Quân đội Mỹ đã bắt đầu chuyển các thiết bị của hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD đến địa điểm triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc. Sự xuất hiện của những hệ thống radar và các thiết bị quân sự của hệ thống THAAD đã khiến người dân địa phương tức giận, đụng độ với cảnh sát.
Hoạt động triển khai THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc đã được khởi động.
Hoạt động triển khai, lắp đặt hệ thống THAAD đã bắt đầu diễn ra từ sáng sớm ngày hôm nay (26/4) tại một sân golf của Hàn Quốc, hãng tin Yonhap đưa tin. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã xác nhận thông tin về việc Mỹ khởi động tiến trình triển khai toàn diện hệ thống THAAD trên lãnh thổ của họ. “Biện pháp lần này là nhằm để đảm bảo khả năng có thể hành động sớm thông qua việc tiến hành lắp đặt các thiết bị, bộ phận đã có sẵn” của hệ thống THAAD, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay.
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, THAAD sẽ chính thức đi vào hoạt động toàn diện trong cuối năm nay.
Tuy nhiên, việc triển khai THAAD không chỉ gây tranh cãi với các nước bên ngoài mà còn gây tranh cãi trong nội bộ đất nước Hàn Quốc.
Người dân ở quận Seongju của Hàn Quốc đã đụng độ với cảnh sát sau khi lực lượng Mỹ vận chuyển các bộ phận của hệ thống THAAD đến sân golf ở Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang.
Trung Quốc, Nga và đương nhiên là cả Triều Tiên phản đối gay gắt kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ trên đất Hàn Quốc.
THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) là hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối. Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng nhất định trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Hệ thống THAAD được thiết kế để đánh chặn những tên lửa đạn đạo ở tầm cao. Hệ thống phòng không tinh vi của Mỹ có hệ thống radar có thể phát hiện những vật thể ở khoảng cách xa đến 2.000km, đây là khoảng cách bao phủ phần lớn đại lục Trung Quốc.
Trước đây, Hàn Quốc chần chừ chưa muốn cho phép Mỹ triển khai THAAD trên đất của họ vì sợ làm mất lòng đối tác thương mại lớn Trung Quốc. Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi kể từ sau sự thách thức cao độ của Triều Tiên trong thời gian qua. Seoul và Washington cấp tập thúc đẩy kế hoạch triển khai THAAD bất chấp mọi lời đe dọa và cảnh báo từ phía Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.
Bắc Kinh cảm thấy rằng, hệ thống THAAD có thể được sử dụng để giám sát và phá vỡ hệ thống tên lửa và hạt nhân của họ.