Kế hoạch mở rộng sông Mekong để cho các tàu hàng lớn đi qua của Trung Quốc có thể khiến vùng đất giữa Lào và Thái Lan bị hủy hoại và người biểu tình Thái Lan đã thề sẽ bảo vệ khu vực này trước sự bành trướng kinh tế ở Đông Nam Á của Bắc Kinh.
Người dân địa phương biểu tình phản đối kế hoạch mở rộng sông Mekong. Nguồn: Reuters
Reuters đưa tin, những người biểu tình Thái Lan cho rằng việc ngăn thác Pi Long ở Chiang Rai và các khu vực khác của sông Mekong giữa Thái Lan và Lào sẽ làm tổn hại đến môi trường và mang lại lợi nhuận thương mại cho riêng Trung Quốc.
Niwat Roykaew, Chủ tịch Tổ chức Bảo tồn Rak Chiang Khong, nhóm thực hiện chiến dịch chống lại dự án trên, cho biết: “Đây sẽ là án tử dành cho sông Mekong. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể khôi phục nó được”.
Ông Niwat cho rằng việc cho phá nổ sông Mekong sẽ phá hủy môi trường sống của các loài cá, các loài chim di cư và tạo ra dòng chảy mạnh hơn làm xói mòn những vùng đất trồng trọt dọc hai bên sông.
Sự phản đối mạnh mẽ này là một thách thức lớn đối với tham vọng “Một vành đai, một con đường” nhằm xây dựng một “con đường tơ lụa” hiện đại xuyên suốt từ châu Á đến châu Âu của Trung Quốc.
Công ty tư vấn Second Harbour, thuộc Tập đoàn Xây dựng Truyền thông Nhà nước Trung Quốc (CCC) cho biết công ty đang khảo sát sông Mekong để tiến hành báo cáo về việc Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan có thể quyết định thời điểm thích hợp cho dự án trên.
CCC cho biết công ty này không định sẽ tiến hành phá nổ ở sông Mekong mà sẽ thực hiện nhẹ nhàng hơn. Công ty cũng cho biết đã tổ chức gặp gỡ người dân địa phương để “đối thoại, xây dựng niềm tin và làm sáng tỏ mọi nghi ngờ”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa đưa ra bình luận chính thức cho thông tin nói trên.
Việc mở rộng sông Mekong cho các tàu thuyền lớn hơn không phải là một phần trong kế hoạch chính thức của dự án “Một vành đai, một con đường” được công bố năm 2013, song Bắc Kinh đã tiến hành phá nổ một số khu vực của sông trong địa phận Lào một vài năm trước đó.
Tuy nhiên, một số kỹ sư Trung Quốc tham gia dự án cho biết đây là một phần trong kế hoạch lớn hơn và nó phù hợp với các mục tiêu của con đường tơ lụa mà Bắc Kinh đề ra.
Thái Lan, Lào và Myanmar đã thông qua kế hoạch khảo sát do Trung Quốc tài trợ chi phí, nhưng cho biết cần phải có thêm nhiều nghiên cứu và sự tán thành khác trước khi thay đổi định dạng vốn có của sông Mekong.
Bất chấp sự đảm bảo từ CCC, một số người dân địa phương vẫn cho rằng các kỹ sư Trung Quốc đang đánh dấu khu vực để tiến hành phá nổ. Nhóm của ông Niwat đã tổ chức các cuộc biểu tình với khẩu hiệu “Mekong không phải để bán”.
“Ở thời điểm hiện tại, họ chỉ nghĩ đến những con số tăng trưởng kinh tế mà không cân nhắc giá trị không thể tưởng tượng nổi của hệ thống sinh thái dành cho con người”, ông nói.
Dù theo quy định của chính phủ Thái Lan không được tụ tập nhóm từ 5 người trở lên, song Narongsak Osotthanakorn, tỉnh trưởng Chiang Rai, vẫn cho phép người dân ở đây có thể “biểu tình tự do” chống lại kế hoạch của Trung Quốc.
Ông Narongsak cho biết cuộc khảo sát này mới ở giai đoạn đầu và còn cần phải có nghiên cứu môi trường, thông báo trước công chúng và các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar và Lào.