Theo tờ Asia Times, Thủ tướng Campuchia Hun Sen muốn mô phỏng mô hình nhà nước mạnh mẽ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thủ tướng Hun Sen. Ảnh: Reuters
Trong bài viết đăng tải trên tờ Asia Times ngày 13/5, tác giả David Hutt cho rằng, có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang thâm nhập vào nền chính trị Campuchia.
Tác giả dẫn ví dụ, tháng 9/2016, Bộ Tư pháp Campuchia đã tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ giúp nước này cải cách hệ thống tư pháp.
Cải cách là cần thiết, nhất là dưới góc nhìn của phương Tây. Nhưng Trung Quốc có phải là mô hình tốt nhất cho nền tư pháp Campuchia hay không?, David Hutt đặt câu hỏi.
Các chính phủ phương Tây cho đến nay cũng đã có những lời khuyên và hỗ trợ Phnom Penh xây dựng các thể chế tư pháp độc lập.
Ông Hun Sen cũng đang tìm đến Bắc Kinh để học hỏi cách quản lý các thông điệp của mình.
Tháng trước, một thỏa thuận hợp tác chung giữa Campuchia và Trung Quốc được ký tại Phnom Penh để thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan truyền thông nhà nước hai bên.
Các quan chức Bộ Thông tin Campuchia sẽ đến Trung Quốc để “trao đổi giáo dục”. Các nhà báo Campuchia, chủ yếu là từ các kênh truyền thông nhà nước và đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền sẽ được trao học bổng sang đào tạo tại Trung Quốc.
Theo bài báo, giới phê bình lo ngại rằng, những cuộc trao đổi chính thức như thế này sẽ nhập khẩu mô hình kiểm duyệt, kiểm soát chặt chẽ và tinh vi với truyền thông của Trung Quốc.
Thủ tướng Hun Sen giờ đây đang tìm kiếm mô hình của Bắc Kinh và nhờ họ tư vấn về cách phát triển các thể chế quốc gia.
Hôm 11/4, ông chủ trì buổi lễ phát hành bộ sách “Quản trị quốc gia Trung Quốc” của ông Tập Cận Bình được dịch sang tiếng Khmer.
China Daily tường thuật về sự kiện này, đã dẫn lời cố vấn của Thủ tướng Campuchia, ông Sok Sok nói rằng, ông tin sự phát triển của Trung Quốc là một “mô hình tốt đẹp” cho Campuchia.
Ở một góc độ khác, góc độ kinh tế, tờ Nikkei Asian Review ngày 16/3 vừa qua có bài đánh giá tổng quan về quá trình Trung Quốc hiện diện tại Campuchia.
Qua đó chỉ ra sự hiện diện và chi phối sâu sắc trong lĩnh vực kinh tế của các tổ chức doanh nghiệp Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này.
Hội đồng Phát triển Campuchia cho biết kể từ năm 2011, Trung Quốc là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào Campuchia với tổng vốn đầu tư kể từ đó cho tới đầu tháng 12 năm ngoái đạt 4,9 tỉ USD.
Các tòa nhà mới xây với phần lớn từ tiền đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc mọc lên gần như khắp nơi tại nước này.
Ngày 6/3, cùng với khoảng 6.000 người dân địa phương, Thủ tướng Campuchia Hun Sen và đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Xiong Bo đã cùng tham gia lễ khởi công công trình xây dựng tuyến đường dài 16km thuộc dự án đường vành đai số 2 bao quanh Phnom Penh.
Đây là công trình được xây dựng từ nguồn vốn vay ưu đãi 61 triệu USD của Chính phủ Trung Quốc.
Ngày 1/12 năm ngoái, phát biểu trước đoàn đại biểu doanh nghiệp của Trung Quốc, ông Hun Sen nói: “Chúng tôi cảm ơn vì tất cả những hỗ trợ. Có thể nói rằng tình hữu nghị anh em của Trung Quốc đã giúp chúng tôi xây dựng được con đường dài nhất, khoảng 1.500km và 7 cây cầu với tổng chiều dài khoảng 3.104m”.
Không chỉ là nhà cửa, đường sá và cầu, sự hiện diện của Trung Quốc trong lĩnh vực điện lực cũng ngày càng tăng.
Trang web chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia cho biết các doanh nghiệp Trung Quốc đã cung cấp khoảng 80% trong tổng lượng điện sản xuất tại Campuchia năm 2016.
Tân Hoa xã dẫn lời Bộ trưởng Công nghiệp, mỏ và năng lượng Campuchia Suy Sen tại một sự kiện, theo đó Bắc Kinh đã đầu tư 2,4 tỉ USD cho 7 nhà máy điện tại Campuchia trong thập kỷ qua.
Tuy nhiên, Nikkei cảnh báo, không có chuyện những “bữa trưa miễn phí” với Campuchia.
Nikkei dẫn chứng, Campuchia được xem là một phần thiết yếu trong sáng kiến Một vành đai, một con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bắc Kinh cũng coi quốc gia Đông Nam Á này là một phần không thể thiếu trong chiến lược xây dựng tuyến giao thông hàng hải “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc, kết nối đặc khu hành chính Hong Kong với Sudan qua Ấn Độ Dương.
Cùng với việc nhấn mạnh các hoạt động hỗ trợ kinh tế của Bắc Kinh với Phnom Penh, trong tuyên bố chung của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Campuchia Hun Sen công bố tháng 10 năm ngoái nêu rõ hai bên nhất trí “tăng cường phối hợp và hợp tác trong các cơ chế hợp tác đa phương khác nhau” và duy trì các hoạt động liên lạc gần gũi, hợp thời điểm và hiệu quả về các vấn đề liên quan tới những lợi ích thiết yếu để cùng “ủng hộ mạnh mẽ lẫn nhau”.