Saturday, November 9, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBinh sĩ Triều Tiên đào ngũ vì đói và suy dinh dưỡng,...

Binh sĩ Triều Tiên đào ngũ vì đói và suy dinh dưỡng, tiền thì rót vào hạt nhân

Khi chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên tiến triển thì một bộ phận binh sĩ bắt đầu đào tẩu vì tình trạng thiếu lương thực – theo tạp chí Nikkei Asian Review (Nhật Bản).

Các quân nhân Triều Tiên diễu binh tại lễ kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố lãnh tụ Kim Nhật Thành tại thủ đô Bình Nhưỡng, ngày 15/4/2017 (Ảnh: AP Photo/Wong Maye-E)

Nikkei cho biết, ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp binh sĩ Triều Tiên đào ngũ và vượt qua khu Phi Quân sự (DMZ) sang Hàn Quốc, cho thấy một sự rạn vỡ trong quân đội Triều Tiên.

Hiện tại, khoảng 30 nghìn người Triều Tiên vượt biên đang sống ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, các trường hợp binh sĩ đào tẩu “khác với những trường hợp đào tẩu thông thường”.

Việc các binh sĩ đào tẩu sang lãnh thổ bên kia chiến tuyến đã đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với Triều Tiên. Theo Nikkei, tình trạng này cho thấy sự xuống cấp về tinh thần của các binh lính, và là dấu hiệu quân đội Triều Tiên có vẻ không “bất khả chiến bại” như thể hiện.

Lý do của việc đào tẩu

Vào ngày 13/6 vừa qua, một binh sĩ Triều Tiên đã đào tẩu sang Hàn Quốc. Ngày 23/6, lại có thêm một binh sĩ Triều Tiên nữa được phát hiện khi đang tìm đường trốn sang Hàn Quốc. Theo truyền thông Hàn Quốc, cả hai binh sĩ này đều khoảng 20 tuổi và bị suy dinh dưỡng.

Lần cuối cùng một binh sĩ Triều Tiên bị phát hiện khi đào tẩu là vào tháng 6/2016. Những người lính này cho biết, họ đã đào tẩu vì nghe nói rằng khi sang đến Hàn Quốc, họ sẽ được nhận tiền bằng USD.

Nikkei dẫn lời một người Triều Tiên đào tẩu cho biết, việc sang Trung Quốc cũng có thể khả thi trong thời gian này nếu người bỏ trốn có tiền và chịu chi ra khoảng 6.000-7.000 USD. Thậm chí có không ít những “người đào tẩu liên tục”. Họ qua lại Triều Tiên và Trung Quốc/Hàn Quốc thường xuyên để kiếm ngoại tệ.

Ở thượng nguồn dòng sông Tumen phân cách Trung Quốc và Triều Tiên, có những đoạn sông chỉ rộng chưa tới 10 mét, và những người dân Triều Tiên có thể đi bộ vượt sông đóng băng khi mùa đông đến. 

Theo một người dân sống bên bờ sông phía Trung Quốc, rất nhiều người Triều Tiên thường qua sông khi màn đêm buông xuống. Họ sang Trung Quốc kiếm thức ăn và trở về nhà ngay trong đêm.

Tuy nhiên, đối với những người lính Triều Tiên muốn vượt qua DMZ vào Hàn Quốc, việc đào tẩu không dễ dàng như vượt qua một dòng sông, bởi theo Nikkei, trong những năm gần đây lượng lớn mìn đã được nhà chức trách Triều Tiên chôn tại khu DMZ, làm nản lòng những binh sĩ có ý định đào ngũ.

Thêm vào đó, việc tuyên truyền giáo dục chống lại ý muốn đào tẩu sang Hàn Quốc cũng được thực hiện liên tục đối với binh sĩ.

Đằng sau bức màn bí ẩn

Nikkei cho hay, từng có thời kỳ quân nhân là đối tượng kết hôn lý tưởng đối với các cô gái Triều Tiên vì họ được hưởng khẩu phần lương thực rất phong phú.

Tuy nhiên, chế độ phân phối như vậy đã không còn khả thi. Triều Tiên duy trì chế độ phân phối đảm bảo cho các quân nhân, nhưng người dân bình thường thì hầu như không còn được “phân phối” lương thực nữa. Họ phải tự tìm nguồn cung từ các “chợ đen” (jangmadang).

Theo lời các nguồn tin của Nikkei, những khu “chợ đen” này mới đầu chỉ trao đổi mua bán các nông sản, dần dần nó đã trở thành nơi cung cấp hầu như tất cả các mặt hàng tiêu dùng khác – chủ yếu là các sản phẩm từ Trung Quốc. Trên khắp Triều Tiên hiện có khoảng 400 chợ như vậy, thường rất đông đúc, phục vụ tất cả mọi sản phẩm, miễn là các khách hàng có tiền để mua.

Những thương nhân kiểm soát nguồn cung hàng hóa và giá cả đang nổi lên trở thành tầng lớp giàu có ở Triều Tiên. 

Chính phủ Triều Tiên từng nỗ lực kiểm soát các chợ tự phát nhưng không thành công, và hiện giờ người ta ngầm định là các chợ này được phép hoạt động. 

Trong khi Triều Tiên đổ rất nhiều tiền của vào các chương trình hạt nhân và tên lửa, thì vẫn còn có các binh sĩ thiếu lương thực và suy dinh dưỡng đến nỗi sẵn sàng đánh đổi tính mạng để đi tìm cuộc sống mới bên kia chiến tuyến.

Theo báo cáo Chi tiêu quân sự và chuyển nhượng vũ khí thế giới năm 2015 do Bộ ngoại giao Mỹ công bố, Triều Tiên đã chi gần 1/4 trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giai đoạn 2002-2012 cho các hạng mục quân sự, đưa nước này thành một trong những quốc gia chi ngân sách quốc phòng mạnh tay nhất trên thế giới.

Báo cáo cho hay, Bình Nhưỡng rót khoảng 4 tỉ USD mỗi năm cho chi phí quốc phòng trong giai đoạn này, chiếm khoảng 23.8% GDP trung bình cả thời kỳ.

Quân đội Triều Tiên vẫn thu gom nông sản từ người dân và tự sản xuất một phần lương thực, nhưng chế độ phân phối hiện chỉ bảo đảm cho những sĩ quan cấp cao. Những người lính bình thường, vốn đã được huy động tham gia sản xuất nông nghiệp và xây dựng, không có nhiều cơ hội để giải quyết vấn đề thiếu lương thực của mình. 

Thêm vào đó, quân đội Hàn Quốc tại DMZ lại thường xuyên phát thanh qua hệ thống loa những nội dung tuyên truyền chống lại ban lãnh đạo Triều Tiên. Tất cả góp phần làm gia tăng số lượng các binh sĩ Triều Tiên không ngại vượt qua hệ thống mìn nguy hiểm để đào ngũ.

Nikkei nhận định, những điều trên đã thể hiện nghịch lý tiềm ẩn trong xã hội Triều Tiên. Bình Nhưỡng đang đẩy mạnh phục hồi kinh tế, nhưng có vẻ như chỉ một tỷ lệ thiểu số người dân được hưởng lợi.

RELATED ARTICLES

Tin mới