Sunday, December 22, 2024
Trang chủĐiểm tinChuyên gia cảnh báo "đất nông nghiệp vào tay đại gia"

Chuyên gia cảnh báo “đất nông nghiệp vào tay đại gia”

Mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất đang được xem là giải pháp để giúp nông nghiệp Việt Nam “cất cánh”. Song chuyên gia cũng lo ngại, làm thế nào để tích tụ ruộng đất thực sự hiệu quả, không dẫn đến tình trạng bần cùng hóa nông dân.

Ảnh minh họa.

Tại Diễn đàn nông nghiệp mùa xuân 2017 diễn ra vào ngày 28/3, các chuyên gia đã chỉ ra những yếu kém, tồn tại của ngành nông nghiệp như: sản xuất manh mún, chưa tập trung vào chất lượng; công nghệ lạc hậu; giá trị gia tăng thấp; thu nhập, đời sống của người nông dân nhiều khó khăn…

Có nhiều ý kiến cho rằng, mở rộng hạn điền là giải pháp về thể chế để giúp người dân tích tụ đất đai, phát triển nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp một cách hiệu quả.

Hạn điền được quy định tại Điều 129 của Luật Đất đai 2013: các hộ gia đình, cá nhân được sử dụng không quá 3ha đối với khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long cho trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối; không quá 2ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác. Các hộ gia đình được tích tụ đất đai không quá 10 lần hạn mức đất nông nghiệp. 

Tuy nhiên, nhiều câu hỏi được đặt ra: làm thế nào để tích tụ ruộng đất thực sự hiệu quả, không dẫn đến tình trạng bần cùng hóa nông dân?

TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch danh dự Vasep nói, Bộ Nông nghiệp gần đây nói nhiều về hạn điền, cho rằng với mức hạn điền như thế không tích tụ ruộng đất, có cánh đồng lớn. Song thực tế khảo sát cho thấy hiện nay có rất nhiều hộ nông dân có vài chục ba hecta, doanh nghiệp có hàng trăm nghìn hecta đất. Vậy có phải vì quy định hạn điền mà không có tích tụ ruộng đất hay không?

Rồi việc đưa gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp và nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp. Theo bà nếu chúng ta làm theo phong trào, làm không khéo sẽ sa lầy, dựa vào những cái chúng ta tưởng tượng thì sẽ bần cùng hóa, bỏ rơi nông dân.

TS Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay có nhiều chính quyền địa phương đã đứng ra vận động  gom đất của nông dân cho doanh nghiệp thuê. Nhưng đáng ra phải làm thế nào để người dân (có đất không có nhu cầu sử dụng) và doanh nghiệp trực tiếp tìm đến nhau. Bởi khi chính quyền đứng ra xử lý,  nếu làm tốt thì người dân được bảo vệ, còn làm không tốt, không công bằng thì phần thiệt, bất lợi sẽ về người dân.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh cũng thể hiện quan điểm: quá trình tích tụ ruộng đất cần bảo vệ quyền tài sản của người dân. 

Ví dụ như tại Đài Loan, người nông dân khi tham gia đóng góp đất, người dân phải được quyền đồng sở hữu, cổ đông của công ty. Quyền tài sản đất đai được bảo đảm lâu dài.

“Còn ở nước ta, tôi thấy người nông dân được thanh toán một cục tiền. Người nông dân nghèo bỗng nhiên được một cục tiền, chưa chắc đã là tốt. Phải tránh việc tích tụ ruộng đất biến đất nông nghiệp vào tay đại gia và có thể dẫn đến mất ổn định xã hội”, chuyên gia Lê Đăng Doanh khuyến nghị.

TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, tại Việt Nam nông thôn và sản xuất nhỏ sẽ còn tồn tại hàng thế kỷ nên trong quá trình dồn điển đổi thửa, lập các trang trại lớn phải luôn nghĩ rằng nền tảng của nông thôn Việt Nam vẫn là các hộ gia đình, sản xuất nhỏ, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Chính vì thế cần có sự kết hợp giữa sản xuất nhỏ và lớn; sản xuất hàng hóa và tự cung tự cấp; kết hợp nông nghiệp nông thôn với du lịch làng nghề. Chỉ có như vậy mới tạo ra phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững. Không thể chỉ dựa vào mấy doanh nghiệp lớn được.

“Nông nghiệp gắn với văn hóa xã hội, có dân tộc thiểu số, có ẩm thực đặc thù, có di sản lớn của nông nghiệp, nên phát triển cần đi liền bảo tồn và phát huy. Những thứ đó là chuỗi giá trị và còn có giá trị hơn những thứ chúng ta tưởng là trang trại lớn mang lại”.

“Chưa kể toàn bộ quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đang chậm lại. Cho nên tiến trình lôi kéo lao động nông thôn ra thành thị sẽ gặp vấn đề trong 10- 15 năm tới”, TS Nghĩa cảnh báo.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) đề xuất: cần hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai. Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất; đẩy mạnh quá trình dồn điền đổi thửa. Hoàn thiện cơ sở pháp lý về ruộng đất để cho các hộ nông dân thực sự là đơn vị kinh tế tự chủ. Quy định rõ, đầy đủ các quyền sử dụng, chuyển đổi, chuyện nhượng, cho thuê, góp vốn.

Đồng thời có chế định ngăn chặn tình trạng tích tụ ruộng đất và sử dụng theo kiểu “phát canh thu tô”.

RELATED ARTICLES

Tin mới