Friday, December 20, 2024
Trang chủĐàm luậnNgoại trưởng Mỹ “kiên quyết không đàm phán”, còn Tổng thống D....

Ngoại trưởng Mỹ “kiên quyết không đàm phán”, còn Tổng thống D. Trump thì … “sẵn sàng”

Trong bối cảnh phải đương đầu với cuộc khủng hoảng đang phát triển nhanh như “vũ bão” (cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên), không thể biết “học thuyết Trump” là gì. 

Sáng sớm 14/5, Triều Tiên đã phóng một tên lửa từ vùng biển ở tỉnh North Pyongan. Tên lửa này đã bay chặng đường khoảng 700-800km. Theo nguồn tin quân đội Nhật Bản cho biết, tên lửa bay được khoảng 30 phút và rơi xuống vùng biển giữa vùng duyên hải phía đông Triều Tiên với Nhật Bản.

Trước những hành động “khiêu khích” này, trang mạng desmoinesregister.com đăng bài phân tích của tác giả Jim Mowrer – cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh Iraq và cũng là một nhà phân tích tình báo, một cựu quan chức Lầu Năm Góc dưới thời Chính quyền Barack Obama. Ông Mowrer cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cần phải bằng mọi cách đạt được thỏa thuận với Triều Tiên, nếu không sẽ quá muộn!

Tình trạng bế tắc trước vấn đề Triều Tiên cũng như khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh tổng lực thật sự lúc nào cũng hiện hữu. Giải pháp ngoại giao cho vấn đề này dường như vẫn tắc tị. Trong khi đó, chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vãn tiếp tục đạt những tiến bộ không ngừng.

Cho đến nay mới chỉ có những lời đe dọa cùng các phát biểu trái chiều và gây rối trí do chính các quan chức chính quyền Mỹ và bản thân Tổng thống Donald Trump đưa ra. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, chính quyền của Mỹ sẽ không tìm cách thay đổi chế độ Bình Nhưỡng. Mỹ cũng kiên quyết không đàm phán cho đến khi Triều Tiên từ bỏ việc thử và phát triển hạt nhân. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nicki Haley nói rằng, một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà Triều Tiên chế tạo sẽ là giới hạn đỏ. Trong khi đó, Tổng thống Trump tuyên bố, ông sẽ rất lấy làm vinh hạnh nếu được gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong những hoàn cảnh nhất định.

Triều Tiên luôn tuyên bố rằng tên lửa hạt nhân tầm trung của nước này có thể phóng tới Hàn Quốc, Nhật Bản và binh lính Mỹ đồn trú trong khu vực. Học thuyết hạt nhân của Triều Tiên là sử dụng vũ khí hạt nhân sớm nhất và trước tiên nếu nước này tin rằng một cuộc tấn công nhằm vào họ sắp xảy ra. Nếu ông Trump hành động bất cẩn, Triều Tiên có thể phát động và tiến hành cuộc Chiến tranh Triều Tiên lần thứ 2.

Mỹ không dễ để xảy ra các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên, bởi nước này hiện có một mạng lưới đường hầm rộng lớn và hàng trăm bệ phóng tên lửa di động. Ông Kim Jong-un sẽ đáp trả bằng cách phóng các tên lửa, cũng như hàng trăm khẩu pháo có khả năng vươn tới Seoul, đồng thời sử dụng vũ khí sinh học và hóa học.

Chưa thể khẳng định tên lửa của Triều Tiên có khả năng phóng tới lục địa Mỹ hay không, song giới phân tích cho rằng trong vòng 5 năm tới, Triều Tiên có thể phát triển một ICBM hoạt động hoàn thiện có khả năng đó. Bất chấp cái giá phải trả, Triều Tiên tiếp tục phát triển ICBM vì tin rằng một ICBM hạt nhân sẽ buộc Mỹ ngừng hỗ trợ Hàn Quốc. Một sự đột phá lớn cũng sẽ giúp Kim Jong-un duy trì được quyền lực.

Cho đến hiện tại,các vị trí then chốt trong Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc vẫn chưa được bổ nhiệm. Điều này khiến cho việc hoạch định một chính sách nhất quán và phối hợp trở nên khó khăn hơn. Trong khi con đường phía trước còn chưa rõ ràng, Mỹ cần phải duy trì một lập trường quân sự mạnh mẽ, tránh làm leo thang căng thẳng và quản lý tốt hơn các mối quan hệ liên minh. Ông Trump cần nhanh chóng bổ nhiệm những nhân vật then chốt có kinh nghiệm ngoại giao khôn khéo, đồng thời kết hợp cả các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ lẫn chính sách ngoại giao liên tục.

Lúc này Mỹ cần nỗ lực hơn nữa cùng với các đồng minh để duy trì sức ép và cô lập Triều Tiên. Cần gấp rút chuẩn bị để đưa ra một số đề xuất trên bàn đàm phán. Đó có thể là một thỏa thuận bao gồm việc chấm dứt chương trình hạt nhân theo hướng có thể thẩm tra được và tiến hành các cuộc thanh sát quốc tế để đổi lấy việc giảm bớt các biện pháp trừng phạt trong một chừng mực nào đó. Trump là một tân tổng thống hầu như không có kinh nghiệm trên mặt trận này. Tuy nhiên, ông cần phải đạt được thành công vì lợi ích của toàn thế giới.

Trang mạng UPI mới đây cũng dẫn lời nhà phân tích người Trung Quốc Liu Ming, chuyên gia về an ninh Triều Tiên của Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải. Ông Liu Ming cho rằng, Mỹ cần pđàm phán với Triều Tiên trước khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Trao đổi với hãng thông tấn TASS của Nga, ông Liu Ming nói, vụ thử hạt nhân tiếp theo của Triều Tiên có thể diễn ra trong tương lai gần, nhiều khả năng là trong nửa cuối tháng 5. Còn tình trạng căng thẳng chắc chắn sẽ kéo dài sang tháng 6 và tiếp đó.

Ông Liu Ming nhấn mạnh: “Nếu vụ thử hạt nhân thứ 6 diễn ra, cánh cửa để giải quyết vấn đề Triều Tiên gần như sẽ khép lại. Sẽ không còn nhiều cơ hội để giải quyết vấn đề này theo con đường ngoại giao”. Trong hoàn cảnh hiện nay, việc nối lại đàm phán 6 bên không có ý nghĩa. Trước tiên, Mỹ và Triều Tiên cần phải đàm phán trực tiếp

RELATED ARTICLES

Tin mới