Friday, April 26, 2024
Trang chủĐiểm tinCó dấu hiệu "làm quá" khi Bình Nhưỡng cấm người Malaysia rời...

Có dấu hiệu “làm quá” khi Bình Nhưỡng cấm người Malaysia rời khỏi Triều Tiên

Đại sứ Nguyễn Quang Khai cũng cho rằng căng thẳng ngoại giao Malaysia – Triều Tiên tuy khó đoán nhưng sẽ không đến mức “cắt đứt quan hệ”.

Cảnh sát Malaysia phong tỏa đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumper.

Khó cắt đứt quan hệ ngoại giao vì vẫn còn lợi ích chung

Trao đổi với Trí Thức Trẻ xung quanh các diễn biến căng thẳng trong quan hệ ngoại giao Malaysia – Triều Tiên ngày 7/3, ông Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ của Việt Nam tại một số nước Trung Đông, cho rằng: Sự leo thang căng thẳng giữa hai quốc gia này rất khó đoán, nhưng sẽ khó xảy ra khả năng hai bên cắt đứt quan hệ ngoại giao.

“Hai nước vẫn sẽ có những mối quan tâm và lợi ích chung cần gìn giữ, về kinh tế, chính trị”, ông Nguyễn Quang Khai nói. 

Malaysia hiện là 1 trong số hơn 20 quốc gia có đại sứ quán đặt tại Bình Nhưỡng trong khi Kuala Lumpur là 1 trong khoảng 50 thủ đô có Đại sứ quán Triều Tiên. 

Người Malaysia là những công dân duy nhất trên thế giới được miễn thị thực khi tới Triều Tiên và ngược lại, công dân Triều Tiên tới Malaysia cũng không cần thị thực.

Tuy có quan hệ tốt đẹp là thế nhưng mối quan hệ ngoại giao này bắt đầu rạn nứt và căng thẳng sau khi Kim Chol, người được cho là ông Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un qua đời ở Malaysia một cách bất thường.

Đánh giá động thái trục xuất các đại sứ của hai bên mới đây, và khả năng hai nước chấm dứt chế độ miễn thị thực đối với công dân nước kia, với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành ngoại giao, ông Nguyễn Quang Khai nhận định:

“Khi Malaysia trục xuất đại sứ của Triều Tiên hay chấm dứt miễn thị thực đối với công dân Triều Tiên, thì diễn biến dễ đoán tiếp theo là Triều Tiên sẽ đáp trả bằng các biện pháp tương tự, như trục xuất đại sứ của Malaysia. Đây là cách hành xử theo thông lệ trong ngoại giao, dù việc trục xuất đại sứ là khá nghiêm trọng và hiếm gặp.”

Trên thế giới, đến nay mới có chưa đầy 20 đại sứ đương nhiệm bị trục xuất, còn các vụ việc trục xuất những nhân viên/nhà ngoại giao thì phổ biến hơn. 

Ví dụ như vào tháng 8/2015, Thụy Điển trục xuất một nhà ngoại giao của Nga mà không đưa ra lý do cụ thể, chỉ nói chung chung là vì “vi phạm công ước Vienna về ngoại giao”. Phía Nga sau đó cũng đáp trả bằng việc ra lệnh trục xuất một nhà ngoại giao Thụy Điển, nhưng thậm chí còn không nêu lý do hay thời gian cụ thể nhà ngoại giao này phải rời đi.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai cho biết, có lẽ trong các sự vụ “trục xuất” và đáp trả trong ngoại giao, chỉ có một trường hợp đặc biệt, đó là khi Tổng thống Nga Vladimir Putin không “trả đũa” việc Tổng thống Mỹ Obama trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga vào tháng 12/2016 vừa qua sau khi Washington cáo buộc Moscow can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Có dấu hiệu “làm quá”

Về các diễn biến mới nhất trong sáng ngày 7/3, Triều Tiên cấm người Malaysia ở đất nước họ xuất cảnh, theo đại sứ Nguyễn Quang Khai, sự việc đã đi xa hơn là “trục xuất” đại diện ngoại giao và có vẻ đã có dấu hiệu bị “làm quá”:

“Việc Triều Tiên cấm công dân Malaysia xuất cảnh khá khác biệt so với các thông lệ, nguyên tắc ngoại giao. Tuy nhiên những hành động ‘khác biệt’ như thế của Triều Tiên cũng không phải là điều làm mọi người quá ngạc nhiên. 

Xét về lý thì những công dân Malaysia bình thường không có liên quan trực tiếp tới vụ án công dân Triều Tiên Kim Chol qua đời ở Kuala Lumpur, vì vậy khó có lý do gì để hạn chế quyền tự do đi lại, di chuyển của họ.”.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai cho rằng, vụ án với nạn nhân được cho là ông Kim Jong-Nam còn chưa được tòa án ở Malaysia xét xử và chưa đi tới kết luận cuối cùng, vì vậy có lẽ sẽ tốt hơn nếu cả hai phía Malaysia và Triều Tiên không có có những hành động “làm quá” và đẩy căng thẳng trong quan hệ hai nước lên mức cao hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới