Sunday, December 22, 2024
Trang chủĐàm luậnVì sao TQ liên tục tập trận trên đất liền và trên...

Vì sao TQ liên tục tập trận trên đất liền và trên biển?

Mặc dù Việt Nam tuyên bố có toàn quyền trong vùng biển của mình, nhưng trong thực tế thì một công ty con của tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol được giao thăm dò dầu khí đã buộc phải dừng lại, cho tàu khoan rút khỏi vùng khai thác và trở lại Malaysia hôm 14/08/2017. Theo các nhà phân tích chính trị, tuy Việt Nam không có phát ngôn chính thức nói gì về sự kiện này, nhưng rõ ràng Hà Nội đã phải lùi bước trước sức ép quá mạnh của Bắc Kinh, nhất là khi họ đe dọa dùng võ lực.

Trong gần hai tháng qua, báo giới quốc tế đã bình luận rất nhiều về căng thẳng Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, với sự kiện Bắc Kinh liên tục đe dọa tấn công các cơ sở kinh tế, quốc phòng của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.

Khả năng Bắc Kinh dùng vũ lực đối với Việt Nam đã được trang blog Pháp East Pendulum chuyên về Trung Quốc nói tới trong một bài phân tích về một tháng tập trận rầm rộ của Trung Quốc trong tháng 8/2017 ở gần biên giới trên bộ với Việt Nam. Bài viết đăng ngày 22/08/2017 mang tựa đề: “Sắp tròn một tháng tập trận đổ bộ ngay trước cửa ngõ Việt Nam” ( Bientôt un mois d’exercice amphibie devant la porte du Vietnam). 

Bài viết này trước hết phân tích về thời gian và địa điểm của cuộc tập trận do lực lượng Thủy quân lục chiến Trung Quốc tiến hành. Cuộc tập trận diễn ra từ đầu tháng 8, ở khu vực phía bắc Vịnh Bắc Bộ, gần biên giới Trung-Việt, với một loạt bài tập đổ bộ, bắn đạn thật. Phân tích các thông báo từ phía Trung Quốc, quy định thời hạn mà một số khu vực trên biển được dành riêng cho quân đội nước này, cấm mọi tàu thuyền không phận sự qua lại, tác giả bài viết cho rằng, cuộc tập trận đổ bộ này bắt đầu vào ngày 01/8 và kéo dài đến ngày 23/8 vừa qua.

Theo quan sát, các vùng tập trận di chuyển từ từ về phía Tây, nghĩa là về hướng Việt Nam. Khởi đầu là khu vực đảo Tà Dương ở chếch về phía đông, gần bán đảo Lôi Châu, sau đó chuyển qua phía tây, vượt quá đảo Vi Châu, đến khu vực gần thành phố Bắc Hải ở Quảng Tây. Cuộc tập trận tiến xa hơn nữa về vùng biển ngoài khơi Phòng Thành Cảng, một huyện giáp giới với tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam, trước khi ngược đường trở lại khu vực phía đông.

Cho dù quân đội Trung Quốc không muốn tiết lộ vị trí chính xác của các cuộc tập trận, nhưng theo tính toán của East Pendulum, vùng diễn tập của Thủy quân lục chiến Trung Quốc có lúc chỉ cách bờ biển Việt Nam 50 cây số. Quân đội Trung Quốc đã triển khai những đơn vị phòng không, trọng pháo và xe thiết giáp, như loại súng cối PLZ-07B, xe tăng lội nước ZTD-05, và cả loại chiến xa lội nước của bộ binh ZBD-05. Rõ ràng đây là một “chiến dịch tập luyện đổ bộ” xoay quanh khoảng 30 đề mục khác nhau, trong đó có việc phá hủy tàu ngầm đối phương, tấn công đổ bộ, tấn công những mục tiêu trên biển và đất liền,v.v..

Ngoài lực lượng Thủy quân lục chiến và các đơn vị cơ giới bọc thép, Hải quân và Lục quân Trung Quốc có dấu hiệu cùng tham gia tập trận. Một lữ đoàn không quân của Lục quân Trung Quốc, thuộc Bộ tư lệnh Miền Đông, được đưa đến một chiếc tàu chở phương tiện đổ bộ trong một chiến dịch hỗn hợp. Người ta thấy loại trực thăng chiến đấu Z-10 xuất hiện bên cạnh chiếc 998 Côn Lôn Sơn (Kunlun Shan), chiếc tàu đổ bộ cực lớn đầu tiên của lớp 071, trực thuộc Hạm đội Nam Hải.

Cho đến khi diễn tập kết thúc người ta vẫn không rõ đó là một chiến dịch tập huấn bình thường như phóng sự trên Đài truyền hình Trung Quốc cho thấy, hay là đó là loạt tập trận có liên hệ đến việc Việt Nam thăm dò dầu khí ở Biển Đông với sự hợp tác của các tập đoàn nước ngoài.

Thật ra tư tưởng của nhà cầm quyền Trung Quốc “quan ngại ở đâu thì tập trận Hải quân ở đó” đã bộc lộ rõ từ lâu. Hết trên đất liền thì hướng ra biển Đông. Cuối tháng 8, đầu tháng 9/2017, Trung Quốc đã liên tục tổ chức những cuộc tập trận quy mô tại khu vực vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của báo chí thế giới. Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post có bài phân tích mang tựa đề “Trung Quốc đang lo ngại điều gì? Đáp án nằm ở nơi Trung Quốc tập trận hải quân”.

Tờ báo này cho rằng, nỗi lo của Trung Quốc được thấy rõ qua việc chuyển trọng tâm chú ý từ Biển Đông lên Hoàng Hải (vùng biển thuộc Thái Bình Dương nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc). Trung Quốc đã chuyển hướng thao diễn Hải quân từ vùng Biển Đông ở phía nam, lên vùng biển Hoàng Hải ở phía đông bắc, trong bối cảnh căng thẳng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự.

Hôm đầu tháng 9, ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano thông báo, Trung Quốc đảm bảo với Philippines sẽ không chiếm thêm vùng biển đảo mới nào nữa ở Biển Đông, theo một thỏa thuận giữ ‘nguyên trạng’mà Manila đã chuẩn bị. Tuy nhiên, ông này cảnh báo, “khu vực đông bắc đang gặp nguy hiểm sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng súng ống của quân đội Mỹ giờ đã “lên nòng” để dằn mặt Triều Tiên.

Chuyên gia về Hải quân Lý Kiệt (Li Jie) ở Bắc Kinh cho rằng, việc chuyển trọng tâm thao diễn từ Biển Đông lên Hoàng Hải là câu trả lời của Trung Quốc trước loạt tập trận chung tiến hành từ năm 2013 giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo ông Lý Kiệt: “Trung Quốc muốn cho Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc thấy sức mạnh hải quân của mình và cảnh báo đối thủ là đừng có gây hấn với Triều Tiên với nhiều đợt tập trận như vậy và không được phá vỡ hiệp định đình chiến của cuộc chiến tranh Triều Tiên”. Bắc Kinh cũng muốn nhắc nhở Hoa Kỳ là “không nên tổ chức tập trận quá gần Trung Quốc hay Triều Tiên.”

Tần số tập trận Mỹ, Nhật, Hàn ngoài khơi bán đảo Triều Tiên gia tăng theo nhịp độ thử tên lửa của Triều Tiên và từ khi ông Moon Jae In được bầu làm Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 5/2017.

Quân đội Mỹ và Hàn Quốc còn cho biết  là trong tháng 9 họ vẫn tiếp tục các cuộc tập trận ở quy mô lớn, trên biển, trên bộ và trên không. Bắc Kinh dĩ nhiên không thể để yên cho các nước này tiến hành những hành động quân sự kiểu này mà không phản ứng.

Vài điều phân tích trên đây cho thấy trước thềm Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh đang phải căng mình ra như căng bộ da của một con ếch trên mặt trống. Việc diễn tập quân sự của nước này không hẳn chỉ nhằm đe dọa Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới