Sunday, December 22, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiAi chặn doanh nghiệp Việt làm giàu?

Ai chặn doanh nghiệp Việt làm giàu?

 Nhiều quỹ hỗ trợ ra đời nhằm làm “bà đỡ” cho các DNNVV trong việc tiếp cận nguồn vốn vay nhưng doanh nghiệp vẫn khó vay vốn. 

DNNVV vẫn khó tiếp cận vốn dù có nhiều quỹ hỗ trợ.

Điều kiện xét duyệt cho vay khó

Thực trạng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn khó tiếp cận vốn dù có nhiều quỹ hỗ trợ như bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, quỹ phát triển DNNVV… đã được các chuyên gia lý giải.

Trao đổi với Đất Việt, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho hay, những doanh nghiệp khó tiếp cận vốn thường đang gặp khó khăn, làm ăn thua lỗ. Họ không có tài sản thế chấp và vì làm ăn thua lỗ nên báo cáo tài chính không đẹp. Ngoài ra, doanh nghiệp không biết xây dựng phương án vay vốn rõ ràng để ngân hàng thấy rõ dòng tiền trả nợ.

Ngân hàng khi cho vay rất cẩn trọng vì bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Vì không muốn rủi ro nên họ chỉ cho những chủ thể mà họ tín nhiệm vay. Trong khi đó, để được tín nhiệm, các DNNVV phải mất vài ba năm làm ăn khá.

Một nguyên nhân khác khiến DNNVV khó tiếp cận vốn vay, theo ông Hưng, đó là các quỹ chưa tuyên truyền rộng rãi nên doanh nghiệp không biết đến quỹ, không biết tiếp cận nguồn vốn của quỹ thế nào…

Ông Hưng gạt đi nỗi nghi ngại doanh nghiệp phải mất “phí bôi trơn” mới vay được vốn. 

“Các quỹ hỗ trợ làm việc rõ ràng, không việc gì phải mất phí bôi trơn. Hơn nữa, trong trường hợp mất phí bôi trơn mà năng lực quản trị kém, không có tài sản đảm bảo, sổ sách kế toán của doanh nghiệp thiếu minh bạch, phương án kinh doanh không rõ ràng… thì cũng khó thuyết phục được ngân hàng cho vay”, ông Phạm Ngọc Hưng khẳng định.

Đồng tình với những cái khó của DNNVV trong tiếp cận vốn vay mà Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đề cập, TS Trương Văn Khánh, Đại học Tài chính-Marketing dẫn ra thực trạng của quỹ bảo lãnh tín dụng làm ví dụ.

Theo đó, dù quỹ này ra đời nhằm làm “bà đỡ” cho các DNNVV trong việc tiếp cận nguồn vốn vay nhưng doanh nghiệp vẫn khó vay vốn.

“Quỹ bảo lãnh đưa ra điều kiện là doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp là 15% đối với dự án vay vốn, nhưng doanh nghiệp đã thiếu vốn rồi còn yêu cầu thế thì coi như chặn luôn đường của doanh nghiệp.

Mặt khác, quỹ bảo lãnh tín dụng đối với DNNVV thẩm định hồ sơ xong thì chuyển qua cho ngân hàng thẩm định lại. Như vậy, chưa có sự liên kết giữa quỹ bảo lãnh và ngân hàng, DNNVV phải mất phí thẩm định hồ sơ nhiều hơn. Lẽ ra khi quỹ bảo lãnh thẩm định hồ sơ thấy đủ yêu cầu vay vốn thì bên ngân hàng không cần thẩm định nữa, tuy nhiên rất tiếc hiện nay chưa có quy trình đó”, TS Trương Văn Khánh phân tích.

Vị chuyên gia cũng chỉ ra điểm khác biệt giữa quỹ bảo lãnh tín dụng của nước ngoài và Việt Nam. Ở nước ngoài cho phép thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng tư nhân, khi thấy doanh nghiệp nào có hồ sơ tốt, dự án tốt mà thiếu điều kiện vay vốn ở ngân hàng thì quỹ này sẽ đứng ra bảo lãnh và thu phí. Phí này được xem như thỏa thuận giữa hai bên. Quỹ bảo lãnh tín dụng được xem như một doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm, do đó họ bảo lãnh cho tất cả các đối tượng có dự án tốt, số doanh nghiệp được bảo lãnh vì thế cũng rất nhiều.

Trong khi đó, ở Việt Nam chỉ mới có quỹ bảo lãnh của Nhà nước, nhiều địa phương chưa đủ vốn để thành lập quỹ bảo lãnh. Riêng ở TP.HCM, quỹ bảo lãnh tín dụng có mức vốn cao nhất gần 300 tỷ đồng, còn ở các địa phương khác chỉ khoảng 30 tỷ đồng, dẫn đến tình trạng tiền bảo lãnh ít, cấp vốn được ít.

“Các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp ra đời có lợi cho DNNVV vì mục đích của chúng là phi lợi nhuận nhưng điều kiện cho vay còn khó do cơ chế chưa được tháo gỡ”, TS Khánh nhấn mạnh.

Cứ lo giữ túi tiền thì doanh nghiệp bó tay

Một cơ hội nữa để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đó là gói hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao 100.000 tỷ đồng sắp khởi động. Từ thực trạng của các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nói trên, theo ông Phạm Ngọc Hưng, để doanh nghiệp có thể tiếp cận được gói vay 100.000 tỷ đồng nói trên, việc đầu tiên là phải xác định đối tượng vay một cách rõ ràng bằng việc quy định rõ tiêu chí thế nào là một doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao? Sau đó phải có quy chế  và quy chế này phải được xét duyệt một cách nhanh chóng, đừng qua quá nhiều ban bệ.

Chẳng hạn, sau khi xác định doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nằm trong danh mục, chỉ cần xác nhận của ban quản lý khu nông nghiệp công nhệ cao, khi lên các quỹ có một hội đồng xét chọn là đủ.

“Thực tế ở nhiều quỹ cho thấy, phải có ngân hàng cho vay và cùng chịu trách nhiệm trong việc cho vay để quỹ đó không bị thất thoát và dễ bảo trợ cho các chương trình thì quỹ đó mới hỗ trợ. Việc này phải có sự cải tiến từ Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước kết hợp với ngân hàng thương mại và các quỹ thì mới triển khai được. Còn ai cũng lo giữ túi tiền của mình để rồi vẽ ra nhiều thủ tục nhiêu khê thì doanh nghiệp bó tay”, ông Hưng kết luận.

Bổ sung thêm, TS Trương Văn Khánh cho biết, ngân hàng thương mại thường từ chối cho doanh nghiệp vay vì sợ sau này thanh tra, hồ sơ lưu nhiều, trong khi ngân hàng không được gì.

“Vì thế, để gói 100.000 tỷ đồng đi vào cuộc sống phải có chính sách để các ngân hàng thương mại có vai trò trong gói này, vốn rót xuống các ngân hàng, DNNVV vay vốn thấp, lãi suất còn lại Chính phủ giải ngân cho ngân hàng. Quy trình, thủ tục phải bớt rườm rà, các ngân hàng mới không ngần ngại cấp vốn cho DNNVV”, TS Khánh nhấn mạnh.

 

 

RELATED ARTICLES

Tin mới