Hạ nghị sĩ Mỹ Ted Yoho đăng bài phân tích trên tạp chí National Intertest (NI) hôm 22/3 bàn về cách nước Mỹ đối đầu với “hành động lấn tới trên biển” của Trung Quốc.
Máy bay F/A-18E Super Hornet của Mỹ hạ cánh trên tàu sân bay USS George Washington. (Ảnh: U.S. Navy)
Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương, thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ mới đây tổ chức một cuộc điều trần để thảo luận chính sách của Mỹ nhằm phản ứng trước các hoạt động lấn tới của Trung Quốc trên biển Đông và Hoa Đông.
Theo Chủ tịch Tiểu ban, Hạ nghị sĩ Ted Yoho, cho đến nay Bắc Kinh chưa phải gánh hậu quả đáng kể nào từ việc họ gây bất ổn ở các vùng nước tranh chấp.
Ngày càng nhiều tiếng nói trong Hạ viện Mỹ tỏ thái độ muốn ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc – điều mà Bộ trưởng quốc phòng James Mattis mô tả là “phá vỡ lòng tin” của các nước và bộc lộ tham vọng “áp đặt quyền phủ quyết (của Bắc Kinh) lên các điều kiện đối ngoại, an ninh và kinh tế của các nước láng giềng”.
Nhấn mạnh các lợi ích quan trọng của Mỹ bị đe dọa, phiên điều trần xác định Mỹ có một số “công cụ đơn phương” để buộc Trung Quốc gánh chịu hậu quả cho hành động ở các vùng biển châu Á.
“Chúng ta cần bắt đầu sử dụng những công cụ đó,” ông Yoho viết.
Các giải pháp đa phương chưa hiệu quả
Nghị sĩ Mỹ cho rằng, Trung Quốc đang ngày càng tỏ rõ là một đối thủ chiến lược của Washington bằng cách sử dụng sức mạnh để kiểm soát các vùng tranh chấp, cũng là những tuyến đường chiến lược quan trọng đối với Mỹ như biển Đông.
5 nghìn tỉ USD kim ngạch thương mại lưu thông trên vùng biển này mỗi năm, bao gồm phần lớn nguồn cung năng lượng cho các đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.
Bên cạnh việc hoàn thành xây dựng trái phép đường băng quân sự, cảng khẩu, lắp đặt radar, vũ khí chống hạm và tên lửa đất đối không trên các đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc còn đặt Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) và Cảnh sát biển Nhật Bản (JCG) ở biển Hoa Đông dưới sức ép rất lớn khi triển khai nhiều tàu lớn và tăng tần suất các chuyến bay quân sự qua vùng biển này.
Quân đội Trung Quốc tập trung phát triển các vũ khí phục vụ chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD).
Ông Yoho tin rằng nhiều bước đi của Bắc Kinh đều cho thấy tham vọng kiểm soát và “xua đuổi” một cách tùy ý đối với tàu thuyền nước ngoài trên các vùng nước gần Trung Quốc.
“Mặc dù sự phát triển cá khả năng hàng hải của Trung Quốc không tác động tiêu cực đối với lợi ích Mỹ, nhưng việc nước này tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trái phép, quyết liệt củng cố các lãnh thổ này và có ý định kiềm chế hải quân Mỹ, đã trở thành thách thức lớn đối với nước Mỹ.”
Yoho cho biết sự hợp tác giữa Mỹ với đồng minh, đối tác luôn là chìa khóa để tiếp cận châu Á-Thái Bình Dương, nhưng cho đến nay những phản ứng quốc tế có ý nghĩa thiết thực nhằm vào hành vi của Trung Quốc đã trở nên rất khó thực hiện. Ông cũng chỉ trích chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama nói nhiều về tầm quan trọng của các vùng biển ở châu Á, nhưng hành động quá ít để hiện thực hóa các tuyên bố đó.
Các lựa chọn đơn phương của Mỹ
Tại buổi điều trần của Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương, nhà nghiên cứu cấp cao Dean Cheng của Quỹ di sản (Mỹ) thảo luận việc áp đặt các chế tài thương mại đối với những doanh nghiệp Trung Quốc tham gia xây dựng đảo nhân tạo trái phép ngoài biển Đông. Cheng gọi đây là “giải pháp phi quân sự để làm suy yếu nỗ lực của Trung Quốc”.
Chế tài này sẽ đánh trực tiếp lên giá thành mà Bắc Kinh phải bỏ ra cho các hoạt động của mình, đồng thời buộc các công ty Trung Quốc liên quan phải chọn giữa việc xây đảo hay quyền tiếp cận thị trường quốc tế.
Theo ông Cheng, hải quân Mỹ cần tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải một cách thường xuyên và mạnh mẽ hơn, đặc biệt là tiến vào khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây trái phép, nhằm gửi thông điệp cụ thể.
Tiến sĩ Michael Auslin của Viện doanh nghiệp Mỹ (AEI) kêu gọi chính quyền Tổng thống Donald Trump và Quốc hội Mỹ tiếp tục chương trình Sáng kiến an ninh hàng hải Đông Nam Á cũng như các chương trình hỗ trợ quân sự tương tự, và sắp xếp lại các đối tác ưu tiên.
Trước đây, Philippines là đồng minh hưởng lợi hàng đầu từ chương trình sáng kiến hàng hải của Mỹ, nhưng chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte – lên nắm quyền từ tháng 7/2016 – đã có sự chuyển dịch đáng kể về phía Trung Quốc. Ông Auslin cho rằng viện trợ quân sự của Mỹ cần phản ánh đúng thực tế.
Nghị sĩ Yoho chỉ ra, Lầu Năm Góc nên ngưng mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận đa phương Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) kể từ năm 2018. Bắc Kinh đã tham dự cuộc tập trận 2 năm 1 lần này kể từ năm 2014.
Thậm chí, theo ông Yoho, Bộ quốc phòng Mỹ có thể cân nhắc việc mời Đài Loan dự RIMPAC.
Ngoài ra, Chủ tịch Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương cho rằng chính quyền Trump còn có thể xem xét các biện pháp gây sức ép tương tự như cách Bắc Kinh thực hiện để mở rộng lợi ích chiến lược.
Ví dụ, Trung Quốc bị Mỹ chỉ trích là đã trả đũa tập đoàn Lotte vì chấp nhận đổi đất để quân đội Hàn Quốc triển khai lá chắn tên lửa THAAD. Washington cũng tố Bắc Kinh “ngầm” ngăn cản công dân du lịch Hàn Quốc, gây thiệt hại kinh tế cho đối phương.
Trong bối cảnh các lợi ích thương mại Trung Quốc đang ngày càng có sự tiếp xúc đáng kể với Mỹ, đặc biệt sau các thương vụ sáp nhập lớn mà doanh nghiệp Trung Quốc tiến hành ở Mỹ, Washington có thể tính đến giải pháp tương tự.
“Trung Quốc lợi dụng sự im lặng của Mỹ để thay đổi hiện trạng và củng cố vị thế ở các vùng nước tranh chấp. Sự yếu ớt của chúng ta không làm hạ nhiệt tranh chấp hàng hải mà chỉ làm tăng rủi ro xung đột,” Ted Yoho kết luận.