Theo tạp chí National Interest, Hệ thống Phòng thủ tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) hiện là tâm điểm của căng thẳng bán đảo Triều Tiên thực chất đã được phát triển do Mỹ lo sợ các tên lửa của Liên Xô trước đây.
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ.
Vào cuối thập niên 1980, Quân đội Mỹ cần một hệ thống phòng thủ có thể bảo vệ lực lượng bộ binh khỏi hiểm họa tên lửa đạn đạo. Thời đó, Liên Xô có nhiều sư đoàn xe thiết giáp tên lửa SS-21, có tầm bắn tối đa 120km được bố trí ở Đông Âu. Nước này còn có tên lửa SS-23, loại vũ khí thay thế cho tên lửa Scud lừng danh, có tầm bắn gần 500km. Đáng chú ý hơn cả, tên lửa SS-20 của nước này có thể tấn công bất kỳ mục tiêu chiến lược nào ở Châu Âu từ khoảng cách hơn 5.100km.
Trong khi đó, tên lửa phòng không tầm trung Patriot của Mỹ chỉ được thiết kế để bắn rơi máy bay tiêm kích của đối phương chứ không thể ngăn chặn đầu đạn tên lửa. Mỹ đã ra quyết định phát triển một hệ thống mới vào năm 1987, sau này được đặt tên là THAAD.
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc cùng với việc Liên Xô tan rã, tưởng như Mỹ không còn phải lo về hiểm họa tên lửa đạn đạo nữa. Tuy nhiên, năm 1990 Iraq tiến quân vào Kuwait và họ sử dụng các tên lửa Al Hussein, được chế tạo dựa trên tên lửa Scud, để công kích đối phương. Mỹ vội vàng đưa tên lửa Patriot PAC-2 đến khu vực, thế nhưng rất nhiều đầu đạn của Iraq đã xuyên qua hệ thống phòng ngự mà Mỹ và Kuwait thiết lập. Thêm vào đó, tên lửa đạn đạo đã dần được cung cấp tại nhiều nơi trên thế giới cũng khiến sự tồn tại của THAAD ngày càng cần thiết.
THAAD được thiết kế để đối phó với hàng loạt tên lửa của đối phương được phóng đi cùng lúc. Một hệ thống được trang bị tối đa 48 tên lửa, và có thể được nạp thêm 24 tên lửa dự phòng khác. THAAD được lắp đặt hệ thống radar AN/TPY-2 có thể xác định tối đa 100 mục tiêu. Cùng với tên lửa Patriot, THAAD sẽ nâng cao đáng kể khả năng phòng không của Mỹ.
THAAD được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 1995. Sau nhiều cuộc thử nghiệm thành công, THAAD được đánh giá là đã sẵn sàng để bước vào giai đoạn cải tiến và chuẩn bị sản xuất hàng loạt. Từ năm 2005 đến 2012, đã có 11 lần thử nghiệm thành công khi các tên lửa đã bắn chính xác mục tiêu. Trong một lần phóng thử vào năm 2011, một quả tên lửa đánh chặn của THAAD đã ngăn chặn cùng lúc hai tên lửa tầm ngắn. Năm 2012, hệ thống THAAD đã đánh chặn một tên lửa tầm trung.
Hiện tại, Mỹ đã triển khai hệ thống THAAD ở cả trên lãnh thổ nước Mỹ cũng như nước ngoài. Quân đội Mỹ đang có tổng cộng 6 hệ thống, trong đó bao gồm một hệ thống đặt trên đảo Guam (Mỹ) và một hệ thống khác đang được thiết lập ở Hàn Quốc để đề phòng Triều Tiên. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng có một hệ thống THAAD nhằm bảo vệ lãnh thổ nước này khỏi những hiểm họa từ bên ngoài.
Việc THAAD được triển khai đến Hàn Quốc đã khiến Trung Quốc lên tiếng chỉ trích. Một phần lý do là bởi hệ thống radar AN/TPY-2 nay đã được cải tiến và có tầm hoạt động tăng lên gấp đôi so với trước, tức là lên đến 1.770 – 1.900km. Điều này cho phép THAAD có thể phát hiện hoạt động phóng tên lửa của Trung Quốc và giúp Mỹ chủ động phòng vệ.
Mỹ vẫn tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện hơn nữa hệ thống THAAD. Dự kiến vào Quý III/2017, một cuộc thử nghiệm khác sẽ diễn ra nhằm kiểm chức khả năng đánh chặn các mục tiêu ở tầm cao lớn. Có thể nói rằng THAAD có một quá trình phát triển lâu dài, kể từ khi chương trình được công bố cho đến khi hệ thống đầu tiên được đưa vào sử dụng đã kéo dài 21 năm.
Khác với nhiều loại vũ khí khác như tàu chiến lớp Zumwalt, khi sự thay đổi về công nghệ có thể khiến khả năng tác chiến của một loại khí tài tốn nhiều năm chế tạo bị đặt dấu hỏi, THAAD vẫn đảm bảo sự hiệu quả của mình. Nó luôn đối phó hiệu quả với các loại tên lửa đạn đạo và vẫn còn có thể được nâng cấp thêm nữa trong tương lai. THAAD sẽ còn được dùng để bảo vệ lãnh thổ nước Mỹ và các nước đồng minh trong nhiều thập kỷ tới.