Friday, May 3, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Trump không “hạnh phúc” ký luật trừng phạt Nga

Ông Trump không “hạnh phúc” ký luật trừng phạt Nga

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết cả ông và Tổng thống Trump đều không “hạnh phúc” với các lệnh trừng phạt mới chống lại Nga.

Nga hết hi vọng

Truyền thông Mỹ ngày 2/8 dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump đã hạ bút ký dự luật tăng cường trừng phạt Nga, Iran và Triều Tiên. Dự luật này đã được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua với số phiếu gần như tuyệt đối hồi tuần trước.

Cố vấn cao cấp của Tổng thống Trump, bà Kellyanne Conway cũng xác nhận thông tin trên với hãng tin Fox News thông tin Tổng thống Trump đã ký ban hành dự luật trên trong phòng kín, không có sự xuất hiện của báo giới.

Hôm 1/8, trả lời báo chí, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết cả ông và Tổng thống Trump đều không “hạnh phúc” với các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ ảnh hưởng tới các nỗ lực khôi phục quan hệ Nga-Mỹ.

Ngày 2/8, trước khi có thông tin Tổng thống Trump ký ban hành luật trừng phạt Nga, ông Tillerson cho biết các quan hệ song phương Nga-Mỹ đang ở mức thấp lịch sử và có thể còn xuống thấp hơn nữa.

Phát biểu với báo giới, ông cho biết: “Như tôi đã từng đề cập trong chuyến công du đầu tiên tới Moscow tại các cuộc gặp ở điện Kremlin với Tổng thống Nga Vladimir Putin, sau các cuộc gặp này, mối quan hệ đã ở mức thấp lịch sử kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, và còn có thể tồi tệ hơn”.

Ong Trump khong “hanh phuc” ky luat trung phat Nga
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cho biết thêm: “Câu hỏi đặt ra là liệu mối quan hệ này đang tồi tệ đi hay chúng ta có thể duy trì mối quan hệ ở cấp độ ổn định nào đó, và tiếp tục tìm cách giải quyết các lĩnh vực mà cả hai cùng quan tâm cũng như những bất đồng mà không biến chúng thành những xung đột mở”.

Ông Tillerson đề cập tới cuộc chiến chống khủng bố như “một lĩnh vực cả hai cùng quan tâm”. Ông nói: “Chúng tôi lựa chọn chiến trường Syria làm nơi thử thách khả năng phối hợp. Chúng tôi cùng chia sẻ quan điểm coi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) là mối đe dọa chung cho cả hai nước. Do đó, chúng tôi cam kết đánh bại nhóm khủng bố này cũng như các tổ chức khủng bố khác”.

Đề cập tới cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk, cho rằng vấn đề này liên quan trực tiếp tới việc hạ nhiệt căng thẳng, và cuối cùng là dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Moscow

Tuần trước, cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trừng phạt trên bất chấp việc Tổng thống Trump phản đối dự luật này. Đây được xem là dự luật về chính sách đối ngoại lớn đầu tiên được Quốc hội Mỹ phê chuẩn dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Ong Trump khong “hanh phuc” ky luat trung phat Nga
Quan hệ Nga-Mỹ sẽ xuống thấp tới mức nào?

Dự luật trên đã làm bùng phát căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ. Moscow sau đó đã yêu cầu Washington cắt giảm số nhân viên các cơ quan ngoại giao và lãnh sự của Mỹ tại Nga từ ngày 1/9 tới xuống còn 455 người.

Ngoài ra, Nga cũng thông báo tạm dừng cho phép Đại sứ quán Mỹ ở Nga sử dụng biệt thự ở khu Serebryannyi Bor và các khu nhà kho tại phố Doroznaya ở thủ đô Moscow từ ngày 1/8.

Washington tuyên bố đang đánh giá các hậu quả và xem xét các biện pháp nhằm đáp trả quyết định của Moscow.

Lệnh trừng phạt mới nhắm tới các dự án dầu khí của Nga với các công ty ở Mỹ, Đức và một số nước khác, do đó đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước châu Âu, cho rằng việc này có thể gây phương hại tới các hoạt động thương mại và các công ty châu Âu tham gia dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt Nga qua khu vực Baltic tới các nước Trung Âu.

Cùng ngày 2/8, 4 nước Đông Âu bao gồm Montenegro, Albania, Na Uy và Ukraine đã gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga đến ngày 31/1/2018. Trước đó, hồi tháng 6, Liên minh châu Âu (EU) cũng gia hạn biện pháp trừng phạt của mình thêm 6 tháng, đến ngày 31/1/2018.

Theo tuyên bố của Đại diện cấp cao của về chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini, 4 nước này đã tham gia cùng với quyết định của EU và EU ghi nhận và hoan nghênh quyết định đó.

EU hoan nghênh 4 nước Đông Âu trừng phạt Nga nhưng chỉ trích các biện pháp mới của Mỹ chứng tỏ việc áp dụng tiêu chuẩn kép?

Trong 4 nước này, Montenegro và Albania là thành viên EU, Na Uy là thành viên Hiệp hội thương mại tự do châu Âu và Ukraine là nước có quan hệ ở mức căng thẳng với Nga.

Chính sách trừng phạt của EU bao gồm 3 định hướng độc lập với nhau: hạn chế thị thực đối với công dân Nga (có hiệu lực đến tháng 9/2017); biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại hàng loạt các công ty nhà nước Nga trong lĩnh vực dầu mỏ, quốc phòng và tài chính (được gia hạn đến 31/1/2018); và biện pháp trừng phạt liên quan đến Crimea (có hiệu lực đến ngày 23/6/2018).

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định này của EU và đánh giá rằng “chính trị đang lấn át kinh tế”, ông cam kết sẽ có biện pháp đáp trả thích hợp từ phía Nga.

Bất chấp các lệnh trừng phạt Nga, cuộc chiến ở miền Đông Ukraine vẫn tiếp diễn

Một quốc gia khác ở sườn phía Tây của Nga là Moldova cùng ngày đã “xát thêm muối” vào nỗi đau của Moscow khi tuyên bố Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin là nhân vật không được chào đón tại nước này.

Quyết định được Hội đồng Bộ trưởng Moldova phê chuẩn theo đề nghị của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hội nhập châu Âu Andrey Galbura. Phát biểu tại cuộc họp, ông Galbura nói: “Tôi đề nghị tuyên bố Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin là nhân vật không được chào đón và cấm ông này vào lãnh thổ nước ta”.

Hôm 28/7, với lý do có “nhân vật bị án phạt” trên máy bay nên chính quyền Romania đã không cho phép máy bay S7 chở 165 hành khách trong đó có đoàn đại biểu do Phó Thủ tướng Nga Rogozin dẫn đầu từ Moscow đi Chisinau (Moldova) bay qua không phận của mình.

Đoàn đại biểu của ông Rogozin đã buộc phải xuống sân bay phụ tại Minsk. Sau đó, Moscow đã gửi công hàm phản đối mạnh mẽ đến Bucharest.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) và Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic

Tiếp đà làm gia tăng căng thẳng giữa Nga với các nước trong khu vực, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng trong ngày 2/8 cáo buộc Nga có âm mưu tấn công Quốc hội Montenegro và ám sát Thủ tướng Dusko Markovic, nhằm ngăn cản chính quyền Podgorica gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm Hiến chương Adriatic, ông Pence nhấn mạnh: “Nga tiếp tục tìm cách dùng vũ lực để vẽ lại đường biên giới quốc tế. Tại vùng phía Tây Balkan này, Nga đang nỗ lực gây bất ổn tình hình, hủy hoại nền dân chủ, gây chia rẽ giữa các nước trong khu vực và cô lập họ khỏi phần còn lại của châu Âu”.

Phó Tổng thống Mỹ cho rằng: “Ý đồ của Nga ngày càng trở nên rõ rệt trong những năm qua, khi mà Moscow hậu thuẫn các điệp viên, tìm cách phá hoại cuộc bầu cử tại Montenegro, tấn công Quốc hội thậm chí là âm mưu ám sát Thủ tướng của các bạn, nhằm ngăn cản Montenegro gia nhập NATO”.

Ông Pence khẳng định Mỹ sẽ quyết tâm buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho những hành động gây hấn tại Montenegro, đồng thời kêu gọi EU ủng hộ lập trường của Washington.

RELATED ARTICLES

Tin mới