Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiKinh tế TQ nguy khốn: Sự mập mờ của Bắc Kinh

Kinh tế TQ nguy khốn: Sự mập mờ của Bắc Kinh

Bởi Trung Quốc mập mờ về số liệu nên người bên ngoài khó biết được tình hình sức khỏe thực sự của kinh tế Trung Quốc.

Rủi ro tài chính vẫn gia tăng ở Trung Quốc (Ảnh minh họa).

Chỉ là bề nổi

Trước việc một số tổ chức quốc tế tiếp tục cảnh báo về rủi ro tài chính vẫn đang tiếp tục gia tăng ở Trung Quốc và cùng với lo ngại về nguy cơ hạ cánh cứng của kinh tế Trung Quốc, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an) nhận định, lãnh đạo Trung Quốc sẽ không để kinh tế nước này rơi vào tình trạng đó.

Lý giải thêm về điều này, ông cho biết, từ tăng trưởng nóng 9-10%, Trung Quốc đã điều chỉnh giảm xuống 7%, 6,5% và với một nền kinh tế lớn như Trung Quốc, đây vẫn là con số khổng lồ, nhất là trong bối cảnh nước này đang tiến hành chuyển đổi nền kinh tế sang giai đoạn “bình thường mới”.

“Chỉ có điều kinh tế Trung Quốc đang ấp ủ trong lòng nó nhiều bệnh tật: nợ công, nợ xấu rất lớn dẫn tới hệ quả là nền tài chính ọp ẹp. Theo Bloomberg, tỷ lệ nợ tín dụng của Trung Quốc so với GDP tăng từ 246% lên 265% trong năm 2016.

Mặt khác, kinh tế Trung Quốc đang đương đầu với cuộc khủng hoảng sản xuất dư thừa do sức nhập của Mỹ, Nhật và châu Âu giảm, thị trường hàng hóa Trung Quốc bị thu hẹp. Từ năm 2015,  các xí nghiệp công nghiệp Trung Quốc chỉ sản xuất cầm chừng 50-60% công suất thiết kế.

Đáng lưu ý, Trung Quốc còn phải đương đầu với nguy cơ từ bên ngoài, cụ thể là từ những chính sách kinh tế mới của Mỹ dưới thời Donald  Trump. Trump đã từng hứa sẽ gắn mác “thao túng tiền tệ” cho Trung Quốc và đánh thuế 45% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc. Một khi Trump thực hiện lời hứa, chỉ cần đánh thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc ở mức bằng 1/4 những gì ông ta tuyên bố thì kinh tế Trung Quốc đã gặp khó khăn 

Đó là những khó khăn lớn mà kinh tế Trung Quốc phải đối mặt. Nhưng tôi tin ông Tập Cận Bình và đội ngũ lãnh đạo trong chính quyền đủ trí tuệ để kinh tế Trung Quốc không hạ cánh cứng mà chỉ “ém” tăng trưởng kinh tế xuống mức có thể chấp nhận được mà không tạo ra hỗn loạn gì. Sau 35 năm phát triển rực rỡ, việc kinh tế Trung Quốc hạ cánh cũng là một quy luật”, Thiếu tướng Lê Văn Cương phân tích.

Chính vì thế, vấn đề cốt lõi của kinh tế Trung Quốc, theo vị chuyên gia về quan hệ quốc tế là phải thay đổi mô hình tăng trưởng, chuyển từ chiều rộng, khai thác tài nguyên và nhân công giá rẻ, sang chiều sâu. Còn trước mắt, Trung Quốc phải giải quyết nền sản xuất dư thừa bằng cách chuyển dần ra bên ngoài, tổ chức lại nền sản xuất trong nước cho hiệu quả.

PGS.TS Bùi Quang Bình, Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) lại tỏ ra thận trọng khi đánh giá về kinh tế Trung Quốc bởi những dữ liệu vĩ mô của nước này không sòng phẳng như các nền kinh tế khác.

“Hạ cánh cứng hay hạ cánh mềm chỉ là những khái niệm tương đối. Trung Quốc thường không công khai các số liệu kinh tế thực mà chỉ mập mờ, thành ra người ngoài không thể biết bên trong thực sự như thế nào.

Nếu các chỉ số về kinh tế Trung Quốc đúng như họ công bố thì đó thực sự là vấn đề. Đằng này, hết lần này đến lần khác, các tổ chức tài chính quốc tế, chuyên gia quốc tế lên tiếng cảnh báo về các nguy cơ đối với kinh tế Trung Quốc nhưng rốt cuộc, Trung Quốc vẫn không bị làm sao.

Hơn nữa, Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế lớn, được vận hành và điều chỉnh không phải là kém. Do đó, nhìn vào hiện tượng, các nhà kinh tế có thể có nhận định bi quan về kinh tế Trung Quốc, nhưng đó cũng chỉ là bề nổi. Trung Quốc có nhiều công cụ để điều chỉnh”, PGS.TS Bùi Quang Bình nói.  

Mỹ-Trung sẽ thỏa hiệp

Hai vị chuyên gia đều đồng tình, trong các nguy cơ đến từ bên ngoài có thể tác động đến kinh tế Trung Quốc, nguy cơ đến từ Mỹ là trực tiếp nhất.

“Cái khó nhất đối với Trung Quốc là thị trường Mỹ và quan hệ với Mỹ. Trung Quốc phải đương đầu với chính sách bảo hộ của Tổng thống Donald Trump, sự phê phán của Trump về vấn đề Trung Quốc bán phá giá hàng hóa, hạ thấp giá trị đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, Mỹ chưa đụng chạm được bao nhiêu tới Trung Quốc, Donald Trump cũng mới chỉ tuyên bố như thế chứ tiềm lực đâu mà ép Trung Quốc?

Kinh tế Mỹ đã ra khỏi cuộc khủng hoảng nhưng vẫ chưa đi vào quỹ đạo phát triển mới, còn rất nhiều khó khăn cả về chính trị, xã hội, kinh tế… Nếu Mỹ ép thì Trung Quốc cũng có khả năng cứng rắn với Mỹ để trả đũa. Quan hệ kinh tế Trung-Mỹ ràng buộc với nhau rất nhiều, không phải Mỹ muốn làm gì thì làm.

Trung Quốc rất khôn ngoan, họ vẫn quan hệ với Mỹ, hữu nghị với Mỹ trong mọi chuyện nhưng đã tính một con đường khác để giảm phụ thuộc vào kinh tế Mỹ, đó là chiến lược “nhất đới, nhất lộ”. Thế nên, dù cánh cổng Mỹ có đóng thì Trung Quốc còn nhiều hướng khác để phát triển”, ông Cương phân tích.

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Quang Bình cũng khẳng định, hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc ràng buộc vào nhau, nếu xảy ra chiến tranh thương mại sẽ không ai được lợi.

“Nếu xảy ra chuyện gì, hai nền kinh tế lớn sẽ đi đến thỏa hiệp. Mỹ rất nhiều lần kêu ca về chế độ tỷ giá của Trung Quốc nhưng cuối cùng cũng không làm được gì.  Trung Quốc lại là chủ nợ lớn của Mỹ. Trung Quốc là một nền kinh tế mạnh, dân số đông nhất thế giới, GDP lớn. Đó chính là sức mạnh của Trung Quốc khiến không ai có thể từ bỏ thị trường này. Đây cũng chính là lý do buộc Mỹ và Trung Quốc phải đi với nhau, khi ấy cả hai bên cùng có lợi”, PGS Bình nhận xét.

Đối với quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, theo PGS.TS Bùi Quang Bình, không có chuyện bình đẳng hay sòng phẳng bởi Việt Nam là một nước nhỏ.

“Việt Nam là nền kinh tế nhỏ, không thể cạnh tranh trực diện được với Trung Quốc và trong đàm phán phải khôn khéo. Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều: Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 25% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong khi đó xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc chỉ chiếm 10%.

Điều quan trọng là một số ngành của Việt Nam đang phụ thuộc vào Trung Quốc, muốn tái cấu trúc không dễ gì làm được ngay. Từ cao su đến dệt may, viễn thông… bao nhiêu ngành Việt Nam mua máy móc, thiết bị từ Trung Quốc, bây giờ đổi lại không phải là chuyện đơn giản.

Trung Quốc là thị trường lớn Việt Nam không thể bỏ được. Còn muốn giảm phụ thuộc vào thị trường này phải từ từ, phải đa dạng hóa nguồn hàng và thị trường”, ông nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới