Ngay sau khi kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon, nước Anh sẽ có 2 năm để chính thức rút khỏi EU. Đứng trước nguy cơ các thành viên khác sẽ noi gương Anh, chắc chắn Liên minh sẽ phải nỗ lực hết mình để ngăn chặn điều này.
Trả lời phỏng vấn trên tờ RIA Novosti, chuyên gia Hội đồng Quan hệ Quốc tế của Nga (RIAC) Lyudmila Babynina nhận định, Brussels sẽ làm mọi điều có thể để các nước khác trong EU không quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu như tấm gương của Vương quốc Anh.
Hôm 29/3, ông Tim Barrow đại sứ Anh tại EU đã chuyển cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk một bức thư có chữ ký của Thủ tướng Anh Theresa May, nội dung bức thư thông báo nước Anh chính thức rút khỏi EU.
Theo quy định tại Điều 50 của Hiệp ước Lisbon quy định về thủ tục khi một thành viên rút khỏi EU, Vương quốc Anh sẽ phải chính thức rút khỏi liên minh vào ngày 29/3/2019 – đúng hai năm sau khi thời điểm kích hoạt Brexit.
Chuyên gia Nga tin rằng không nên mong đợi những nước khác đặt câu hỏi về sự cần thiết của các thành viên EU.
Bà Babynina lý giải: “Đó là điều rất khó xảy ra. Thứ nhất, EU sẽ cố gắng hết sức để ngăn chặn nguy cơ này. Thứ hai, không có đảng cầm quyền ở bất cứ nơi nào, ở bất cứ quốc gia đề cập tới vấn đề trưng cầu dân ý về tư cách thành viên trong Liên minh châu Âu. Như một quy luật, các đảng hoặc chỉ đề cập đến đến vấn đề cận biên hoặc có thể chỉ là đề tài gần với nó”.
Bà nhấn mạnh rằng cả hai bên – Liên minh châu Âu và Anh – hiện đang phải đối mặt với một giai đoạn bất ổn.
Chuyên gia Babynina nhấn mạnh:”Dù cho hiện giờ các quy định có được đưa ra một lần nữa , thì Anh và Liên minh châu Âu sẽ phải thỏa thuận về mối quan hệ song phương và các điều kiện tiếp cận của Anh vào thị trường EU. Tất nhiên, đây là một giai đoạn bất ổn. Câu hỏi duy nhất là quyết tâm chính trị của các bên gặp nhau ở mức nào ..”.
9 tháng sau khi người Anh bỏ phiếu cho nước Anh rời khỏi EU, bằng việc viết một lá thư gửi cho Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk, Thủ tướng May thông báo cho toàn thế giới biết rằng Anh đã chính thức “chia tay” EU sau một thời gian dài gắn bó kể từ năm 1973.
Brexit diễn ra là một trong những công việc khó khăn nhất đối với Thủ tướng May , bởi bà vừa phải giải quyết yêu cầu đòi độc lập của Scotland, vừa phải tiến hành các cuộc đàm phán gian nan với 27 quốc gia khác của EU về tài chính, thương mại, an ninh và một loạt các vấn đề phức tạp khác.