Những lùm xùm xung quanh khối tài sản của Chủ tịch Thơ hay ông Xuân Anh nhận xe của doanh nghiệp tặng… ít nhiều khiến dân nghi ngại.
Hình ảnh các móng biệt thự xây dựng trái phép tại bán đảo Sơn Trà
Móng biệt thự phá nát Sơn Trà, sao lại không biết?
TS Lê Bảo – Phó trưởng khoa Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cho biết những sai phạm liên tiếp xảy ra tại Đà Nẵng cho thấy công tác quản lý tại địa phương này đã bộc lộ nhiều vấn đề thiếu chặt chẽ.
Tuy nhiên, ông khẳng định, những trục trặc trong công tác quản lý tại Đà Nẵng không phải bây giờ mới xảy ra mà nó đã tồn tại từ nhiều năm, ở nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo trước đó.
“Khi Đà Nẵng xây dựng ý tưởng thành phố “5 không” (không hộ đói, không người lang thang xin ăn, không người mù chữ, không người nghiện ma túy trong cộng đồng, không giết người để cướp của) và “3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị) thì cũng không có nghĩa là Đà Nẵng không còn người ăn xin.
Không có người ăn xin chỉ là tuyên bố của lãnh đạo Đà Nẵng, còn thực tế hành vi ăn xin đã bị biến tướng, được giấu mình dưới hình thức khác tinh vi hơn nhiều. Ví dụ như bán vé số dạo. Một cụ già 70-80 tuổi vẫn lê la khắp các nhà hàng lớn để bán vé số, khách đi đâu cũng theo đó mời chào. Nhiều vị khách vì nể, vì ngại, vì khó chịu mà mua, nếu không mua thì buộc phải bỏ tiền cho để tránh bị làm phiền. Đó chính là hình thức ăn xin đội lốt bán vé số”, ông Bảo nêu.
Theo ông Bảo, những trục trặc đó trước đây người ta ít nói tới do tính chất minh bạch thông tin còn hạn chế. Bây giờ, khi xã hội càng phát triển, công nghệ thông tin hiện đại, nhu cầu tìm kiếm, chia sẻ thông tin qua các mạng lưới xã hội nhiều hơn, những trục trặc, yếu kém trong công tác quản lý càng bộc lộ rõ hơn.
Tuy nhiên, đối với một thành phố đang trên đà phát triển mạnh mẽ như Đà Nẵng thì những trục trặc trên sẽ xảy ra nhiều hơn, nhưng không chỉ còn là những vấn đề về mặt an sinh, xã hội mà còn cả vấn đề trong phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là về quy hoạch, đất đai…
“Tôi lấy ví dụ, vụ việc hơn 40 móng biệt thự không phép ở bán đảo Sơn Trà xây dựng hoành tráng, rầm rộ như vậy, đào bới tan hoang cả một ngọn núi như vậy mà chính quyền địa phương lại nói là không biết gì phải nhờ tới một cá nhân phát hiện ra rồi đi báo chính quyền lúc đó mới biết thì thật lạ lùng.
Rồi cả trường hợp khách sạn 43 tầng xây không phép, bị xử phạt nhiều lần vẫn tiếp tục xây, cho đến khi dư luận lên tiếng mà vấn nói không biết gì.
Ở đây là trách nhiệm quản lý quy hoạch trước hết từ phía quận Sơn Trà, sau nữa phía lãnh đạo thành phố đã quản lý, cấp phép như thế nào mà sự việc lớn như vậy cũng không phát hiện ra? Rõ ràng sự thiếu chặt chẽ, yếu kém trong khâu quản lý đã lộ rõ hơn”, ông Bảo nhấn mạnh.
Ông Bảo nói thẳng, đằng sau mỗi vụ việc dư luận lại ồn ào câu chuyện có thể có “lợi ích nhóm”, có thể có dấu hiệu tham nhũng ở đây. Ồn ào đó là đúng, nghi ngại đó là đúng. Dù chưa thể khẳng định chắc chắn có lợi ích nhóm hay không hay tham nhũng đang ở mức độ nào nhưng nhìn vào diễn biến của vụ việc thì những nghi ngại đó là có cơ sở.
Việc này buộc các cấp lãnh đạo chính quyền Đà Nẵng phải nghiêm túc xem xét lại vấn đề quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch phát triển du lịch của địa phương. Rõ ràng đối với một thành phố đang có đà phát triển mạnh mẽ như Đà Nẵng mà vẫn khoác trên mình chiếc áo quy hoạch của mấy chục năm về trước là không còn phù hợp.
TS Lê Bảo khẳng định rất ủng hộ Đà Nẵng phát triển du lịch vì Đà Nẵng có môi trường thuận lợi, có điều kiện phát triển du lịch tốt, tuy nhiên, hiện tượng hàng loạt khách sạn, nhà hàng mọc lên như nấm sau mưa trên bãi biển, phá rừng làm du lịch… thì lại là hiện tượng bất thường, bất hợp lý.
“Rõ ràng rồi, ở đây chính là trục trặc trong khâu quản lý. Là do quản lý quy hoạch không tốt, thiếu chặt chẽ mới dẫn tới tình trạng cấp phép cho xây, ồ ạt xây rồi cung vượt cầu mới hoảng hốt ra lệnh rà soát, phá bỏ.
Đành rằng, cũng có nhiều sự tác động trong công tác điều hành quản lý. Tuy nhiên, một quy hoạch không còn phù hợp phải được đập đi làm lại. Phải chấm dứt ngay tình trạng cứ có sai phạm lại đổ lỗi cho yếu tố lịch sử hay lấy quy hoạch ra làm bình phong.
Điều đó chỉ chứng minh thêm sự yếu kém, thiếu nhanh nhạy của cán bộ, lãnh đạo địa phương”, TS Lê Bảo thẳng thắn.
Câu hỏi tài sản lãnh đạo
Theo quan sát của ông Bảo, các vấn đề liên quan tới quy hoạch, quản lý đất đai của Đà Nẵng thời gian qua đang có quá nhiều vấn đề không ổn.
Việc Đà Nẵng ra quyết định xử phạt chủ đầu tư xây dựng 40 móng biệt thự tại Sơn Trà chỉ với 40 triệu là quá nhẹ, không đáp ứng được mong đợi của người dân. Một sai phạm quá lớn, quá nghiêm trọng nhưng xử phạt lại quá nhẹ, quá nương tay.
Đặc biệt những câu chuyện lùm xùm xung quanh khối tài sản của Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ hay việc Bí thư Nguyễn Xuân Anh nhận xe của doanh nghiệp tặng… ít nhiều khiến người dân không vui.
Câu chuyện trên khiến vị TS hoài niệm lại thời của cố Bí thư thành ủy Đà Nẵng ông Nguyễn Bá Thanh. TS Lê Bảo cho biết, sự minh bạch thông tin trong quan lý, cách giải quyết vấn đề theo hướng đối thoại trực tiếp của ông Nguyễn Bá Thanh khiến người dân Đà Nẵng vô cùng tin tưởng.
Dù vẫn còn ghi nhận có những trục trặc trong khâu điều hành, quản lý như tình trạng ăn xin nhưng, người dân Đà Nẵng vẫn bày tỏ sự tôn sùng, lòng tin rất lớn ở giới lãnh đạo của Đà Nẵng bấy giờ.
Là người con, dân Đà Nẵng, TS Lê Bảo bày tỏ lo ngại trước nguy cơ Đà Nẵng có thể sẽ bị mất đi vị trí ngôi đầu trong nháy mắt nếu những vấn đề vướng mắc trên vẫn tồn tại, không có giải pháp xử lý.
Trong khi đó, sự trở mình vươn dậy mạnh mẽ của nhiều tỉnh, thành phố thật sự khiến Đà Nẵng phải e ngại.
TS Bảo cho hay, sự thay đổi, đổi mới trong công tác quản lý điều hành của giới chức lãnh đạo thành phố Hà Nội vừa qua đã tạo ra điểm nhấn, giúp thành phố bứt phá mạnh mẽ, đi lên trong một số lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội.
Cụ thể như chủ trương không chi tiền cắt cỏ, hay thực hiện khoán xe công, tinh giảm biên chế… rất nhiều chủ trương đang thể hiện tính quyết tâm rất cao của lãnh đạo và đã nhận được sự đồng tình từ dư luận.
“Cá nhân tôi cũng rất đồng tình với chỉ đạo xóa bỏ chi ngân sách hàng trăm tỷ cho cắt cỏ. Hay việc thực hiện khoán xe công, lãnh đạo đi xe buýt, taxi cho thấy quyết tâm cũng như tư duy, tầm nhìn của họ đã vượt khỏi danh giới cũ trong khâu quản lý”, vị TS nói.
Theo ông Bảo, giới lãnh đạo Đà Nẵng phải nhìn lại mình để thay đổi để lấy lại hình ảnh trong con mắt của người dân. Đồng nghĩa, phải đưa ra hành động có hiệu quả hơn, làm việc vì dân hơn nếu Đà Nẵng còn muốn tiếp tục nắm giữ ngôi vị số một đó.