Thursday, May 2, 2024
Trang chủĐàm luậnViệt – Trung nên “rút củi đáy nồi”

Việt – Trung nên “rút củi đáy nồi”

Tình hình ở biển Đông vẫn đang nóng lên từng giờ. Mặc dù Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc cũng đều “tỏ ra” nín nhịn và cố gắng giữ hòa khí, nhất là trên phương tiện thông tin đại chúng nhưng thực tế trên mặt biển thì lại không như vậy.

Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông

Việc Trung Quốc gây sức ép mạnh mẽ đối với Việt Nam để buộc Việt Nam không thăm dò dầu khí ở Lô 136-03, rồi tiếp theo là các cuộc tập trận rầm rộ ở cửa vịnh Bắc Bộ, ở khu vực quần đảo Hoàng Sa cách bờ biển Đà Nẵng chỉ 75 hải lý, là minh chứng rõ nhất cho một tư tưởng bá quyền nhất quán của Trung Quốc: “Trung Quốc có lợi ích cốt lõi ở biển Đông và sẽ bảo vệ lợi ích cốt lõi này”. Việt Nam bấy lâu nay cũng khẳng định quyền chủ quyền và quyền tài phán ở biển Đông trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Đó cũng là lợi ích cốt lõi của Việt Nam.

Từ xưa đến nay, khi đã nói về “lợi ích cốt lõi” thì để giải quyết mâu thuẫn này giữa các quốc gia chỉ có một cách đó là gây chiến tranh để giải quyết mâu thuẫn. Vậy điều gì sẽ xảy ra một khi Trung Quốc và Việt Nam xảy ra chiến tranh trên biển?

Xét về sức mạnh kinh tế, về tương quan lực lượng quân sự thì rõ ràng Trung Quốc có ưu thế hơn Việt Nam. Nhưng xét về địa lý và vị trí chiến lược thì Việt Nam lại có lợi thế hơn Trung Quốc. Nếu xảy ra cuộc chiến này thì chắc chắn cả hai bên sẽ thiệt hại cực kỳ nặng nề và hậu quả không thể lường được. Người xưa có câu: “Bò chết thì trâu cũng hết hơi”, Việt Nam có thể chịu thiệt hại nặng nề hơn về mặt kinh tế so với Trung Quốc nhưng Trung Quốc cũng phải trả một cái giá rất đắt về mặt quân sự.

Đây chắc chắn là điều mà lãnh đạo cấp cao hai nước đều không muốn. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang, biển Đông sẽ không bao giờ lặng sóng. Điều đó không chỉ xâm phạm chủ quyền Việt Nam mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao lưu hàng hải quốc tế và an ninh trên biển.

Cách đây hơn hai mươi năm, chính nhà lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân cũng đã từng nêu ra ý kiến với các nhà lãnh đạo Việt Nam thời đó: “Việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông hãy tạm gác lại cho các thế hệ sau này, còn bây giờ chúng ta nên bàn đến hướng cùng nhau hợp tác”. Ý kiến này của ông Giang tưởng như đã mở ra được một lối thoát cho cả hai quốc gia, nhưng khi ông Giang rời vũ đài chính trị thì sự việc đã đổi khác. Mọi việc đã nóng lên một cách bất thường kể từ khi ông Tập Cận Bình nắm quyền. Thời gian gần đây, các nhà lãnh đạo của hai nước đã cố gắng xây dựng lại mối quan hệ, phía Việt Nam đã khẳng định rằng quan hệ Việt – Trung đang ở giai đoạn tốt nhất trong khoảng ba chục năm trở lại đây, đó là hai bên “giữ nguyên hiện trạng”, “gác tranh chấp cùng khai thác”. Tuy nhiên, nếu cứ theo dõi qua hệ thống truyền thông chính thống và không chính thống thì thấy về phía Việt Nam, tâm lý ghét bỏ Trung Quốc vẫn đang cực kỳ nặng nề. Thậm chí, chỉ cần một lời nói có thiện cảm với Trung Quốc thì đã bị “khép cho tội” là tay sai của Trung Quốc, là bán nước. Cái sự ghét, cái xu thế bài Trung của Việt Nam xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cũng có những nguyên nhân từ xa xưa, ngàn đời. Trong thời kỳ lịch sự cận đại, Trung Quốc chưa bao giờ muốn có một nước Việt Nam độc lập, hùng mạnh mà Trung Quốc chỉ muốn có một nước Việt Nam lệ thuộc vào mình. Đây là một phần nguyên do người Việt Nam luôn có cảnh giác đối với Trung Quốc. Một nguyên nhân nữa khiến người Việt Nam ghét Trung Quốc là có một số công trình mà Trung Quốc xây dựng ở Việt Nam thì chất lượng không đảm bảo; rồi các nhà thầu Trung Quốc nghĩ mưu, nghĩ kế móc nối với đám cán bộ tiêu cực, tham nhũng của Việt Nam để nâng giá, ăn chênh lệch. Phải khẳng định rằng, người Trung Quốc rất có nghệ thuật trong việc sử dụng “đồng tiền đi trước, đồng tiền khôn” để mua chuộc đám cán bộ nhà nước, coi việc kiếm tiền bất chính là lẽ sống của mình…

Sự căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh trên biển Đông sẽ không thể giải quyết được một sớm một chiều. Thái độ bành trướng, bất chấp luật pháp quốc tế của phía Trung Quốc đã đẩy hai nước đi dần đến bờ vực của chiến tranh. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với quan điểm lãnh đạo cấp cao hai nước. Và có cảm giác rằng các nhà lãnh đạo cũng không điều khiển nổi xu thế phát triển theo chiều hướng xấu của tình hình. Vậy có cách nào để tháo gỡ tình trạng này? Có lẽ chúng ta phải học theo binh pháp của Tôn Tử, đó là “rút củi đáy nồi”. Muốn rút được củi đáy nồi lúc này thì quan trọng nhất là lãnh đạo hai nước phải biết nhường nhịn nhau một chút. Hai bên phải xác định được thế nào là lợi ích cốt lõi, thế nào là lợi ích chiến lược. Chỉ khi các nhà lãnh đạo hai nước xác định được rõ rằng hãy gác lại những mâu thuẫn và hướng tới tương lai trong hòa bình thì mâu thuẫn ở biển Đông mới có thể giải quyết được.

Còn nếu như bên nào cũng khăng khăng khẳng định quyền và lợi ích của mình ở biển Đông thì sẽ chẳng bao giờ biển Đông lặng sóng. Việc xảy ra chiến tranh đó là việc không cần bàn cãi.

“Rút củi đáy nồi” – đó là cách tốt nhất để giảm căng thẳng ở biển Đông!

RELATED ARTICLES

Tin mới