Wednesday, December 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVì sao Mao Trạch Đông không "thu hồi" Hồng Kông ngay khi...

Vì sao Mao Trạch Đông không “thu hồi” Hồng Kông ngay khi nước TQ mới thành lập?

“Tháng 10/1949, sau khi giải phóng xong Quảng Châu, quân đội Trung Quốc tiến về cửa sông Thâm Quyến rồi dừng bước”, Nhân dân Nhật báo viết về chiến dịch quân sự của Mao Trạch Đông.

Theo Mao Trạch Đông, do tình hình Đại lục chưa ổn định nên tấn công
Hồng Kông sẽ không mang lại nhiều ý nghĩa. (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Không giao nhiệm vụ “thu hồi” Hồng Kông

“Một chiếc xe jeep từ từ chạy tới bờ Bắc sông Thâm Quyến, một người dùng ống nhòm quân sự quan sát Hong Kong ở bên kia sông. Cách bờ Nam không xa, quốc kỳ Anh phấp phới bay trước các toà nhà kiến trúc, những chiếc xe container kiểu Anh đi lại nhộn nhịp trên đường…”, tờ Kuailelaorenbao (Hồ Nam, Trung Quốc) viết.

Nguyên soái Diệp Kiếm Anh và Tư lệnh Lưỡng Quảng Tăng Sinh chính là hai tướng lĩnh cấp cao trên xe chiếc xe jeep của Trung Quốc.

“Không cần tất cả các cánh quân khác tập họp, chỉ cần dựa vào quân đoàn Lưỡng Quảng cũng đủ khả năng ‘giải phóng’ Hồng Kông!”, Tăng Sinh nói.

Tuy nhiên, Diệp Kiếm Anh đã trả lời rằng, “Mao Trạch Đông không giao nhiệm vụ giành lại Hồng Kông”.

Theo báo Trung Quốc, câu nói của ông Diệp thể hiện việc sắp xếp chiến lược của Mao và Ủy ban trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Diệp Kiếm Anh, vốn nắm chức Thị trưởng Bắc Bình (tên gọi cũ của Bắc Kinh) kiêm Chủ nhiệm Ủy ban quản lý quân sự vừa được nửa năm, đã được điều chuyển làm Bí thư thứ nhất phân cục Hoa Nam ĐCSTQ kiêm Tư lệnh quân khu tỉnh Quang Đông nhằm lãnh đạo giải phóng khu vực Hoa Nam (gồm: Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Hồng Kông và Macau).

Đầu tháng 8/1949, trước khi Diệp Kiếm Anh xuống Hoa Nam nhận nhiệm vụ, Mao Trạch Đông đã nhiều lần cùng Diệp họp bí mật. Tại những cuộc họp này, Mao bàn về vấn đề Hồng Kông với mục tiêu “chuẩn bị đối phó sự phong tỏa kinh tế và can thiệp quân sự của chủ nghĩa đế quốc”.

Tháng 9/1949, phân cục Hoa Nam được tái cơ cấu, công tác hậu cần cho chiến dịch Quảng Đông được thảo luận kỹ càng nhưng sau khi giải phóng Quảng Châu, quân đội Trung Quốc đã dừng bước, tạm thời chưa tiến hành kế hoạch “thu hồi” Hồng Kông.

Đại lục chưa ổn định

Tờ Nhân dân nhật báo cho hay, trước quyết định trên của Mao Trạch Đông, nhiều ý kiến đã đặt nghi vấn “phải chăng Bắc Kinh e ngại trước sức mạnh của quân đội Anh đang đồn trú tại Hồng Kông”.

Tuy nhiên theo báo đảng Trung Quốc, không tấn công Hồng Kông không phải là quyết định tạm thời mà đã được Mao lên kế hoạch từ sớm.

Vào tháng 12/1946, Mao trả lời phóng viên phương Tây rằng: “Về vấn đề Hồng Kông, ĐCSTQ chưa đề xuất yêu cầu lập tức thu hồi bởi Trung Quốc rất rộng lớn, còn nhiều địa phương chưa quản lý tốt, gấp rút đòi lại mảnh đất nhỏ Hồng Kông để làm gì? Tương lai có thể thông qua phương thức đàm phán để giải quyết”.

Đến đầu năm 1949, trong cuộc trò chuyện với Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng bộ trưởng Liên Xô Anastas Ivanovitch Mikoyan, Mao Trạch Đông tiết lộ lãnh thổ Trung Quốc vẫn chưa giải phóng hết, các địa phương tại Đại lục chỉ cần đưa quân đến là giải quyết ổn thỏa nhưng vấn đề Hồng Kông, Macau phức tạp hơn, cần có biện pháp linh hoạt, tốn nhiều thời gian.

“Trong bối cảnh này, gấp gáp giải quyết vấn đề Hồng Kông, Macau cũng không có ý nghĩa là bao. Trái lại, lợi dụng vị thế hiện tại của hai vùng đất này, đặc biệt là Hồng Kông, có thể mang lại lợi ích ít nhiều trong quan hệ đối ngoại và thương mại. Nói chung, cần quan sát tình hình phát triển mới đưa ra quyết định cuối cùng”, báo đảng Trung Quốc dẫn lời Mao.

Về phía quân đội Anh, tờ Kuailelaorenbao cho hay, trong bối cảnh chính quyền Tưởng Giới Thạch chia rẽ, nước Trung Quốc mới sắp thành lập, để duy trì lợi ích của chính phủ Anh ở Trung Quốc và giữ vững hệ thống chính trị tại Hong Kong, tháng 12/1948, nội các Anh đã quyết định chính sách “giữ vững Hồng Kông”.

Theo đó, trước khi quân đội Trung Quốc vượt qua Trường Giang, chiến hạm Anh mang tên Amethyst Incident (tên khác là Yangtze Incident) đã có cuộc đụng độ với Quân Giải phóng Trung Quốc trên sông này. Cuộc chiến này đã gây chấn động dư luận London và Hồng Kông.

Báo Trung Quốc cho hay, do lo lắng Bắc Kinh sẽ giành lại Hồng Kông, Thống đốc Hồng Kông (Đặc khu trưởng) Alexander W. G. H. Grantham đã yêu cầu London chi viện số lượng lớn binh lính và trang thiết bị.

Khi đó, dư luận London cho rằng, Hồng Kông bị quân đội Trung Quốc tấn công đã không phải là vấn đề, vấn đề nằm ở chỗ khi nào Hồng Kông bị tấn công – truyền thông Trung Quốc nhận định.

RELATED ARTICLES

Tin mới