Wednesday, November 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHy vọng đàm phán giải quyết vấn đề Triều Tiên

Hy vọng đàm phán giải quyết vấn đề Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra cả “cây gậy và củ cà rốt” với Triều Tiên khi vừa đe dọa sử dụng biện pháp quân sự, vừa ngỏ ý sẵn sàng tiến hành các biện pháp ngoại giao mà cao nhất là ông sẵn sàng gặp gỡ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông cũng viện tới sự tham gia của Trung Quốc. Song căng thẳng chắc chắn chỉ có thể giải quyết khi có thành ý của tất cả các bên.

Bờ vực chiến tranh

Mỹ đã triển khai hai máy bay ném bom siêu thanh B-1B Lancer tới bán đảo Triều Tiên từ hôm 1.5 để tập trận chung với không quân Hàn Quốc và Nhật Bản. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun phát biểu tại Seoul rằng, cuộc tập trận này nhằm làm nhụt chí sự khiêu khích từ Triều Tiên.

Triều Tiên đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hành động thị uy mới của Mỹ và đồng minh. Hãng tin Triều Tiên KCNA nói rằng các máy bay ném bom tiến hành “diễn tập ném bom hạt nhân” xuống lãnh thổ nước này vào thời điểm khi Tổng thống Mỹ và nhiều quan chức Mỹ lớn tiếng về việc tấn công phủ đầu Triều Tiên. “Sự khiêu khích quân sự bất cẩn đang đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên tới gần hơn bờ vực chiến tranh” – KCNA viết.

Trước đó, Triều Tiên tuyên bố sẽ đáp trả chính sách mới của Mỹ. Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên lên tiếng hôm 1.5: “Giờ đây, khi Mỹ thúc đẩy hàng loạt biện pháp trừng phạt và sức ép chống Triều Tiên, theo đuổi chính sách Triều Tiên mới của họ gọi là “sức ép và dính líu tối đa”, thì Triều Tiên sẽ thúc đẩy với tốc độ tối đa các biện pháp củng cố sự phòng vệ hạt nhân của mình”.

Từ khi ông Trump lên cầm quyền, Triều Tiên đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân và hàng loạt vụ thử tên lửa. Mức độ thử của họ nhiều chưa từng thấy của nước này. Bình luận về tình hình trên bán đảo Triều Tiên, hôm 30.4, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrei Denisov nói: “Sức ép quân sự của Mỹ chống Triều Tiên chỉ gây ra các bước trả đũa từ phía Triều Tiên. Trong thời kỳ cầm quyền của ông Donald Trump, Triều Tiên đã bắn tên lửa tới 9 lần” – TASS dẫn lời ông Denisov.

Không chỉ triển khai máy bay ném bom, Mỹ đã đưa tàu sân bay USS Carl Vinson và các tàu hộ tống tới vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên để tập trận chung với Hàn Quốc, đối phó với những lời đe dọa từ Triều Tiên, trong khi Triều Tiên coi việc tập trận này là hành động đe dọa xâm lược. Ngoài ra, Mỹ cho biết, hệ thống phòng thủ THAAD đặt tại Hàn Quốc để chống tên lửa Triều Tiên đã có thể hoạt động bước đầu.

Hy vọng đàm phán

Vừa thị uy với Triều Tiên, nhưng hôm 1.5 ông Trump đã bất ngờ nói rằng ông sẵn sàng gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông nói: “Nếu thích hợp để gặp ông ta (Kim Jong-un), tôi chắc chắn sẽ gặp. Tôi vinh dự được làm điều đó… Nhiều chính trị gia không nói vậy nhưng tôi có thể nói trong hoàn cảnh thích hợp, tôi sẽ gặp ông ta”. Tổng thống Mỹ không nói “hoàn cảnh thích hợp là gì”. Trước đó vài ngày, ông nói với Reuters rằng có thể có “xung đột rất lớn” để kết thúc chương trình hạt nhân với Triều Tiên, song Mỹ “muốn giải quyết mọi việc theo con đường ngoại giao”, dù thừa nhận điều đó là rất khó.

Thời gian gần đây ông Trump đã nỗ lực kêu gọi Trung Quốc trong việc giải quyết tình hình Triều Tiên. Sau cuộc gặp trực tiếp với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình giữa tháng 4 vừa qua, ông Trump nói rằng ông Tập rất tích cực và hiểu rõ vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói thẳng: Việc giải quyết tình hình Triều Tiên không chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc, mà cả các bên khác.

Theo Đại sứ Nga tại Trung Quốc Denisov, quan điểm của Nga và Trung Quốc về Triều Tiên gần như trùng nhau. Cả hai nước ủng hộ các giải pháp của Hội đồng Bảo an LHQ về áp đặt trừng phạt với Bình Nhưỡng và không bao giờ ủng hộ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, bởi chúng đặt ra nguy cơ trực tiếp với an ninh và cũng khiến Mỹ tăng cường các năng lực phòng vệ mà “trên thực tế có tiềm năng tấn công”. Nga và Trung Quốc chia sẻ quan điểm rằng chỉ có giải pháp chính trị và ngoại giao với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

“Chúng tôi kêu gọi nối lại các thể thức đã tồn tại, trước hết là đàm phán 6 bên (về giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên)”, ông nói và cho biết, phía Trung Quốc đã nói rằng không có gì thay thế cho thể thức này. Song ông Denisov cũng thừa nhận tình hình hiện nay rất khó khăn: “Các lập luận thích hợp mà cả chúng tôi và Trung Quốc đã đưa ra nhiều lần hiện giờ không có tác dụng, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không nên tiếp tục thuyết phục các bên” – ông Denisov nói. Được biết, đàm phán 6 bên về giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có sự tham gia của Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc. Đàm phán bị đình chỉ năm 2008 theo yêu cầu của Bình Nhưỡng.

RELATED ARTICLES

Tin mới