Các hệ thống lá chắn chống tên lửa đạn đạo (ABM) của Mỹ được đặt trên lãnh thổ Châu Âu cũng như trên các tàu chiến đóng tại những khu vực biên giới của Nga có thể giúp Mỹ phát động một cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ và áp đảo khiến Nga không kịp trở tay, Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga mới đây đã cảnh báo như vậy.
Vấn đề lá chắn tên lửa từ lâu đã là một cái dằm gây khó chịu hàng đầu trong quan hệ Nga-Mỹ.
“Sự hiện diện của các hệ thống ABM trên đất Châu Âu cùng với những chiếc tàu chiến mang theo hệ thống ABM hoạt động trong các vùng biển và đại dương gần lãnh thổ Nga tạo ra một năng lực ngầm cực mạnh giúp Mỹ có khả năng phát động một cuộc tấn công hạt nhân áp đảo và bất ngờ nhằm vào Nga”, ông Viktor Poznikhir – Phó Giám đốc phụ trách các chiến dịch của Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, cho biết tại một hội nghị giải trừ vũ khí ở Geneva.
Hội nghị Giải trừ Vũ khí đang diễn ra ở Thụy Sỹ và sẽ kéo dài trong 5 ngày. Đây là một diễn đàn quốc tế tập trung vào vấn đề an ninh toàn cầu cũng như vấn đề không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Hội nghị lần này thu hút sự tham gia của 65 quốc gia thành viên.
Phát biểu tại hội nghị, vị quan chức quân sự hàng đầu của Nga cảnh báo, hệ thống chống tên lửa đạn đạo toàn cầu của Mỹ đang châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới. Hệ thống đó bao gồm các lá chắn tên lửa được dựng lên ở Alaska, Rumani và Ba Lan. Nó vô hiệu hóa các năng lực răn đe hạt nhân của Nga.
Moscow ước tính, đến năm 2020, Mỹ sẽ có trong tay đến 1.000 tên lửa đánh chặn và đây sẽ là mối đe dọa lớn đến năng lực tên lửa của Nga.
“Sự hiện diện của hệ thống ABM toàn cầu đã làm gia tăng nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân bởi nó khiến Mỹ ảo tưởng về việc họ sẽ không bị hề hấn gì khi sử dụng vũ khí tấn công chiến lược dưới sự bảo vệ của ‘cái ô’ ABM”, ông Poznikhir phân tích.
Theo vị quan chức Nga, “lá chắn ABM là một biểu tượng của việc tăng cường sức mạnh tên lửa trên thế giới và nó là một mồi lửa châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới”.
Ông Poznikhir cũng cho biết, hệ thống lá chắn ABM của Mỹ còn gây nguy cơ đối với việc sử dụng vũ trụ của các nước khác vì mục đích hòa bình.
Mỹ đang tiếp tục phát triển hệ thống lá chắn ABM dựa trên cái cớ là để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên và Iran, phớt lờ những quan ngại lớn hơn của Nga. Nỗ lực của Mỹ nhằm giành ưu thế trước Nga và Trung Quốc đang làm phương hại đến hệ thống an ninh toàn cầu, vị quan chức quân sự Nga nhấn mạnh.
Ông Poznikhir cũng bác bỏ luận điệu của Mỹ cho rằng hệ thống lá chắn ABM không có khả năng đánh chặn toàn bộ các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga nếu Moscow phóng đi ồ ạt các tên lửa loại này và vì thế không gây hại cho an ninh của Nga. Mỹ cho rằng, hệ thống của họ hiện có thể đánh chặn được một vài tên lửa và chỉ mạnh hơn lên trong tương lai.
Việc Mỹ tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống lá chắn ABM “sẽ làm thu hẹp cơ hội đối thoại cắt giảm vũ khí hạt nhân”, ông Poznikhir cảnh báo.
Nga và Mỹ hiện tại đang đối đầu gay gắt với nhau không phải chỉ vì hệ thống lá chắn tên lửa mà Washington đang dựng lên ở Châu Âu mà cả vì hệ thống lá chắn tên lửa ở Châu Á.
Nga và Mỹ vốn từ lâu đã không thể tìm được tiếng nói chung trong việc Mỹ dựng lá chắn tên lửa ở Đông Âu. Moscow tin rằng, hệ thống đó là nhằm vào Nga nhưng phương Tây bác bỏ. Nga muốn có sự đảm bảo về mặt pháp lý cho điều này nhưng Mỹ đều từ chối. Bất chấp mọi sự phản đối của Moscow, Mỹ hồi tháng 5 năm ngoái đã chính thức kích hoạt một phần hệ thống lá chắn tên lửa của họ ở Deveselu, Rumani.
Nga cũng thể hiện sự quan ngại sâu sắc trước việc Mỹ đang thúc đẩy triển khai hệ thống THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) là hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối. Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng nhất định trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Hệ thống THAAD được thiết kế để đánh chặn những tên lửa đạn đạo ở tầm cao. Hệ thống phòng không tinh vi của Mỹ có hệ thống radar có thể phát hiện những vật thể ở khoảng cách xa đến 2.000km.