Tuesday, November 19, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiViệt Nam thành cường quốc thép phế liệu

Việt Nam thành cường quốc thép phế liệu

Bị phụ thuộc vào ấp nguyên liệu đầu vào, khi đó, có muốn quay trở lại luyện thép từ cốc thì dây chuyền công nghệ cũng không đáp ứng được.

Thép phế liệu nguy cơ ô nhiễm lớn

Sợ khó, chọn rẻ, dễ đi

GS.TSKH Bùi Văn Mưu – nguyên Trưởng bộ môn luyện kim đen, khoa Luyện kim và Công nghệ Vật liệu, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp sản xuất thép ngày càng nhập thép phế liệu với khối lượng lớn là vì rẻ, dễ mà lại có tăng trưởng nhanh.

Theo vị GS, quy trình sản xuất thép từ thượng nguồn phải thực hiện theo một chu trình sản xuất khép kín, bao gồm: từ khai thác, chế biến quặng sắt đến khâu cuối là cho ra sản phẩm thép.

Hiện nay, các nhà máy thép chấp nhận việc sử dụng thép phế liệu (thu mua trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài) để sản xuất phôi thép bằng lò điện. Ngoài lý do vì điều kiện khai thác và chế biến quặng sắt của Việt Nam chưa phát triển, mặt khác do lượng than mỡ để luyện than cốc rất ít, còn vì nhập sắt thép phế liệu rẻ, luyện phôi thép lại dễ, đầu tư công nghệ thấp trong khi lợi nhuận thu được lại lớn và nhanh… Vì thế, việc ngành thép Việt Nam chủ yếu sản xuất phôi thép bằng lò điện từ nguồn thép phế liệu cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Ở Việt Nam, có một số nhà máy được trang bị lò cao để luyện phôi thép từ quặng như Nhà máy Gang thép Thái Nguyên và Formosa… Tuy nhiên, Công ty gang thép Thái Nguyên được đầu tư với thiết bị, công nghệ kém chất lượng, quá lạc hậu của Trung Quốc, dẫn tới tình trạng khai thác quặng lên mà chưa làm ra được gì như kỳ vọng.

Sản phẩm của nhà máy làm ra phần lớn chỉ được dùng để làm nhà cấp 4, vì chất lượng sản phẩm không có mấy công trình lớn dám sử dụng. Nếu tiếp tục đi theo con đường này nhà máy sẽ càng lâm cảnh thua lỗ, nợ nần.

Vì vậy, dù được đầu tư với nguồn vốn lớn, mục tiêu cao cả song cuối cùng TISCO vẫn phải lựa chọn giải pháp đi theo con đường dễ hơn là nhập sắt thép phế liệu làm nguyên liệu sản xuất giống như nhiều doanh nghiệp tư nhân khác. Điều này có thể xem là nghịch lý đối với một DNNN, tuy nhiên, trong hoàn cảnh của TISCO đó là lựa chọn duy nhất. Dù có muốn sản xuất thép từ luyện cốc, công nghệ của TISCO cũng khó đáp ứng được hoặc nếu làm cũng gây nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn.

“Đầu tư công nghệ ít tốn kém hơn nên chi phí ban đầu thấp, trong khi nguồn nguyên liệu đầu vào lại rẻ thì rõ ràng trước mắt hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp sẽ cao hơn đi luyện thép từ cốc”, vị GS nói.

Tiến thoái lưỡng nan

Theo vị chuyên gia, không có gì đáng ngạc nhiên với số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, trong ba tháng đầu năm, cả nước đã nhập khẩu hơn 1 triệu tấn sắt thép phế liệu, trị giá hơn 276 triệu USD. Lượng nhập trung bình là hơn 11.000 tấn/ngày, cao hơn 1.000 tấn so với lượng nhập trung bình của cả năm 2016. Điều này đang phản ánh một cách thức làm ăn chung của nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất thép.

GS.TSKH Bùi Văn Mưu cho biết, một khi các nhà máy luyện thép trong nước đều lựa chọn đi theo con đường dễ, yêu cầu về nguồn nguyên liệu đầu vào, cụ thể là nguồn nhập thép phế liệu ngày càng cao. Hiện tại, hầu hết lượng thép phế liệu nhập về Việt Nam đều là thép phế liệu có chất lượng thấp, khó xử lý và nguy cơ gây ô nhiệm môi trường rất lớn. Trong khi, những loại thép phế liệu có chất lượng tốt hơn lại không thể về được Việt Nam do một số nước trên thế giới như Đức, Pháp hiện vẫn đi theo phương thức sản xuất này. Vì vậy, việc tìm kiếm các nhà cung cấp thép phế trong nước và nước ngoài nhằm ổn định về chất lượng và chủng loại thép phế theo yêu cầu của luyện thép cũng sẽ ngày càng khó khăn, cạnh tranh hơn.

Theo dự báo, nguồn thép phế liệu trong nước chỉ có thể cung cấp được cho các nhà máy luyện thép Việt Nam chỉ đảm bảo kéo dài được trong khoảng 10 năm nữa. Khi nguồn cung khan hiếm, các nhà máy luyện thép sẽ bị thiếu hụt , bị phụ thuộc vào nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào. Đến khi đó, dù có muốn quay trở lại luyện thép từ cốc thì dây chuyền công nghệ cũng không đáp ứng được.

Mặc dù vậy, vị GS vẫn cho rằng nếu còn đi theo con đường sản xuất thép thì phải quay trở lại cách thức sản xuất truyền thống là luyện thép từ quặng chứ không thể đi theo con đường nhập thép phế liệu như vậy nữa.

Nhập hơn 10.000 tấn sắt thép phế liệu/ngày: Nấu sắt vụn

“Nếu nhà máy nào cũng đi mua thép phế liệu thì ngoài vấn đề rủi ro về nguồn cung, các nhà máy luyện thép còn đặt Việt Nam vào thế rất nguy hiểm. Không những Việt Nam có thể trở thành bãi rác công nghệ cho thế giới, phải đối diện với nguy cơ ô nhiễm vô cùng lớn thì những ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống con người là không thể đo lường được”, vị GS cảnh báo.

Tuy nhiên, theo vị GS, việc đầu tư thêm dây chuyền công nghệ mới, xây dựng lò đứng, lò cao cũng sẽ là bài toán lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.

“Hơn nữa, nguồn quặng dự trữ trong nước cũng không lớn, khai thác lại khó khăn. Nếu vẫn tiếp tục cho các lò luyện thép từ quặng, luyện than cốc thì phải đặt dấu hỏi lớn về vấn đề môi trường trong 10 – 15 năm sau. Chúng ta đã từng có những bài học đắt giá khi hy sinh môi trường để lấy chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, công nghệ lạc hậu, việc chế biến sâu không tạo ra được lợi thế so sánh thì doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam dù đổi công nghệ cũng khó lòng cạnh tranh được với sản phẩm của các nước khác”, GS.TSKH Bùi Văn Mưu nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới