Những ngày này, những người Việt Nam xa quê hương luôn hướng về, dõi theo những phát triển của đất nước, vui mừng vì được chứng kiến sự đổi thay ngày càng lớn mạnh, nhưng cũng có nỗi niềm đau đáu với những mảnh đất thiêng của dân tộc đang bị kẻ khác chiếm đóng. Những mảnh đất thiêng liêng đó là quần đảo Hoàng Sa và một phần Trường Sa của Việt Nam thân thương đã bị Trung Quốc dùng vũ lực lần lượt xâm chiếm trong các ngày 19/1/1974 và 14/3/1988.
Bản đồ Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nguồn: UNCLOS
Ông Nguyễn Minh Châu, một doanh nhân người Việt hiện định cư tại London (Anh) khẳng định “Đây là những dấu mốc mà mỗi người con mang dòng máu Việt không bao giờ được quên. Trong những thời điểm đất nước chúng ta khó khăn, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam; chúng ta không bao giờ quên sự hy sinh cao cả của các chiến sỹ hải quân trong các trận chiến năm 1974 và 1988, những người không nghĩ đến bản thân mình, dũng cảm đương đầu với họng súng của kẻ địch để gìn giữ mảnh đất thiêng liêng của dân tộc”.
Vấn đề lãnh thổ của một nước là vấn đề thiêng liêng, được tạo ra với lịch sử hàng trăm; việc một quốc gia thực hiện chủ quyền một cách thực sự, liên tục và hòa bình là tiêu chuẩn định đoạt chủ quyền của lãnh thổ đó thuộc về ai.
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một minh chứng điển hình của một cuộc đấu tranh giữa chính nghĩa với bạo lực xâm lược. Một bên là Nhà nước Việt Nam đã thực sự thực hiện chủ quyền của mình một cách liên tục, hòa bình và rõ ràng trong nhiều thế kỷ và một bên là Trung Quốc đã dùng lực lượng quân sự đến chiếm đóng trên hai quần đảo và đang hàng ngày tìm mọi cách hợp pháp hóa sự chiếm đóng phi pháp đó thông qua các hành động như cải tạo, quân sự hóa các đảo, đá…
Những bằng chứng lịch sử không ai chối cãi được đã minh chứng rằng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện chủ quyền của mình từ lâu và luôn khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của mình.
Sự xác lập chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa – Trường Sa được minh chứng không chỉ bằng những tài liệu do người nước ngoài ghi chép như sách Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán viết năm 1696, hay của nhiều tác giả Tây phương như Le Poivre (1749), J. Chaigneau (1816-1819), Taberd (1838), Gutzlaff (1849)…; cũng như những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể liên quan đến hoạt động của các Đội Hoàng Sa xưa ở cửa biển Sa kỳ và đảo Lý Sơn (Cù lao Ré), mà còn được ghi lại trên nhiều thư tịch, trong đó có những văn bản mang tính chất hành chính Nhà nước của Việt Nam.
Bằng chứng đầy đủ về chủ quyền của nhà nước Đại Việt qua Thiên Nam Tứ chí Lộ Đồ Thư trong Hồng Đức Bản Đồ hay Toản Tập An Nam Lộ trong sách Thiên Hạ Bản Đồ (của Đỗ Bá soạn năm Chính Hoà thứ 7-1686) và sách Phủ Biên Tạp Lục của bác học Lê Quý Đôn (1776)…
Tấm bản đồ trong Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ được vẽ theo bút pháp đương thời với lời chú rất rõ ràng: “Giữa biển có một dải cát dài gọi là Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) dài tới 400 dặm… Họ Nguyễn mỗi năm và cuối mùa Đông đưa 18 chiếc thuyền đến đấy lấy hàng hoá, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn…”.
Còn bản đồ vẽ trong Toản Tập An Nam Lộ thì ghi chú rất rõ địa danh Bãi Cát Vàng trên biển khơi phía trước của những địa danh trên đất liền như các cửa biển Đại Chiêm, Sa Kỳ, Mỹ Á, phủ Quảng Nghĩa và các huyện Bình Sơn, Chương Nghĩa, Mộ Hoa.
Sách Phủ Biên Tạp Lục của nhà bác học Lê Quý Đôn (1776) dành nhiều trang mô tả về các “Đội Hoàng Sa” và “Bắc Hải” của chúa Nguyễn tổ chức cho dân vùng Quảng Ngãi thường kỳ vượt biển đến Hoàng Sa để thu luợm các sản vật đem về đất liền. Những tư liệu thu thập tại địa phương xã An Vĩnh (Cù lao Ré) còn nói tới “Đội Quế hương” cũng là một hình thức tổ chức do dân lập xin phép nhà nước được ra khai thác ở Hoàng Sa.
Qua thời Nguyễn, kể từ đầu thế kỷ XIX, tấm bản đồ được lập thời Minh Mạng Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ vẽ rất rõ cả một dải lãnh thổ gồm những đảo trên Biển Đông được ghi chú là “Vạn lý Trường Sa” (tên gọi chung cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo quan niệm đương thời).
Hai bộ sách địa lý quan trọng của triều Nguyễn là Dư Địa Chí trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (1821) và sách Hoàng Việt Địa Dư Chí (1833) trong phần viết về phủ Tư Nghĩa và đều đề cập đến hoạt động của các “Đội Hoàng Sa”.
Bộ chính sử Đại Nam Thực Lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn liên tục cho đến thập kỷ đầu của thế kỷ XX đều nhiều lần ghi lại các sự kiện liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, quyền quản lý của Nhà nước Việt Nam vẫn được thực hiện như: Các nghị định của toàn quyền Đông Dương, của triều đình Huế, của thống đốc Nam Kỳ đã liên tục thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, khi nước Việt Nam còn bị chia cắt, chính quyền miền Nam Việt Nam đã quản lý một cách liên tục hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong những hội nghị quốc tế quan trọng như Hội nghị Geneve 1954, Hội nghị Paris 1972, đều có Trung Quốc, một bên tham gia ký kết đã long trọng công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Trung Quốc luôn khoe khoang rằng mình đã phát hiện và quản lý Hoàng Sa, Trường Sa từ lâu đời. Tuy nhiên, thực tế, phải mãi đến năm 1909, lần đầu tiên Trung Quốc mới đề cập đến chủ quyền của mình đối với khu vực này. Điều đó cho thấy, trong suốt 3 thế kỷ trước đó (XVII-XIX), các Nhà nước Việt Nam kế thừa nhau đã liên tục thể hiện chủ quyền lịch sử và thực tiễn quản lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Việc Trung Quốc phái quân tấn công và chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và các đảo, bãi thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988 là một hành động bạo lực phi pháp xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Châu nhớ lại lời Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam tuyên bố “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng, chúng ta nhất định đòi lại. Đời tôi đời các bạn chưa đòi lại được, thì đời con cháu chúng ta tiếp tục đòi theo đúng luật pháp quốc tế”. Ông cho rằng việc đòi lại những mảnh đất thiêng liêng của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng không phải dễ dàng trong ngày một ngày hai, nhưng từ lúc này mọi người dân Việt Nam cần nỗ lực đoàn kết, trau dồi để tăng cường nội lực, sức mạnh của đất nước. Ông Châu cho rằng việc cần thiết hiện nay là tập hợp các chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực luật pháp quốc tế trong và ngoài nước, để một ngày nào đó đưa việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam ra các cơ quan luật pháp của quốc tế để phân xử. Trên thế giới, những cuộc xâm lược bằng lực lượng quân sự chỉ có thể đạt được kết quả nhất thời, nhưng cuối cùng bao giờ cũng thất bại.