Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố có thể rút khỏi Hội đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc vì không đồng quan điểm về nhân quyền.
The Independent ngày 15/3 thông tin Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tuyên bố với 9 tổ chức thuộc cơ quan nhân quyền về hiệu quả của họ và cho biết có khả năng sẽ rút khỏi Hội đồng Nhân Quyền LHQ (UNHRC) nếu không chịu cải cách.
Trong lá thư gửi 9 nhóm nhân quyền của Hội đồng này, Ngoại trưởng Tillerson nêu rõ chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tiếp tục “đánh giá tính hiệu quả trong hoạt động của UNHRC”, tổ chức có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ).
Ông Tillerson nói: “Chúng tôi có thể không chia sẻ quan điểm về vấn đề nhân quyền do các thành phần của cơ quan này”.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đồng thời nhấn mạnh UNHRC cần phải có những cải cách lớn để Mỹ tiếp tục tham gia. Tuy nhiên, ông Tillerson không ấn định thời hạn chót cho quyết định này.
Ngoại trưởng Mỹ- người được trao quyền tiến hành việc đánh giá cũng như xem xét việc cắt giảm tài trợ của Mỹ vào cơ quan LHQ khẳng định ông lo ngại về thành tích nhân quyền của một số nước trong Hội dồng 47 thành viên như Trung Quốc, Ai Cập và Ả-rập Saudi.
Nhiều trợ lý cấp cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Foreign Policy rằng Washington sẽ chưa rút khỏi UNHRC ngay bây giờ nhưng đây vẫn là một khả năng có thể xảy ra. Trong khi đó, những người chỉ trích tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ tỏ ra lo lắng về những hệ quả có thể xảy ra nếu Mỹ rút khỏi UNHRC.
“Nếu họ không cải cách, chúng tôi sẽ vẫn để ngỏ tư cách thành viên của mình. Chúng tôi sẽ không đưa vấn đề rút tư cách thành viên ra khỏi chương trình làm việc. Mục đích của chúng tôi là cải cách tổ chức này”, một trợ lý cấp cao của Ngoại trưởng Tillerson cho hay.
Foreign Policy trước đó cho hay, Bộ Ngoại giao Mỹ đang nhắm tới việc cắt giảm tới 50% các chương trình cấp quỹ cho các sứ mệnh của LHQ. Washington hiện đóng góp khoảng 10 tỷ USD cho Liên Hợp Quốc mỗi năm, trở thành nhà tài trợ lớn nhất của tổ chức này.
Ông Donald Trump có khả năng cắt giảm 50% tài chính cho Liên Hợp quốc. |
Các quan chức LHQ cho biết việc thiếu hụt nguồn tiền từ Mỹ sẽ tạo ra một khoảng trống ngân sách lớn, khiến các quốc gia thành viên khác của tổ chức này rơi vào tình thế chật vật khi cố lấp đầy khoảng trống.
Nếu cắt giảm 1 nửa khoản tài chính này, LHQ sẽ buộc phải cắt giảm ngân sách cho các hoạt động: gìn giữ hòa bình, tổ chức các cuộc hòa đàm ở vùng chiến sự như Syria hay Yemen, tiêm chủng cho trẻ em và thanh sát vũ khí hạt nhân ở các quốc gia như Triều Tiên…
Ông John Fisher, thuộc tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, đánh giá: “Dưới các chính quyền trước đây, Hoa Kỳ đã đóng một vai trò quan trọng từ khi gia nhập Hội Đồng, thậm chí trong một số sáng kiến chủ chốt Mỹ còn đóng vai trò lãnh đạo”.
Song những quan điểm của Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump về định chế bảo vệ nhân quyền này đã hành động không công bằng với Israel và nhắm mặt làm ngơ trước các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc hay Ả-Rập Xê-Út – hai nước thành viên của Hội đồng, đã khiến tổ chức toàn cầu này lo ngại.
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ buông lơi lĩnh vực nhân quyền. Chính quyền Bush năm 2006 đã từng rút khỏi Hội Đồng, và phải đến năm 2009, chính quyền Obama mới đưa Mỹ quay trở lại.