Sunday, December 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChiến tranh Trung Quốc - Ấn Độ xảy ra thật hay chỉ...

Chiến tranh Trung Quốc – Ấn Độ xảy ra thật hay chỉ trên báo?

Căng thẳng âm ỉ bấy lâu nay giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nhất là ở vùng biên giới trên bộ, đứng trước nguy cơ bùng phát thành chiến tranh tổng lực.

Tờ Thời báo Hoàn cầu – một tờ báo chính thống của Trung Quốc, mới đây đã lên tiếng tố cáo quân đội Ấn Độ đã vượt qua vùng biên giới tranh chấp giữa 2 nước.

Trung Quốc sẵn sàng giao chiến ở biên giới với Ấn Độ

Hôm 18/7, tờ báo nói trên lại đăng bình luận, trong đó họ khẳng định, một mặt Trung Quốc cố gắng kiềm chế, nhưng mặt khác nước này sẵn sàng giao chiến với Ấn Độ để giành lại vùng đất mà Trung Quốc coi là của riêng họ.

Bài báo này nâng tầm xung đột lên mức là một cuộc cạnh tranh ảnh hưởng kinh tế và chính trị giữa hai cường quốc hàng đầu châu Á và cho biết, Bắc Kinh sẽ tập trung binh sĩ và vũ khí tại vùng biên để sẵn sàng cho một cuộc chiến tổng lực.

Bình luận của Thời báo Hoàn cầu có đoạn: “Trung Quốc không công nhận vùng đất nằm dưới sự kiểm soát thực tế của Ấn Độ là lãnh thổ Ấn Độ. Đàm phán song phương về biên giới vẫn đang diễn ra, nhưng không khí tại các cuộc đàm phán đã bị Ấn Độ đầu độc”.

Tờ báo viết tiếp: “Trung Quốc cố gắng tránh đụng độ quân sự với Ấn Độ nhưng Trung Quốc không sợ bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền và sẵn sàng cho cuộc đối đầu dài hạn”.

Trong khi đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục chỉ trích quân đội Ấn Độ. Phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ này nói rằng ông bị “sốc” trước hành động của Ấn Độ, và ông hối thúc New Delhi “có biện pháp khẩn trương rút nhân viên về phía lãnh thổ Ấn Độ để tránh leo thang căng thẳng”.

Cuộc đối đầu biên giới mới đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ được coi là nghiêm trọng nhất kể từ trận chiến biên giới đẫm máu giữa 2 nước vào năm 1962 khiến 2.000 người thiệt mạng, trong đó đa phần là binh sĩ Ấn Độ. Sau trận chiến này, biên giới Trung Quốc được mở rộng thêm một chút.

Ngoài trận chiến 1962, hai nước suýt nổ ra một cuộc chiến biên giới nữa vào năm 1987.

Căng thẳng giữa 2 nước lại gia tăng cao độ vào ngày 16/6/2017, khi Trung Quốc tố cáo binh sĩ Ấn Độ vượt qua một ranh giới được nhất trí chung giữa 2 nước, chia tách vùng Tây Tạng ở viễn Tây Trung Quốc với bang Sikkim ở viễn Đông Ấn Độ mà mãi đến năm 2003 Trung Quốc mới công nhận thuộc về Ấn Độ.

Về phía Trung Quốc, gần đây đã  có những động thái quân sự khiến giới quan sát lo ngại là có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Quân đội Trung Quốc đã tiến hành một loạt cuộc tập trận ở Tây Tạng với các nội dung huấn luyện xe tăng, bắn súng cối, và phóng tên lửa cách không xa nơi đồn trú của binh sĩ Ấn Độ.

Theo truyền thông Trung Quốc, một lữ đoàn Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở Tây Tạng, tập trung vào nâng cao “khả năng điều chuyển quân nhanh”.

Xe tăng chiến đấu kiểu 96 hiện đại nhất của quân đội Trung Quốc xuất hiện trong một đoạn video do truyền hình trung ương Trung Quốc công bố. Ngoài ra trong video này còn có cảnh lựu pháo, súng chống tăng tác xạ, và các đơn vị radar nhận diện máy bay địch.

chien tranh bien gioi trung quoc an do lieu xay ra that hay chi tren bao hinh 3
Tàu ngầm của hải quân Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Cuộc đối đầu mới này diễn ra ở ngã ba Sikkim-Tây Tạng-Bhutan, nơi Trung Quốc đang xây dựng đường sá.

Sau các động thái quân sự mới đây ở vùng biên giới giữa hai nước, một số cơ quan truyền thông ở Pakistan đã tung tin về mối thâm thù giữa Ấn Độ và Trung Quốc và về chuyện rocket Trung Quốc khiến lính Ấn Độ tử vong, nhiều lính Ấn Độ khác bị thương.

Tuy nhiên báo chí chính thống ở Bắc Kinh đã nhanh chóng bác bỏ các báo cáo này và tuyên bố rằng các tin tức đó là “vô căn cứ”. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng khẳng định rằng các tin tức đó là xấu xa và vô trách nhiệm.

Tham vọng giành ảnh hưởng ở vùng Nam Á-Ấn Độ Dương

Từ lâu Trung Quốc muốn xâm nhập vào khu vực Nam Á-Ấn Độ Dương. Nhưng khu vực này trước đây khó tiếp cận đối với Trung Quốc, do khoảng cách địa lý lớn và yếu tố địa hình hiểm trở ở cao nguyên Tây Tạng. Cuối thập niên 1970, tiềm lực kinh tế và trình độ công nghệ còn thấp của Trung Quốc cũng cản trở các tham vọng của họ. Trong khi đó, sức mạnh khủng của hai siêu cường Liên Xô và Mỹ về cả quân sự và kinh tế lại càng hạn chế sự hiện diện của Trung Quốc tại đây.

Nhưng bây giờ tình hình đã khác. Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và có điều kiện để giành ưu thế ở khu vực Nam Á-Ấn Độ Dương đang có vị thế ngày càng quan trọng trên trường quốc tế. Việc chiếm ưu thế ở khu vực này sẽ tạo cơ sở quan trọng cho Trung Quốc đuổi kịp Mỹ trong cuộc cạnh tranh vị trí cường quốc toàn cầu số 1.

Thế địa chính trị trên lục địa Á-Âu đang thay đổi với sáng kiến “Vành đai và Con đường” (được hiện thực hóa qua năng lực công nghệ và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc) cũng như sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc hải quân lớn ở Ấn Độ Dương. Hải quân Trung Quốc vốn được xây dựng theo hướng giành chiến thắng trong cuộc chiến “chống tiếp cận” với Mỹ ở khu vực Đài Loan. Kể từ năm 2008, Ấn Độ Dương đã trở thành một địa bàn hoạt động chính của hải quân Trung Quốc.

Sức mạnh hải quân của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương vừa tận dụng, vừa bổ sung cho sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Năm 1985 các chiến hạm Trung Quốc lần đầu đi vào Ấn Độ Dương. Trong 24 năm tiếp theo, các hải đội tàu chiến Trung Quốc ghé thăm các hải cảng ở Ấn Độ Dương cứ vài năm một lần.

Trung Quốc kết thân với Pakistan – một nước láng giềng và đối thủ của Ấn Độ. Trung Quốc rất nhiệt tình giúp đỡ Pakistan xây dựng công nghiệp quốc phòng, phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, hỗ trợ kinh tế Pakistan thông qua Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan. Trung Quốc cũng chuyển giao cho Pakistan nhiều vũ khí chống hạm uy lực của mình.

Về phía Ấn Độ, sau khi giành độc lập vào năm 1947, nước này theo đuổi chính sách loại trừ các thế lực thù nghịch ra khỏi khu vực Nam Á-Ấn Độ Dương. Ấn Độ dành một số ngoại lệ hạn chế cho Liên Xô vào thập niên 1970 và Mỹ vào thập niên 2000, nhưng chưa bao giờ họ dành điều tương tự cho Trung Quốc cả.

Trong vụ việc mới nhất ở vùng biên giới giữa 2 nước, New Delhi đã tố cáo Bắc Kinh làm tổn hại an ninh Ấn Độ và nước láng giềng Bhutan bằng việc mở rộng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc sát tới biên giới.

Ấn Độ cảnh giác với gần như mọi thứ từ Trung Quốc, bao gồm cả sáng kiến “Vành đai và Con đường”, hoạt động quân sự của Trung Quốc ở biên giới trên bộ với Ấn Độ, hoạt động của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, và tham vọng Trung Quốc ở Biển Đông.

Tất nhiên Ấn Độ không chỉ lo ngại trong lòng. Họ đã có nhiều bước đi cụ thể để tăng cường sức mạnh quốc phòng của mình (với việc thử nghiệm nhiều loại vũ khí chiến lược) cũng như liên kết với nhiều quốc gia khác để ứng phó với thế trận của Trung Quốc

RELATED ARTICLES

Tin mới