Tuesday, November 19, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 05/06

Bản tin Biển Đông ngày 05/06

Bản tin Biển Đông ngày 05/06/2017.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis: “Mỹ sẽ có hành động thích hợp” ở Thái Bình Dương

CNN đưa tin, ngày 3/6, tại Đối thoại Shangri-la, một hội nghị thường niên về an ninh Châu Á được tổ chức tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã tái khẳng định với các đồng minh của Mỹ về cam kết của Mỹ đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh những nguy cơ về an ninh đang gia tăng và nhiều nước ở khu vực đang lo ngại về các cam kết hợp tác của Chính quyền Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc về vấn đề Bắc Triều Tiên cũng như về sự trỗi dậy quá mạnh mẽ của Trung Quốc ở khu vực. Cụ thể, sau khi một thành viên tham dự Hội nghị đưa ra câu hỏi rằng liệu thế giới có phải chứng kiến “sự sụp đổ” của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ do Mỹ đặt ra sau Thế chiến thứ II hay không, ông Mattis nhấn mạnh “nếu không còn bất cứ phương án khả thi nào khác, Mỹ sẽ phải có hành động thích hợp và Mỹ vẫn sẽ hiện diện ở khu vực”. Bên cạnh đó, ông Mattis cũng đã chỉ trích mạnh mẽ hành động xây dựng bất hợp pháp và quân sự hoá các đảo nhân tạo của Bắc Kinh ở Biển Đông là điển hình của “thái độ khinh rẻ lợi ích của các quốc gia” và “coi thường luật pháp quốc tế một cách rõ ràng”. Liên quan đến vấn đề này, ông William Cohen, cựu Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Bill Clinton khẳng định “điều mà các nước đồng minh của Mỹ muốn là “sự dễ đoán định”, “tính nhất quán” và “có thể tiếp tục duy trì”. Trong khi đó, ông Ben Shreer, một chuyên gia phân tích quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế, lo ngại rằng “nếu Mỹ và Tổng thống Trump tiếp tục coi các nước đồng minh và đối tác chỉ đơn thuần là các mới quan hệ trao đổi, điều này sẽ gây ra căng thẳng cho quan hệ với các bên”

CNN cho hay, tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh Châu Á Đối thoại Shangri-la, ba điểm nóng tiềm tàng đe doạ sự ổn định của khu vực bao gồm: Chương trình Vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, vấn đề quân sự hoá các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông và Chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Úc và Pháp cũng đã đồng loạt lên tiếng lên án các yêu sách phi lý của Trung Quốc áp đặt đối với gần như toàn bộ Biển Đông.

Quan chức cấp cao Trung Quốc tiết lộ: Trung Quốc và ASEAN đang lên kế hoạch tập trận trên biển chung vào năm tới

Tạp chí The Straits Times đưa tin, ngày 3/6, tại một phiên trong Đối thoại Shangri-la, Đại tá Chu Ba thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tiết lộ rằng Trung Quốc và ASEAN đang tìm kiếm khả năng tiến hành một cuộc tập trận chung trên biển vào năm tới. The Straits Times cho biết thêm, Trung Quốc đã lên ý tưởng này vào năm ngoái, tại Cuộc họp không chính thức các Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc – ASEAN tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào. Ông cũng cho biết Trung Quốc đã sẵn sàng lên kế hoạch thiết lập đường dây liên lạc quốc phòng giữa Trung Quốc và ASEAN. Cũng tại Phiên thảo luận, khi được hỏi về khả năng một chương trong Hiến chương ASEAN có thể giải quyết tranh chấp lãnh thổ, ông Chu tỏ ra bức xúc nói rằng “không công bằng khi các bên nhấn mạnh tranh chấp giữa Trung Quốc và một vài nước ASEAN vì những tranh chấp này có thể xảy ra giữa các nước ASEAN với nhau”. Phải đối phó với khá nhiều thông tin cho rằng Trung Quốc đang làm bất ổn tình hình bằng những hành động đơn phương, ông Chu vẫn một mực cho rằng tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông “về tổng thể vẫn ổn định”, và “không có một nguy cơ hữu hình nào về một cuộc xung đột trên biển” ở Châu Á – Thái Bình Dương. Mặt khác, nhằm “bóng gió” khiêu khích và đổ thừa cho Mỹ và các nước đồng minh về sự hiện diện của các nước này ở khu vực, ông Chu Ba lại lớn tiếng cáo buộc “một số quốc gia đã viện cớ tự do hàng hải để gây ra những vụ đụng độ trên biển và trên không ở vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia”, cho rằng “quá là lố bịch khi biến tự do hàng hải thành một vấn đề và áp đặt cách suy nghĩ một chiều về khái niệm này lên những người khác”, qua đó đe doạ các bên “không bè phái, không tiến hành các cuộc tuần tra chung ở các vùng biển nhạy cảm, gây leo thang căng thẳng ở Biển Đông”. Khi được hỏi về việc “quân sự hoá” ở Biển Đông,  nơi Trung Quốc đang tiến hành bồi đắp và lắp đặt các công trình quân sự, ông Chu ngang nhiên đáp trả “Trung Quốc chỉ đang mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ của mình” dựa trên cái gọi là “quyền lợi chính đáng” và một mực phủ nhận hành động quyết đoán bấy lâu của họ ở khu vực không phải là quân sự hoá, mặt khác vô cớ cáo buộc việc Mỹ đưa tàu qua các khu vực mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép mới là “quân sự hoá”.

Trung Quốc lớn tiếng phản đối các phát biểu của quan chức quốc phòng Mỹ và Nhật Bản về vấn đề Biển Đông và Đài Loan

Tân Hoa xã đưa tin, ngày 4/6, tại cuộc họp báo thường kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh đã lớn tiếng bày tỏ sự “không hài lòng” và “cực lực phản đối” của Trung Quốc đối với các phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada về vấn đề Biển Đông và Đài Loan tại Đối thoại Shangri-La. Đồng thời, bà Hoa cũng không quên nhắc lại những luận điệu sai trái về cái họi là “chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa và các vùng nước kế cận” để nguỵ biện cho các “hoạt động xây dựng ở Trường Sa là nhằm củng cố các điều kiện làm việc và sinh sống của các nhân viên trong khi vẫn đảm bảo thực hiện đúng các nghĩa vụ quốc tế”, cho rằng đó là “quyền tự vệ của quốc gia có chủ quyền” và phủ nhận hoàn toàn những cáo buộc nói rằng nước này “quân sự hoá”.

Các nước đồng minh toàn cầu kêu gọi Mỹ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông

Ngày 4/6, Defense News đưa tin, các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh về an ninh Châu Á – Đối thoại Shangri-la đã kêu gọi Hải quân Mỹ tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Úc và Nhật Bản đã lên tiếng ủng hộ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về việc quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tại các khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép và khẳng định “quyết tâm của nước Mỹ nhằm hiện diện tại Biển Đông và các khu vực khác”, cũng như quyết tâm “bảo vệ lợi ích của Mỹ và các quyền tự do mà luật quốc tế phản ánh”. Bà Tomomi Inada, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với các hoạt động tự do hàng hải mà Hải quân Mỹ thực hiện ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh sự lo ngại trước tình hình căng thẳng leo thang trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, dù không đề cập cụ thể đến quốc gia nào mà chỉ nói đến “việc xây dựng các tiền đồn ở Biển Đông và sử dụng chúng vào mục đích quân sự”. Bà Marise Payne, Bộ trưởng Quốc phòng Úc cũng cho hay “Úc sẽ tiếp tục ủng hộ quyền của các quốc gia khác trong việc thực hiện các quyền tự do này” và “các tàu và máy bay quân sự của Úc sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông như đã thực hiện trong nhiều năm nay, phù hợp với quyền tự do hàng hải và hàng không”.

Bên cạnh đó, cả Bộ trưởng Mattis và Inada đều đã khẳng định rằng Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 giữa Philippines và Trung Quốc có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Ba Bộ trưởng đã lên tiếng kêu gọi các bên tranh chấp tuân thủ Phán quyết và sử dụng Phán quyết làm điểm khởi đầu để giải quyết tranh chấp Biển Đông, bất chấp Trung Quốc đã ngang ngược không tham gia vào tiến trình vụ kiện và bác bỏ Phán quyết này

Không chỉ các Bộ trưởng đồng nhất kêu gọi tiếp tục Mỹ tiến hành các cuộc tuần tra, Nghiên cứu viên cấp cao Đối thoại Shangri-La William Choong cũng cho rằng “Mỹ cần thực thi các quyền tự do trên biển” bởi Mỹ đã trì hoãn tới 7 tháng không tiến hành tuần tra tự do hàng hải cho đến khi tàu khu trục USS Dewey trong phạm vi 12 hải lý của Đá Vành Khăn thuộc Trường Sa.

Bắc Kinh lớn tiếng vu cáo Mỹ và Nhật Bản có “động cơ mờ ám” khi bình luận về các tranh chấp trên biển

Ngày 5/6, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh một mặt hết sức ca tụng “những nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng của Trung Quốc và đã đạt được đồng thuận với Philippines nhằm giải quyết thoả đáng hậu quả Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông”, mặt khác lại ngang nhiên cáo buộc Mỹ và Nhật Bản đã có “những động cơ mờ ám” khi đưa ra những bình luận ngày 3/6 về các tranh chấp biển tại Hội nghị Đối thoại Shangri-la về an ninh Châu Á. Bà này không ngại đưa ra những luận điệu vô căn cứ để chỉ trích “một số quốc gia ngoài khu vực đang quyết tâm đi ngược lại xu hướng và thường xuyên có những bài phát biểu không ra gì về các tranh chấp Biển Đông, họ bỏ qua thực tế, gây “nhiễu” sự thật, giả dối và có những động cơ mờ ám”. Viện vào những luận điệu này, bà Hoa tiếp tục công kích và lớn tiếng đòi hỏi các quốc gia “chấm dứt các phát biểu vô trách nhiệm, đồng thời tôn trọng những nỗ lực mà “các quốc gia trong khu vực” đang có để duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông”.

RELATED ARTICLES

Tin mới