Wednesday, November 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChiến tranh trên bán đảo Triều Tiên - Điều đó chưa thể...

Chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên – Điều đó chưa thể xảy ra

Lầu Năm Góc đang cân nhắc các phương án buộc Bình Nhưỡng phải giải trừ vũ khí hạt nhân, trong đó có việc bắn hạ tên lửa Triều Tiên dù chỉ là phóng thử nghiệm. Song hành động này có thể khiến chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên bùng nổ.

Theo Guardian, giới chức Mỹ lo ngại việc bắn hạ tên lửa Triều Tiên có thể khiến căng thẳng không ngừng leo thang và bùng nổ thành chiến tranh.

Trong bối cảnh căng thẳng không ngừng leo thang liên quan tới chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, Lầu Năm Góc đang tính tới các phương án nhằm tránh một cuộc đối đầu quân sự nhưng vẫn buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho rằng Bình Nhưỡng đã sẵn sàng cho vụ thử hạt nhân lần thứ 6.

Guardian dẫn hai nguồn tin giấu tên cho hay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã trình bày phương án bắn hạ tên lửa Triều Tiên dù chỉ là phóng thử trước Quốc hội nước này. Song quân đội Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng có thực hiện phương án này hay không.

Trong chuyến thăm tới Hàn Quốc mới đây, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo Triều Tiên không nên thử thách “giải pháp” của Tổng thống Donald Trump. Cũng theo ông Pence, chính sách “kiên nhẫn chiến lược” với Triều Tiên dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama đã kết thúc.

Song khi chia sẻ với hãng tin BBC, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên, ông Han Song-Ryol cho biết Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phóng thử tên lửa “hàng tuần, hàng tháng, và hàng năm”. Ngoài ra, tất cả các phương án quân sự cũng sẽ luôn sẵn sàng để đối phó với quân đội Mỹ. 

Giới chuyên gia và cựu quan chức Mỹ thì cho rằng việc bắn hạ tên lửa Triều Tiên trong các vụ phóng thử sẽ làm căng thẳng leo thang. Washington cũng sẽ không thể lường trước được những hậu quả khủng khiếp có thể xảy ra với các quốc gia đồng minh là Nhật Bản và Hàn Quốc.

“Hành động bắn hạ tên lửa Triều Tiên của quân đội Mỹ sẽ làm tình hình thêm căng thẳng và tôi cũng không thể đoán được nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ đưa ra phản ứng ra sao. Nhưng chắc chắn, ông Kim sẽ đáp trả mạnh mẽ bởi ông ấy không muốn bị đánh giá là yếu kém”, ông Abraham Denmark, một cựu quan chức cấp cao Lầu Năm Góc dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Obama nhận định.

Điều đáng nói, theo Guardian, quân đội Mỹ sẽ không dùng Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ đang triển khai lắp đặt ở Hàn Quốc, để bắn hạ tên lửa Triều Tiên trong các cuộc thử nghiệm. Trước đó, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Mỹ đưa THAAD tới Hàn Quốc bởi lo ngại hệ thống này sẽ do thám hoạt động của lực lượng tên lửa Trung Quốc. Trong khi đó, việc lắp đặt THAAD ở Hàn Quốc sẽ chưa thể hoàn thành trước ngày 9/5, thời điểm Hàn Quốc tổ chức bầu cử Tổng thống.

Do đó, quân đội Mỹ đang tính tới phương án bắn hạ tên lửa Triều Tiên bằng hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trang bị trên tàu khu trục của hải quân nước này. Ngoài ra, Mỹ có thể thuyết phục Tokyo sử dụng khả năng phòng thủ tên lửa sẵn có để ngăn chặn các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có thể rơi xuống vùng lãnh hải của Nhật Bản. 

Còn hiện tại, nhóm tác chiến tàu sân bay do tàu USS Carl Vinson dẫn đầu với sự tham gia của các tàu khu trục trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, cũng đang trên đường hướng tới bán đảo Triều Tiên.

Theo Guardian, các chính quyền Mỹ tiền nhiệm từng cân nhắc phương án bắn hạ tên lửa Triều Tiên trong các vụ thử nghiệm. Song phương án này nhanh chóng bị loại bỏ trước nguy cơ kích động Bình Nhưỡng có những hành động khó lường, gây hậu quả nghiêm trọng.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Gary Ross cho hay: “Mỹ đang tìm hiểu hàng loạt phương án ngoại giao, an ninh và kinh tế mới để kiềm chế Triều Tiên. Tất cả phương án đều đang trên bàn thảo luận. Chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên rõ ràng đang đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia Mỹ. Triều Tiên cũng đã công khai rằng tên lửa đạn đạo của quốc gia này có thể được tích hợp đầu đạn hạt nhân để tấn công các thành phố ở Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản”. 

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham gia lễ diễu binh hôm 15/4.

Còn theo một quan chức Mỹ, quân đội nước này đã thảo luận phương án bắn hạ tên lửa Triều Tiên trước thời điểm diễn ra cuộc gặp đầu tiên giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago thuộc bang Florida hôm 6/4.

Trong khi đó, hôm 15/4, Triều Tiên đã phô trương hàng loạt tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa chống hạm mới ngay trong buổi lễ diễu binh nhân dịp kỷ niệm lần thứ 105 ngày sinh cố chủ tịch Kim Nhật Thành. Và ngày 16/4, Triều Tiên được cho tiến hành thêm một vụ phóng thử tên lửa tầm xa nhưng đã thất bại.

Ông Patrick Cronin tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ mới nhận định, nếu như hệ thống Aegis thất bại trong việc ngăn chặn Triều Tiên phóng thử tên lửa, nó sẽ khiến Bình Nhưỡng có tâm lý “chiếm ưu thế. Trong khi đó, Mỹ dường như chỉ có ý định ngăn không cho các tên lửa được Bình Nhưỡng phóng thử nghiệm, bay vượt ra bên ngoài bán đảo Triều Tiên”.

Giới chức quân sự Mỹ hiện được cho đang có nhiều ý kiến bất đồng kể từ sau vụ phóng thử tên lửa đầy bất ngờ hồi tháng Hai của Triều Tiên. Phát biểu trước Thượng viện Mỹ hôm 11/2, Tướng John Hyten, Chỉ huy Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ và là người phụ trách kho vũ khí hạt nhân của Mỹ còn nhấn mạnh: “vụ thử diễn ra ở một nơi mà chúng ta chưa từng được biết tới”.

Sự phát triển của thế hệ rocket sử dụng nhiên liệu rắn cùng các bệ phóng di động và điều kiện thời tiết mây mù dày đặc che khuất tầm quan sát của các vệ tinh trinh thám, khiến giới chức Mỹ lo sợ họ sẽ không có thời gian để phát hiện Triều Tiên sẽ cho phóng các tên lửa mới khi nào.

Phó Giáo sư Robert Kelly tại Đại học Quốc gia Pusan ở Hàn Quốc cho rằng: “Triều Tiên đã vi phạm lệnh cấm phóng thử tên lửa của Liên Hợp Quốc. Do đó, chúng ta cần bắn hạ tất cả tên lửa phóng thử của Triều Tiên. Nnhưng tôi cho rằng đây là ý tưởng tồi bởi tấn công Triều Tiên sẽ gây ra những hậu quả khôn lường”. 

Do đó, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Gary Ross cũng đã kêu gọi Triều Tiên từ bỏ “những hành động khiêu khích, gây bất ổn và thù địch” đồng thời hối thúc Trung Quốc dùng tầm ảnh hưởng của mình để thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ hạt nhân.

“Mỹ cam kết bảo vệ các quốc gia đồng minh gồm Hàn Quốc và Nhật Bản trước những mối đe dọa trên. Đây là điều chắc chắn”, ông Ross nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới