Lịch sử cần phải minh định và tái khẳng định về bản chất của sự kiện này không phải là “hải chiến” mà là một vụ “thảm sát” của quân đội Trung Quốc đối với một đơn vị bộ đội công binh của chúng ta đang xây dựng đảo, xác lập chủ quyền.
Hình ảnh những công trình trái phép Trung Quốc đang xây dựng trên Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Gạc Ma: “gác lại” nhưng không “khép lại”
Nhân dịp kỷ niệm 29 năm ‘’sự kiện Gạc Ma” ( 14/3/1988 – 14/3/2017 , chúng tôi có cuộc trao đổi với ThS. Trần Trung Hiếu – Giáo viên Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, để có cái nhìn rõ nét nhất về sự việc này.
Ths. Trần Trung Hiếu cho biết: “29 năm qua, lịch sử thì đang dần lùi xa còn nỗi đau thì chưa bao giờ nguôi ngoai, nhiều sự trăn trở và day dứt vẫn còn đó. Đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa -một phần của lãnh thổ thiêng liêng của chủ quyền quốc gia dân tộc mà từ thời các chúa Nguyễn đã xác lập chủ quyền và khai thác đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Vì rất nhiều lý do mà trong một thời gian khá dài, sự kiện bi hùng này bị lãng quên”.
Ngoài ra, Ths. Trần Trung Hiếu cũng chia sẻ: “Nhắc lại sự kiện này không phải là chúng ta muốn khơi sâu nỗi đau trong nhân dân, khơi dậy mối thù hằn dân tộc làm ảnh hưởng đến đường lối đối ngoại chiến lược của nhà nước ta với với các quốc gia láng giềng.
Với góc độ là giáo viên dạy sử đang trực tiếp giảng dạy cho học sinh – những chủ nhân tương lai của đất nước thì tôi cho rằng việc nhắc lại sự kiện này là rất nên, rất cần thiết.
Lịch sử cần phải minh định và tái khẳng định về bản chất của sự kiện này không phải là “hải chiến” mà là một vụ “thảm sát” của quân đội Trung Quốc đối với một đơn vị bộ đội công binh của chúng ta đang xây dựng đảo, xác lập chủ quyền. Điều quan trọng hơn là sau vụ thảm sát này, Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma bất chấp sự phản đối của dư luận thế giới và pháp lý quốc tế.
Xâu chuỗi nhiều sự kiện liên quan đến cách hành xử của Trung Quốc với Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa năm 1956, 1974 và ở Trường Sa ngày 14/3/1988 đã khẳng định một thực tế rằng, việc Trung Quốc đánh chiếm trái phép Gạc Ma không chỉ đơn thuần là muốn “sở hữu” hòn đảo này.
Đó chỉ là một hành động nằm trong chiến lược độc chiếm biển Đông của Trung Quốc, dùng sức mạnh quân sự để khống chế toàn bộ biển Đông, bao gồm cả tự do hàng hải và hàng không. Đó là một toan tính nguy hiểm không chỉ đe dọa chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam mà còn gây ra bất ổn trong khu vực và đe dọa hòa bình thế giới.
Vì vậy, tôi cho rằng muốn bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia dân tộc về lãnh thổ, tất yếu chúng ta phải độc lập, tự chủ về mặt kinh tế hoặc ít ra là hạn chế đến mức thấp nhất sự lệ thuộc về thị trường, về vốn đầu từ từ nước ngoài.
Trong bối cảnh phức tạp lịch sử lúc bấy giờ và nhiều năm sau đó, vì nhiều lý do tế nhị mà sự kiện thảm sát ở Gạc Ma không được các cơ quan truyền thông nhắc tới. Và ngay cả các sách giáo khoa lịch sử phổ thông được xuất bản, tái bản nhiều lần sau sự kiện này cũng không hề có một dòng cho sự kiện này. Thậm chí, cả nhiều đồng nghiệp dạy môn Sử phổ thông trên nhiều trường THPT, THCS, khi hỏi đến kiến thức này cũng rất mơ hồ.
Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay thì mọi sự che đậy, né tránh hay lãng quên dù bất cứ lý do gì cũng khó được chấp nhận. Sách giáo khoa mới cần bổ sung những kiến thức cơ bản về quá trình đấu tranh xác lập chủ quyền và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo về Hoàng Sa, Trường Sa, Gạc Ma…!
Không cần phải liệt kê sự kiện, nhồi nhét kiến thức. Chỉ cần viết đúng, viết đủ và tôn trọng sự thật khách quan của lịch sử. Vì quan hệ đại cục, vì sự phát triển kinh tế thị trường chúng ta phải “gác lại” chứ không phải “khép lại” những sự thật lịch sử đã quá rõ ràng. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước và những người có trách nhiệm cao nhất của đất nước.
Thứ tư, từ sự kiện Gạc Ma 29 năm qua, chúng ta cần rút ra bài học kinh nghiệm xương máu qua thực tế lịch sử của dân tộc mình khi hoạch định đường lối đối ngoại trong một thế giới hiện đại đang thay đổi từng ngày mà lợi ích các quốc gia luôn đan xen nhau cực kỳ phức tạp.
Trong thế giới đa chiều chằng chéo, đan xen nhiều lợi ích ấy, một thành ngữ hiện đại được tất cả các quốc gia thừa nhận từ sự sàng lọc qua thực tiễn lịch sử là : không có kẻ thù vĩnh viễn, không có bạn bè vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia là vĩnh viễn. Điều cốt lõi là chúng ta cần hiểu rõ bạn- thù và phải luôn đặt lợi ích dân tộc lên trước hết.
Thứ năm, bài học bi hùng từ Gạc Ma 29 năm trước đã thêm một lần chúng ta phải khẳng định lại rằng, trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế bao giờ cũng luôn song hành với nhiệm vụ an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Chúng ta chỉ có thể bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên cơ sở có một thực lực và tiềm lực kinh tế nhất định. Đó phải là một nền kinh tế phát triển ổn định, độc lập, tự chủ, không lệ thuộc vào thị trường cũng như nguồn vốn của nước ngoài. Nói tóm lại, theo quan điểm của cá nhân tôi thì nhắc lại sự kiên Gạc Ma để chúng ta cũng hy vọng đừng bao giờ có thêm một “Gạc Ma” nào nữa!
GV Sử phổ thông cần dạy như thế nào về sự kiện Gạc Ma?
Khi chưa có nội dung và chương trình sách giáo khoa mới thay thế cho sách giáo khoa hiện hành đã có nhiều bất cập, lỗi thời thì các giáo viên dạy Sử không nên máy móc và chờ đợi một cách thụ động. Chính họ là những người thay mặt lịch sử bổ sung kịp thời những thiếu sót đó thông qua những bài giảng lịch sử.
Muốn làm được điều này đòi hỏi sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của chính các giáo viên Sử để luôn cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin với nhiều khả năng “lồng ghép”, “tích hợp” kiến thức một cách linh hoạt tùy theo tính chất, nội dung của từng bài dạy trong chương trình hiện hành.
Khi nhắc đến sự kiện này, giáo viên Sử chỉ cần khẳng định bản chất của sự kiện này là một hành động “thảm sát” tàn nhẫn của quân đội Trung Quốc ở cụm đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa chứ không phải là một trận “hải chiến”. Trung Quốc muốn chọn Gạc Ma làm “pháo đài” giữa biển Đông tiến tới “gặm nhấm” dần quần đảo Trường Sa.
Thứ hai, trong cuộc “thảm sát” này, 64 bộ đội đã hy sinh anh dũng mà 29 năm qua thân xác của các liệt sỹ đó vẫn còn nằm dưới biển sâu hoang lạnh…Xét trong bối cảnh, điều kiện, tương quan lực lượng và tính chất của sự kiện này thì đó là một sự hy sinh anh dũng vì Tổ quốc, cần được ghi nhân và vinh danh như những người anh hùng trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), đế quốc Mỹ (1954-1975).
Vài điều mong đợi …
Và điều cuối cùng mà cá nhân tôi cũng như nhiều cựu binh Gạc Ma còn sống sót mong muốn, chờ đợi là cuốn sách “Vòng tròn Gạc Ma”sau nhiều thời gian trì hoãn với nhiều lý do “tế nhị” sẽ được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép xuất bản trước ngày 14/3/2017 – thời điểm đánh dấu tròn 29 năm Trung Quốc gây ra vụ thảm sát trên bãi đá Gạc Ma.
Nếu được xuất bản thì đó như là một nghĩa cử, như là những nén tâm hương muộn màng để tưởng nhớ và tri ân 64 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh ngày 14/3/1988 và ghi nhận, sẽ chia với những cựu binh Gạc Ma còn sống sót (bị Trung Quốc bắt và sau 3 năm mới thả) sau vụ thảm sát.
Theo quan điểm của cá nhân tôi, đến ngày 14/3/2017, tùy vào từng điều kiện cụ thể của các địa phương, các cơ quan có trách nhiệm liên quan nên tổ chức một lễ tưởng niệm 64 liệt sỹ đã ngã xuống trên đảo Gạc Ma để tạo nên một “Vòng tròn bất tử” cho Tổ quốc. Những đồng đội Gạc Ma đã bị thương nay vẫn còn sống và thân nhân các liệt sỹ sẽ cảm thấy ấm lòng hơn…