Wednesday, November 20, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNhững mối quan hệ ngoại giao đầy "bí ẩn" của Triều Tiên

Những mối quan hệ ngoại giao đầy “bí ẩn” của Triều Tiên

Phải hai năm sau khi lãnh đạo Kim Jong Un lên nắm quyền, Triều Tiên mới đón vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên tới thăm chính thức. Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới thăm Bình Nhưỡng vào cuối năm 2013.

Triều Tiên không thực sự thân thiết với quốc gia nào. Nguồn: Foreign Policy

CNN trích tài liệu từ WikiLeaks cho hay, Mông Cổ là một trong số ít những quốc gia có mối quan hệ ngoại giao cơ bản với đất nước bí mật này. Năm 2009, Mông Cổ cũng là nước chuyển thông điệp của Triều Tiên cho Hoa Kỳ.

Thế nhưng, kể cả khi Tổng thống Mông Cổ đã sang tận nơi thì ông Kim vẫn không gặp mặt trực tiếp nhà lãnh đạo này, theo thông tin từ John Delury, phó giáo sư ĐH Yonsei cho CNN biết.

“Triều Tiên không thực sự thân thiết với bất kỳ một quốc gia nào. Bình Nhưỡng có những mối quan hệ khá căng thẳng với những người hàng xóm, vì vậy họ khó có thể thân thiết với một nước nào bởi Triều Tiên đang phải chịu rất nhiều lệnh cấm vận. Đây cũng là một quốc gia chưa phát triển nên không có nhiều công việc kinh doanh để các nước khác đầu tư vào”, ông Delury phân tích.

Sự cô lập về ngoại giao của Triều Tiên càng trở nên trầm trọng khi Bình Nhưỡng và Kuala Lumpur tranh cãi xung quanh vụ sát hại công dân được cho là anh trai của ông Kim Jong Un tại sân bay Malaysia cũng như sau một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo của nước này nhận không ít chỉ trích từ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Từ không có đồng minh cho tới “một mình”

Cũng có khoảng thời gian Triều Tiên chủ động nỗ lực thu nạp những ý kiến của cộng đồng quốc tế. Daniel Pinkston, giáo sư quan hệ quốc tế ĐH Troy, Seoul cho biết: “Quay trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Triều Tiên khá chủ động trong Phong trào Không Liên kết. Một phần chính sách đối ngoại của Bình Nhưỡng là mở rộng quan hệ ngoại giao trên khắp thế giới để cạnh tranh với Hàn Quốc”.

Hình thành năm 1961, Phong trào Không Liên kết được phát triển như một lựa chọn thứ ba cho các quốc gia bị “mắc kẹt” giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Mặc dù khi đó, Bình Nhưỡng khá phụ thuộc vào Liên Xô, song Triều Tiên cũng gia nhập phong trào này.

“Trong những năm 1970, chính quyền Triều Tiên thúc đẩy việc thiết lập quan hệ ngoại giao với một loạt quốc gia, những nước thuộc thế giới thứ ba, cố gắng đẩy Hàn Quốc ra rìa để đạt được số phiếu của Liên Hiệp Quốc”, ông Pinkston nói.

Và trong một khoảng thời gian, chiến lược này có vẻ hiệu quả. Theo Ủy ban quốc gia không lợi nhuận về Triều Tiên có trụ sở tại Mỹ, từ năm 1970 đến 1979, Bình Nhưỡng đã thiết lập quan hệ ngoại giao vơi shown 60 quốc gia, bao gồm cả Ấn Độ, Arghentina và Australia.

Tuy nhiên, những hoạt động bạo lực cùng sự sụp đổ của Liên Xô những năm 1990 đã dần dần đẩy Triều Tiên ngày càng đi sâu vào sự cô lập.

Người bạn duy nhất của Triều Tiên là ai? 

Hiện có 24 đại sứ quán nước ngoài đặt tại Bình Nhưỡng và Triều Tiên có khoảng 47 phái bộ ngoại giao trên thế giới. Song, các chuyên gia cho rằng việc có một địa điểm ngoại giao bên trong lãnh thổ Triều Tiên không có gì đảm bảo đó là một mối quan hệ thân thiết hay bằng hữu gì.

“Kể cả khi họ tỏ ra thân thiện với các nước khác thì vẫn còn một vài khía cạnh gì đó giữ kín. Tôi nhớ có lần nói chuyện với một tùy viên quân sự ở Bình Nhưỡng và được biết họ chưa bao giờ nhìn thấy bất kỳ một cuộc tập trận hay huấn luyện quân sự nào ở Triều Tiên… Không có hoạt động nào được tiết lộ với nước ngoài”, cựu Đại biện Vương quốc Anh tại Triều Tiên, Jim Hoare tiết lộ.

Quốc gia duy nhất với quan hệ ngoại giao và thương mại đáng kể với Triều Tiên, đó là Trung Quốc, một trong những người hàng xóm thân cận nhất của Bình Nhưỡng. Khoảng 88% hàng hóa nhập khẩu của Triều Tiên có nguồn gốc Trung Quốc, với giá trị khoảng 3,5 tỷ USD và phần lớn hàng xuất khẩu của nước này cũng được đưa tới Trung Quốc, khoảng 86%, tương đương 2,67 tỷ USD. Phần lớn hàng xuất khẩu đều là than đá.

Mặc dù như vậy, theo ông Hoare, mối quan hệ này cũng khá phức tạp. “Họ phụ thuộc vào Trung Quốc nhưng điều đó không có nghĩa là Bình Nhưỡng thích Bắc Kinh hay muốn thỏa thuận với Trung Quốc… Ý của tôi là, về cơ bản, không có một mối quan hệ quốc tế nào là đặc biệt quan trọng với Triều Tiên cả”, ông Hoare cho hay.

Andray Abrahamian, Giám đốc nghiên cứu tổ chức phi chính phủ Choson Exchange, làm việc với các doanh nghiệp Triều Tiên, cho biết Bình Nhưỡng đang cố gắng thúc đẩy quan hệ với Nga và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

“Họ vẫn chưa tìm ra được một cách cụ thể. Trong vài năm qua, Triều Tiên đã có những nỗ lực lớn cố gắng chuyển mối quan hệ sang Moscow, tuy nhiên vẫn chưa có hiệu quả vì một vài lý do. Bình Nhưỡng thực sự vẫn mắc kẹt với Bắc Kinh”, chuyên gia phân tích.

Lãnh đạo Kim Jong Un cũng được mời tới thăm Nga năm 2015 nhưng ông chưa bao giờ thực hiện chuyến đi này.

Tương lai ngoại giao của Triều Tiên

Theo ông Abrahamian, chính sách đối ngoại hiện tại của Triều Tiên chỉ dựa trên hai điều, đó là tồn tại và tôn trọng. “Cuối cùng điều họ muốn vẫn là được công nhận là cường quốc hạt nhân và sau đó sẽ tái thiết mối quan hệ với một số quốc gia đối lập, như Hàn Quốc và Hoa Kỳ, với tư cách là một cường quốc hạt nhân”, ông nói.

Tuy nhiên, về phía cộng đồng quốc tế, có rất ít quốc gia sẵn sàng thúc đẩy quan hệ với Bình Nhưỡng. Vụ việc công dân Triều Tiên bị sát hại tại sân bay quốc tế Kula Lumpur hôm 13/2 cho thấy những khác biệt trong cách hành xử ngoại giao của Bình Nhưỡng cũng như những khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về quốc gia bí ẩn nhất thế giới này.

Kể cả trước khi vụ việc trên xảy ra, những lệnh trừng phạt, cấm vận của Liên Hiệp Quốc với Triều Tiên vẫn không có xu hướng giảm đi. Các vụ thử hạt nhân liên tiếp và việc thiếu những tiềm lực kinh tế khiến cho cộng đồng quốc tế quay lưng lại với Triều Tiên. “Không có nhiều dấu hiệu tích cực cho việc thiết lập một mối quan hệ ngoại giao song phương thân thiết với Bình Nhưỡng”, ông Pinkston nhận định.

RELATED ARTICLES

Tin mới