Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiỨng phó chiến lược biên giới mềm: "Thoát Trung" hay phải vượt...

Ứng phó chiến lược biên giới mềm: “Thoát Trung” hay phải vượt lên chính mình?

Những vấn đề nội tại của chúng ta làm cho nước nhà yếu kém, chúng ta phải tự tìm cách khắc phục, không thể đổ thừa rằng do “lệ thuộc Trung Quốc”.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tìm hiểu cảng chiến lược 
Piraeus, Hi Lạp phục vụ chiến lược con đường tơ lụa, ảnh: CBA.

Bảo vệ và quản lý biên giới, mốc giới quốc gia, các hoạt động của cộng đồng dân cư qua lại biên giới là một nhu cầu tất yếu, cần thiết của bất kỳ một quốc gia nào và đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ với quốc gia láng giềng theo một quy chế quản lý biên giới hết sức chặt chẽ và chi tiết.

Phạm vi điều chỉnh của Quy chế quản lý biên giới được ký kết giữa các quốc gia có chung đường biên giới, sau khi đã hoàn thành giai đoạn hoạch định, phân giới cắm mốc quốc giới, là Vùng biên giới.  

Trong Vùng biên giới có thể có khu vực biên giới, vành đai biên giới, vùng cấm, cửa khẩu, được thiết lập theo sự cần thiết của mỗi một quốc gia liên quan. Khái niệm cụ thể chúng tôi nêu phía cuối bài, quý bạn đọc quan tâm xin mời tìm hiểu thêm.

Khi nào cần thiết lập khu vực biên giới, vành đai biên giới hay vùng cấm biên giới?

Thực tiễn quốc tế cho thấy không phải quốc gia nào cũng đều có nhu cầu thiết lập khu vực biên giới, vành đai biên giới, vùng cấm.

Tuy nhiên, Khu vực biên giới, Vành đai biên giới, Vùng cấm trên biên giới đất liền thường xuất hiện vào thời kỳ có sự xung đột hay tranh chấp căng thẳng giữa các quốc gia có chung đường biên giới, nhưng không chung lợi ích địa-kinh tế, địa-chính trị, địa- chiến lược…

Các khu vực này thường được thiết lập với những quy định hết sức chặt chẽ và khắt khe; có thời kỳ, hầu như tạo ra một “vùng trắng”, không có dân cư, không có sinh hoạt giao lưu kinh tế, văn hóa…. để các lực lượng vũ trang dễ bề kiểm soát, khống chế đối phương…

Trong bối cảnh quan hệ quốc tế thời kỳ Chiến tranh Lạnh, xu hướng chung là các quốc gia yếu hơn thường quan tâm đến việc thiết lập ra các phạm vi không gian này, giống như xây đắp “con đập” ngăn nước tràn từ cao xuống thấp. 

“Nước” càng cao thì “đê” càng phải bền vững. Các quốc gia hùng mạnh thường ít quan tâm đến việc “đắp đê” mà chủ yếu là tìm cách “phá đê” của đối phương. 

Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực bảo vệ, quản lý biên giới đất liền trong một thời gian dài đã phản ánh thực trạng này. 

Tuy nhiên, sự phát triển của quan hệ quốc tế trong kỷ nguyên hội nhập, hợp tác, phát triển vì lợi ích chung của nhân loại, việc bảo vệ, quản lý biên giới cũng đã có một số chuyển biến mới về tư duy và phương thức hành xử trên thực tế. 

Nhu cầu hợp tác kinh tế vùng biên và bài toán quản lý biên giới thời hội nhập
khu vực biên giới, vành đai biên giới, vùng cấm…dù vẫn còn tồn tại, nhưng không có nghĩa là phải tạo nên sự ngăn cách bởi có “vùng trắng” trên biên giới như trước đây. 

Việc bảo vệ quản lý biên giới có hiệu quả và vững bền hơn chính là phải dựa vào dân, do dân, phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội ở nơi biên cương. 

Vì vậy, phải đưa dân ra vùng biên giới, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, văn hóa, xã hội nơi vùng cao, biên giới. 

Đó là chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam mà hiện nay, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, đặc biệt là các địa phương biên giới, hải đảo đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 142/2016/QH13.

Đây là Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII. Điểm 9 của Nghị quyết đã nhấn mạnh:  

“Kết hợp tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. 

Tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân nhất là ở khu vực biển đảo; chủ động bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích quốc gia và lợi ích người dân trên biển. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế quốc phòng”.

Để triển khai thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo vệ và phát triển vùng biên giới, chúng ta không thể không đề cập đến chiến lược “sức mạnh mềm”, “biên giới mềm” mà Trung Quốc đã và đang triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau trên các vùng biên giới đất liền.  

Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu về nội dung của chiến lược này.  

Chiến lược “biên giới mềm” của Trung Quốc

Giáo sư Josheph Nye, học giả chính trị Đại học Harvard, Mỹ đã đề cập đến khái niệm này trong một cuốn sách viết về sự thay đổi trong bản chất quyền lực Mỹ năm 1990.

Sau đó, ông Josheph Nye tiếp tục khái quát hóa và nghiên cứu sâu về “sức mạnh mềm” trong các cuốn sách tiếp theo.

Giáo sư Josheph Nye cho rằng, đối với mỗi quốc gia, dân tộc, “sức mạnh mềm” được tạo dựng trên 3 yếu tố: văn hóa quốc gia, giá trị quốc gia và chính sách quốc gia. 

Trong bài viết đăng trên Wall Street Journal (Asia) cách đây hơn 10 năm, số ra ngày 29-12-2005, Giáo sư Josheph Nye từng chỉ ra rằng, “quyền lực mềm” của Trung Quốc đang gia tăng mạnh mẽ ở châu Á và Mỹ nên có động thái trước sự gia tăng này.  

Nhiều người nói rằng, sự giàu có về kinh tế đã tạo điều kiện để Bắc Kinh triển khai mạnh mẽ việc truyền bá văn hóa Trung Quốc ra bên ngoài.

Và sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng lo ngại cho dù Bắc Kinh đưa ra thuyết “phát triển hòa bình”. 

Bên cạnh văn hóa, hàng hóa Trung Quốc cũng tràn ngập Đông Nam Á. Các nhãn hiệu hàng hóa của Trung Quốc như TCL, Haier, Huawei, Lenovo… ngày càng trở nên phổ biến với người tiêu dùng Đông Nam Á. 

Tuy nhiên, giới nghiên cứu cho rằng, người Trung Quốc nói chung chưa tạo được ấn tượng tốt đối với thế giới. Bởi mỗi khi nói tới người Trung Quốc, người ta vẫn nghĩ chủ yếu đến sự thô lỗ, sự vô cảm và sự gian lận. 

Mặc dù thế giới hiện dùng khá nhiều hàng hóa Trung Quốc, nhưng người ta vừa dùng vừa cảm thấy bất an. 

Trung Quốc được đánh giá có một nền văn hóa lâu đời và đặc sắc, là một trong hai nền văn hóa cổ đại đặc sắc và có ảnh hưởng nhất nhân loại, bên cạnh nền văn hóa cổ đại Hy Lạp.

Tuy nhiên, hầu như tất cả những tinh hoa và tinh túy của văn hóa Trung Quốc đều thuộc thời Trung Đại nên khó khiến mọi người ngưỡng mộ và theo đuổi. 

Hơn 2000 năm trước, Trung Quốc tự hào vì tạo ra “Con đường tơ lụa” kết nối với Myanmar và Ấn Độ.

Theo giới truyền thông, Trung Quốc hy vọng xây dựng hành lang kinh tế kết nối giữa Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ và Myanmar nhằm phục hưng “Con đường tơ lụa” có từ hơn 2000 năm trước. 

Nếu tuyến đường này thành công sẽ là cây cầu trên bộ nối liền các quốc gia Nam Á với vùng huyết mạch và các địa phương duyên hải phía đông Trung Quốc. 

“Con đường tơ lụa” này sẽ được mở ra hướng biển với tên gọi mới là “con đường tơ lụa trên biển”, được Trung Quốc ra sức quảng bá như là một “sáng kiến vĩ đại” của thế kỷ XXI. 

Và, đây được coi là “biên giới mềm” của đại Trung Hoa. Trung Quốc hy vọng, tỉnh Vân Nam sẽ trở thành cầu nối giữa Ấn Độ cùng các quốc gia Nam Á với Trung Quốc. 

Việt Nam cần có đối sách ra sao với chiến lược “biên giới mềm” của Trung Quốc?

Cũng như các quốc gia khác trong khu vực Nam Á, Đông Bắc Á và Đông Nam Á, Việt Nam cũng đã và đang đứng trước những thách thức to lớn do chiến lược “biên giới mềm” này gây ra. 

Vì vậy, hiện nay trong khi gìn giữ và phát triển bang giao với Trung Quốc, tâm lý của đa số người dân Việt Nam không ưa Trung Quốc, cảnh giác với Trung Quốc là một thực tế hiển nhiên. 

Vấn đề là chúng ta nên ứng xử như thế nào với chính tâm lý ấy, dư luận ấy trong lòng xã hội Việt Nam để vừa bảo vệ, quản lý vững chắc biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia vừa tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, nhất là ở vùng biên giới, hải đảo.

Trước hết, với một tinh thần thật sự khiêm tốn cầu thị, nếu Trung Quốc có những kinh nghiệm hay như chống tham nhũng hay phát triển kinh tế thì chúng ta có thể học hỏi họ.

Đừng vì tâm lý yêu ghét thường tình mà phủ nhận tất cả, kể cả sự giúp đỡ to lớn và hiệu quả của Trung Quốc cho chúng ta trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. 

Thiết nghĩ chúng ta nên sòng phẳng, chuyện nào ra chuyện đấy. Cái gì hợp tác được, ta cứ hợp tác. Nhưng cái gì phải đấu tranh, thì quyết đấu tranh đến cùng, đặc biệt là về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia…

Mọi hành xử của chúng ta với Trung Quốc, đặc biệt là trong quan hệ đối ngoại cần hết sức tỉnh táo và thận trọng, làm sao khôn khéo trong đấu tranh bảo vệ, quản lý biên giới quốc gia trước sức ép chiến lược “biên giới mềm” của Trung Quốc.

Làm sao không để Trung Quốc lợi dụng quan hệ chính trị, ngoại giao, dưới chiêu bài vì “đại cục” để “xóa nhòa” trên thực tế thành quả đã đạt được của quá trình giải quyết vấn đề biên giới đất liền Việt-Trung. 

Để xảy ra chiến tranh, xung đột, chưa biết thắng thua ra sao, nhưng sứt đầu mẻ trán, hao người tốn của, gây thù chuốc oán giữa người dân hai nước là điều khó tránh, dù không ai mong muốn. 

Chúng ta hãy cứ thiện chí hết khả năng có thể, còn khi cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, là con cháu Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo…chúng ta thà hy sinh tất cả, lịch sử đã chứng minh điều này. 

Nhưng đừng để đối phương lấy cớ chúng ta khiêu chiến với họ. Công cuộc đấu tranh của chúng ta trong việc bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ không phải học đâu xa, học chính cha ông chúng ta với lịch sử hàng ngàn năm dựng và giữ nước. 

Sống bên cạnh nước lớn, chúng ta phải rất khôn khéo mới giữ được độc lập tự chủ, hòa bình phát triển, độc lập tự chủ một cách thực sự, thực chất, dù “trong xưng Đế, ngoài xưng Vương”. 

Chưa bao giờ cha ông chúng ta kiêu ngạo, vỗ ngực trước nước láng giềng phương Bắc, ngay cả khi đánh thắng họ trong các cuộc chiến tranh vệ quốc.

Cha ông chúng ta luôn cảnh giác với các nguy cơ, nhưng chưa bao giờ từ chối thiện chí và mong muốn hợp tác hữu nghị, thậm chí chủ động mở rộng bang giao, nâng cao trình độ phát triển nước nhà, tiếp tu chọn lọc cái hay, cái tốt của văn minh nhân loại, trong đó có Trung Hoa. 

Nhờ tinh thần hòa hiếu bang giao ấy, dân tộc, đất nước Việt Nam mới trường tồn. 

Muốn đất nước phát triển hùng cường phải vượt lên chính mình

Ngày nay, chúng ta đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta trên các hướng biên giới đất liền và trên biển, chúng ta phải tính đến Thế và Lực của mình, cũng như cục diện khu vực, thời thế quốc tế để vận dụng, tìm kiếm những nhân tố nào có lợi nhất cho mình. 

Không thể đấu tranh bảo vệ chủ quyền chỉ bằng cách thỏa mãn cảm giác bức xúc cá nhân hay sĩ diện hão được. 

Có nhiều người vì bức xúc với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trong những thời điểm nhất định nên đòi hỏi Việt Nam phải “thoát Trung”. 

Theo tôi chúng ta không nên đặt vấn đề “thoát Trung”, bởi chưa bao giờ Dân tộc Việt Nam này, Đất nước Việt Nam này biết “thần phục” Trung Quốc.

Dù ngàn năm Bắc thuộc dài dằng dặc, nhưng khát vọng độc lập tự chủ trong dòng máu Việt chưa khi nào nguôi ngoai. 

Những chính sách đối ngoại mềm dẻo, biểu hiện thiện chí của chúng ta không thể xem đó là thái độ “thần phục” như ai đó vẫn nói.

Tất nhiên, những vấn đề nội tại của chúng ta làm cho nước nhà yếu kém, chúng ta phải tự tìm cách khắc phục, không thể đổ thừa rằng do “lệ thuộc Trung Quốc” để mà phải tìm cách “thoát Trung”.

Công nghệ nào lạc hậu của Trung Quốc, hàng hóa nào độc hại của Trung Quốc chúng ta có quyền và có khả năng từ chối. Nguồn nguyên liệu hay thị trường của chúng ta thì chính chúng ta phải chủ động mở rộng. 

Đó là những yếu tố mang thuần túy tính chất kinh tế – thương mại – đầu tư chứ không phải “lệ thuộc” hay “thần phục” như hàm nghĩa về mặt chính trị, tư tưởng.

Đó là bài toán bất cứ quốc gia nào cũng phải đưa lên cân nhắc, đặc biệt là Việt Nam tiếp giáp một thị trường lớn, nguồn cung nguyên liệu lớn và cũng là đại công xưởng hàng giá rẻ, chất lượng thấp của thế giới là Trung Quốc. 

Tuy nhiên, Trung Quốc không thể ép được chúng ta dùng hàng giá rẻ độc hại, trừ khi chính chúng ta “tặc lưỡi” dễ dãi với chính mình.  

Có chăng, chúng ta phải tìm cách thoát khỏi chính những tư duy lạc hậu kìm hãm sự phát triển của đất nước, làm sao xây dựng nước nhà cường thịnh, phát triển trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác.

Vì vậy, sau khi ký Hiệp định về quy chế quản lý biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc năm 2009 và để triển khai thực thi Hiệp định, Việt Nam đã ban hành Nghị định của Chính phủ, quy định chi tiết về Khu vực biên giới, Vành đai biên giới, Vùng cấm.

Đó là Nghị định số 34/2014/NĐ-CP, ngày 29 thang 04 năm 2014. Nghị định này gồm có 4  Chương và 24 Điều, với những quy định rất cụ thể về:

Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các hành vi bị nghiêm cấm trong khu vực biên giới đất liền, quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới đất liền, trách nhiệm xây dựng, quản lý, bảo vệ khu vực biên giới đất liền…

Có thể nói với việc ban hành Nghị định này, Chính phủ Việt Nam không những đã tích cực thực thi trách nhiệm với tư cách là một bên ký kết, mà còn cho thấy sự quan tâm đối với sự nghiệp bảo vệ, quản lý và phát triển vùng biên giới quốc gia trong quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc.

Tranh chấp biên giới lãnh thổ giữa hai nước đã diễn ra với quá nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử và có nhiều bài học đã được viết nên bằng máu, nước mắt của biết bao thế hệ người Việt Nam và Trung Quốc, qua rất nhiều nỗ lực mới có được tuyến biên giới công bằng, hòa bình, hữu nghị như hiện nay, đó là một tài sản vô giá cần gìn giữ, bảo vệ và phát huy nó trong thời kỳ mới.

RELATED ARTICLES

Tin mới