Theo giới phân tích, “Trung Quốc không phải xây đường ở Doklam mà nước này đã dựng lên một cái bẫy ngoại giao cho Ấn Độ”.
Quân đội Trung Quốc duyệt binh. Ảnh: Xinhua
Thảo luận về cuộc đối đầu Trung-Ấn đang diễn ra ở cao nguyên Doklam, dư luận thường cho rằng nguyên nhân xuất phát từ việc Trung Quốc xây đường ở khu vực này. Tuy nhiên, giới quan sát gần đây chỉ ra, cuộc xung đột thực tế còn mang ý nghĩa chính trị khác.
Ngày 21/8, Asia Times (Hồng Kông) nhận định, nguyên nhân dẫn đến đối đầu Doklam thực ra không bắt nguồn từ việc Bắc Kinh sửa đường ở biên giới tranh chấp mà là một nước cờ chính trị Trung Quốc dự tính từ trước.
Trung Quốc muốn tác động đến quan hệ giữa Buhtan và đồng minh thân thiết của nước này là Ấn Độ, trong khi phản ứng của New Delhi hiện tại chính là điều Bắc Kinh mong muốn.
“Ấn Độ dường như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự đưa mình vào “cái bẫy ngoại giao” của Bắc Kinh. Sự can thiệp của New Delhi vào tranh chấp biên giới Trung Quốc – Bhutan khiến Ấn Độ giống như rất hiếu chiến và sự hiện diện của quân đội Ấn Độ cũng trở thành vấn đề chính trị nhạy cảm của Bhutan”, báo Hồng Kông bình luận.
Tờ này chỉ ra, bất cứ ý định mở rộng hành lang khu vực Doklam giúp Bắc Kinh có nhiều không gian ở biên giới tranh chấp đều sẽ trở thành mối đe dọa an ninh với Ấn Độ.
Trong khi đó, kim ngạch giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và Buhtan rất nhỏ, thương nhân Buhtan thường mang thảo mộc sang Trung Quốc, đổi lấy các thiết bị điện tử và đồ may mặc nên Trung Quốc xây đường ở Doklam dường như không phải để phát triển thương mại song phương, đặc biệt, Bắc Kinh-Thimphu vẫn tồn tại tranh chấp tại 4 khu vực biên giới.
“Trong những năm gần đây, Trung Quốc dần tiếp cận Bhutan – nước láng giềng duy nhất chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Giới phân tích đánh giá, sự tiếp cận này có thể thiết lập lại vị thế chủ đạo của Ấn Độ trên dãy Himalaya”, Asia Times viết.
Đáng chú ý, Sputnik (Nga) cũng cho rằng, Trung Quốc đã dựng lên một “cái bẫy ngoại giao” với Ấn Độ. Báo Nga nhận định, Trung Quốc bất ngờ sửa đường ở Donglang/Doklam là một hành động khiêu khích rõ ràng nhưng sự khiêu khích này là không cần thiết.
Sputnik nhận định, việc Ấn Độ đưa quân đội tới khu vực tranh chấp – khu vực New Delhi thừa nhận thuộc chủ quyền Bhutan – để giúp đồng minh vô hình trung đã mang lại bất lợi cho chính chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi.
“Quân đội Ấn Độ đang hiện diện ở khu vực ngoài lãnh thổ Ấn Độ, điều đó đồng nghĩa với việc New Delhi có thể đang ở lãnh thổ thuộc Bhutan hoặc Trung Quốc – tùy thuộc vào kết quả tranh chấp cuối cùng được giải quyết như thế nào. Nhưng kết quả ra sao cũng đều bất lợi cho Ấn Độ. Điều này dẫn đến sự suy đoán rằng, Trung Quốc cố tình khiêu khích Ấn Độ ở cao nguyên Doklam nhằm li gián New Delhi-Thimphu”, Sputnik viết.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 2/8 chỉ trích, “tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Bhutan là vấn đề giữa hai nước và không liên quan gì đến Ấn Độ. Ấn Độ không có quyền chủ trương tuyên bố lãnh thổ thay Bhutan. Ấn Độ không chỉ xâm phạm lãnh thổ của Trung Quốc mà còn thách thức chủ quyền và độc lập của Bhutan”.
Theo Sputnik, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dường như đã tiết lộ chiến lược lớn của Bắc Kinh – tách các đồng minh trong khu vực của Ấn Độ với New Delhi. Do đó, vốn bị kẹp giữa New Delhi và Bắc Kinh, các nước Nam Á chắc chắn sẽ lựa chọn nghiêng về nước giàu có, lớn mạnh hơn.
Tờ này chỉ ra, dường như New Delhi nhận thức được rằng họ đã bị đưa vào một cái bẫy. Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Rajnath Singh ngày 21/8 phát biểu: “Vấn đề Doklam sẽ rất nhanh có phương án giải quyết… Ấn Độ mong muốn hòa bình, không muốn xảy ra bất cứ xung đột nào”.
Tuy nhiên, trước mong muốn hòa giải của New Delhi, Thời báo Hoàn cầu – phụ bản báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo ngày 22/8 vẫn khẳng định rằng, Ấn Độ rút quân mới là điều kiện quan trọng để hạ nhiệt căng thẳng biên giới.