Ngân sách quốc phòng năm 2017 trị giá 145 tỷ USD của Trung Quốc sẽ phần lớn được chi cho hoạt động nâng cấp sức mạnh lực lượng hải quân. Động thái này cho thấy Bắc Kinh quyết tâm củng cố chủ quyền đơn phương trên các vùng biển bao gồm Biển Đông.
Tàu chiến Nga – Trung tham gia cuộc tập trận chung ở biển Hoa Đông năm 2014.
Hôm 5/3, Bộ Tài chính Trung Quốc cho hay ngân sách quốc phòng nước này trong năm 2017 sẽ lần đầu tiên cán mốc 1 ngàn tỷ nhân dân tệ (145 tỷ USD). Cụ thể, con số chính xác mà Quốc hội khóa 12 nước này thông qua cho chi tiêu quốc phòng là 1,044 ngàn tỷ nhân dân tệ (151 tỷ USD). Con số này tăng 7% so với năm 2016 nhưng vẫn là mức tăng ngân sách quốc phòng thấp nhất kể từ năm 2010.
Reuters đưa tin theo một quan chức giấu tên tại Bộ Tài chính Trung Quốc, điều đặc biệt là dù khoản ngân sách trên đã được thông báo tới gần 3.000 đại biểu tham dự kỳ họp Quốc hội khóa 12 tại Đại lễ Đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 5/3, nhưng nó lại không được đề cập trong bản báo chính thức ngân sách của chính phủ.
Trước đó, hôm 4/3, phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc Fu Ying chỉ thông báo ngân sách quốc phòng của nước này trong năm 2017 sẽ tăng 7% so với năm ngoái.
Lâu nay, Mỹ và nhiều quốc gia vẫn lên tiếng đề nghị Trung Quốc công khai mục tiêu chương trình hiện đại hóa quân sự bởi trong gần 20 năm qua, tăng trưởng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc thường ở mức hai con số. Giới quan sát nhận định thực tế khoản ngân sách quốc phòng mà Trung Quốc chi còn cao hơn con số đã được thông báo bởi chính quyền Bắc Kinh không đưa số tiền mua vũ khí từ nước ngoài vào danh mục này.
Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang là quốc gia đứng hàng thứ hai trên thế giới về chi tiêu ngân sách quốc phòng. Nhưng số tiền mà Bắc Kinh bỏ ra mới chỉ bằng 1/4 khoản ngân sách của Mỹ. Bắc Kinh cũng chưa từng công khai chi tiết số tiền chi cho hoạt động quân sự mà thường tuyên bố đây là khoản tiền được dùng để cải thiện cuộc sống cho binh sĩ.
Nhà phân tích quân sự Ni Lexiong tại Đại học Luật và Chính trị Thượng Hải nhận định mức tăng 7% ngân sách quốc phòng cho thấy Trung Quốc muốn tránh xung đột và đảm bảo ổn định trong khu vực.
Còn trong bản báo cáo ngân sách quốc phòng, Trung Quốc khẳng định tăng cường hỗ trợ quân đội bao gồm mở rộng năng lực hàng hải và hàng không để bảo vệ chủ quyền.
Trong thời gian qua, hoạt động quân sự của Trung Quốc đã khiến các quốc gia trong khu vực không khỏi lo ngại. Thậm chí, Bắc Kinh liên tiếp có những hành động đơn phương củng cố chủ quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông cũng như đe dọa Đài Loan. Tại Biển Đông, Trung Quốc đã xây dựng trái phép hàng loạt đảo nhân tạo và đường băng phục vụ mục đích quân sự. Còn tại biển Hoa Đông, Trung Quốc thường xuyên điều động tàu thuyền tới gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Tokyo và Bắc Kinh.
Theo Tướng quân đội Trung Quốc nghỉ hưu Liu Xiaojiang, Hải quân Trung Quốc sẽ đóng vai trò ngày càng lớn trong việc bảo vệ chủ quyền hàng hải bao gồm khu vực Biển Đông. Ông Liu nhấn mạnh quan điểm cố hữu về việc lục quân mới đóng vai trò chủ chốt trong lực lượng quân đội cần phải thay đổi.
“Vai trò của Hải quân ngày càng trở nên quan trọng. Trung Quốc là một quốc gia hàng hải và cần phải bảo vệ quyền lợi cũng như lợi ích trên biển. Do đó, vai trò của Hải quân không thể bị xem nhẹ”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Liu phát biểu bên lề kỳ họp Quốc hội khóa 12 của Trung Quốc hôm 5/3.
Phát biểu trước Quốc hội hôm 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng nhấn mạnh Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền và trở thành một cường quốc hàng hảhùng mạnh.
“Trung Quốc sẽ tăng cường phòng thủ hàng không và hàng hải cũng như kiểm soát biên giới nhằm chống lại các hành động khủng bố, bảo vệ sự ổn định, duy trì hòa bình quốc tế và hiện diện ở các vùng biển xa. Trung Quốc sẽ thúc đẩy huấn luyện quân sự và tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu nhằm đảm bảo lợi ích chủ quyền và an ninh”, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp và Washington cũng sẽ có biện pháp ngăn Bắc Kinh tiếp cận những khu vực này.
Tuy nhiên, hồi tháng trước, quân đội Trung Quốc đã chỉ định một quan chức Hải quân là phó Đô đốc Viên Dự Bách giữ chức Tư lệnh Chiến khu Nam phụ trách địa bàn Biển Đông, thay vì đề cử một quan chức quân sự. Ông Viên trước đây là Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải. Theo ông Liu, việc bổ nhiệm Tướng Viên cho thấy quyết tâm bảo vệ các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông.
Lâu nay, Trung Quốc vẫn khẳng định quốc gia này có chủ quyền lịch sử trên phần lớn diện tích ở Biển Đông bất chấp phán quyết hồi tháng Bảy năm ngoái của Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague, Hà Lan. Theo đó, tòa quốc tế ra phán quyết phủ nhận chủ quyền phi lý “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc khẳng định không công nhận phán quyết này và đưa ra phương án đàm phán song phương với các nước có cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Ông Liu cho rằng việc Trung Quốc tăng cường triển khai quân sự ở Biển Đông là “chuyện bình thường” bởi Hải quân Mỹ vẫn đang tiếp tục tiến hành hoạt động tuần tra trên danh nghĩa đảm bảo quyền tự do hàng hải.
Theo tạp chí National Interest, sự xuất hiện của nhóm tác chiến tàu sân bay do tàu USS Carl Vinson dẫn đầu khiến Bắc Kinh không khỏi quan ngại về khả năng ông Trump sẽ tiếp tục chính sách tăng cường quan hệ với các đồng minh trong khu vực nhằm đối phó với hoạt động quân sự hóa ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Ngay cả, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng nhấn mạnh nếu Mỹ không tiến hành tuần tra trên biển và trên không ở Biển Đông, an ninh khu vực sẽ bị ảnh hưởng.