió liên quan tới những tranh cãi từ cái chết của công dân Triều Tiên. 

Tuy nhiên, mối đe dọa từ Bình Nhưỡng đang trở thành cái cớ chính đáng để Washington thuyết phục Bắc Kinh dịu giọng trước kế hoạch Mỹ cho triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.

Bởi trước đó, Trung Quốc đã nhiều lần phản đối và coi THAAD là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Tóm lại, Triều Tiên có thể được xem là một trong những “con bài mặc cả mới” trong tiến trình xây dựng quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới