Châu Âu tự nhận thức, ngừng việc “nuôi” Hoa Kỳ thông qua NATO, tự lập quân đội riêng để bảo vệ quốc phòng của chính mình.
Châu Âu đang nuôi Mỹ (Ảnh minh họa).
Người đứng đầu Đảng Tự do của Áo là Heinz-Christian Strache đã tuyên bố ủng hộ việc thành lập một đội quân châu Âu thay thế cho liên minh quân sự hiện nay là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà ông gọi là “dưới trướng Mỹ”.
Chính trị gia Áo cho rằng, chính việc Tổng thống Mỹ Donald Trump trách châu Âu không thực hiện tài chính đúng và đủ cho liên minh Bắc Đại Tây Dương lại là “một cơ hội”. Và châu Âu nên sử dụng ngay cơ hội này bằng việc lập ra một đội quân khác của riêng châu Âu.
Nếu lập một quân đội châu Âu, chúng ta sẽ thấy chúng ta có thể tự lực đối phó với nhiệm vụ bảo vệ mình” – ông Strache nói.
Việc châu Âu rút khỏi NATO và thay thế tổ chức này bằng quân đội EU là “phương hướng đúng đắn trong triển vọng trung hạn”.
“Nếu không, chúng ta sẽ ở dưới sự chỉ huy của nước Mỹ vốn luôn có những lợi ích riêng của họ, sẽ trả tiền cho họ và tài trợ ngành công nghiệp quân sự Mỹ” – vị chính trị gia Áo nhấn mạnh.
Theo ông Strache, dự án quân đội châu Âu có thể thu hút sự tham gia hợp tác của các quốc gia muốn trở thành thành viên NATO. Nhưng đây là “dự án mang tính chất phòng thủ chứ không phải tấn công”.
Ngoài ra, ông Strache còn cho rằng, quân đội châu Âu phải sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ngoài ra, vị chính trị gia người Áo cũng cảnh báo EU tránh “rơi vào sự cô lập vì những ý kiến chỉ trích Nga và Tổng thống Mỹ Trump”.
Cuộc xung đột với Nga nên được giải quyết thông qua con đường ngoại giao và “dựa vào khả năng loại bỏ các lệnh trừng phạt.” Vì lợi ích của “lục địa châu Âu hùng mạnh” cần lập một khu vực tự do thương mại với Nga.
Thực tế, sau khi ông Donald Trump nêu ý kiến cho rằng “NATO đã lỗi thời”, nhiều chính trị gia châu Âu không những phản bác mà còn đồng tình với quan điểm này.
Một chuyên gia thuộc Đại học Antwerp (Bỉ) cũng cho rằng, ông Donald Trump đã đúng khi nói về liên minh quân sự này và yêu cầu thay thế bằng liên minh mới giữa châu Âu và châu Á.
Ông Tom Sauer, trợ lý giáo sư thuộc khoa Chính trị Quốc tế tại Đại học Antwerp cho biết: “NATO nên phải được cải tổ hoặc thay thế bởi một tổ chức an ninh Âu – Á mà trong đó Nga phải là một thành viên. Điều đó sẽ có lợi cho Ukraine và các nước Baltic”.
Ông Sauer tin rằng việc NATO tiếp tục mở rộng số lượng thành viên là “sai lầm lớn nhất” của tổ chức này. Ông cũng nhấn mạnh rằng các nước châu Âu đáng lẽ nên yêu cầu Nga trở thành “một thành viên của một liên minh an ninh châu Âu” sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Vị chuyên gia Bỉ tin rằng bất kỳ liên minh quốc phòng nào đều chỉ có ý nghĩa tạm thời bởi chúng được tạo ra nhằm theo đuổi một mục đích nào đó và đều giải tán khi đạt được mục đích này. “Thật khó tin khi NATO vẫn còn tồn tại vào thời điểm hiện tại”, ông nói. “Sự tan rã của Khối Warsaw và Liên Xô đáng lẽ phải khiến NATO biến mất”.
Nhiều người cho rằng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO đang tìm kiếm kẻ thù ở bên ngoài để chứng minh mục đích tồn tại của mình.
Ông Sauer nhận định rằng trong suốt hai thập kỷ rưỡi qua NATO đã đối mặt với tình trạng phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, sự xuất hiện của những quốc gia không được thừa nhận, xung đột sắc tộc và khủng bố, nhưng nhìn chung họ không được chuẩn bị để đối mặt với những thách thức này.
“Những gì NATO làm được sau Chiến tranh Lạnh là không nhiều. Ngoại trừ khu vực Balkans, các chiến dịch can thiệp quân sự của NATO tại Afghanistan và Libya đều thất bại. Đây không phải là điều ngạc nhiên, bởi các liên minh quốc phòng không được lập ra để tiến hành các chiến dịch quân sự gìn giữ hòa bình”, ông Sauer cho biết.
Chuyên gia người Bỉ cho rằng Tổng thống Trump hiểu rõ rằng NATO không phải là giải pháp tốt nhất cho những thách thức hiện tại.
Ông cho biết mặc dù Washington vẫn giữ nguyên cam kết của mình với liên minh, song chính quyền Mỹ hiện tại sẽ ít chú ý hơn vào nó so với trước đây và đây là cơ hội để châu Âu thành lập một liên minh an ninh mới.
“Lần đầu tiên kể từ trước tới nay, chúng ta có một Tổng thống Mỹ dám gọi NATO là lỗi thời. Nguyên thủ các nước châu Âu nên bình tĩnh lại và chấp nhận quan điểm này”, ông nói. “Châu Âu chưa bao giờ có cơ hội tốt hơn nhằm củng cố an ninh quốc phòng”.