Tham vọng này của Triều Tiên khiến Bình Nhưỡng trở thành một trong những mối lo ngại hàng đầu của cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Các nước này lo ngại các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là nhằm tiến tới gần hơn tham vọng phát triển thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa có gắn đầu đạn hạt nhân và đủ sức tấn công Mỹ.
Phóng tên lửa, thử hạt nhân, và “cái ngông” của Triều Tiên
IV. Vì sao Triều Tiên phát triển tên lửa hạt nhân
Tình hình bán đảo Triều Tiên trong những tháng gần đây trở nên đặc biệt căng thẳng sau khi Triều Tiên liên tiếp phóng thử tên lửa, đồng thời đe dọa sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 vào “bất kỳ thời điểm và bất kỳ lúc nào” theo mệnh lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Theo các nhà phân tích, xét trên khía cạnh chiến lược, có nhiều lý do để Triều Tiên kiên trì phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân:
1. Duy trì sự tồn tại của chế độ
Sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 ngày 9/10/2016, trang National Internet (Mỹ) có bài phân tích của tác giả Andrei Lankov, Giáo sư thuộc Đai học Kookmin (Hàn Quốc), cho rằng lý do Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân là để tồn tại.
Triều Tiên tin rằng bom hạt nhân là điều duy nhất có thể đảm bảo sự tồn tại của quốc gia này. Bình Nhưỡng khẳng định rằng họ không sợ điều gì và sẽ xóa sổ Mỹ và các đồng minh của nước này bằng “thanh gươm hạt nhân quý giá” của họ, nhưng thực tế là Bình Nhưỡng quan ngại sâu sắc rằng một ngày nào đó họ có thể không còn tồn tại nữa, rằng họ sẽ bị Mỹ và các đối tác chiến lược của nước này tiêu diệt. Vì tương lai của họ luôn không chắc chắn, Triều Tiên tin rằng lựa chọn an ninh dài hạn khả thi duy nhất là phát triển vũ khí hạt nhân.
Thập niên 60, 70 của thế kỷ 20 là thời kỳ hoàng kim về phát triển của Triều Tiên, mức sống vượt xa Trung Quốc và Hàn Quốc. Đó là thời điểm Triều Tiên có thực lực nhất để phát triển vũ khí hạt nhân, chứ không phải là thập niên 90 của thế kỷ 20 và hiện tại khi kinh tế khó khăn. Nguyên nhân khiến Triều Tiên không phát triển vũ khí hạt nhân vào thập niên 60,70 là do Liên Xô và Trung Quốc vào thời điểm đó là đồng minh của Triều Tiên và Triều Tiên không có mối đe dọa an ninh quốc gia từ bên ngoài. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, môi trường bên trong và bên ngoài của Triều Tiên trở nên rất xấu: Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều giữ thái độ thù địch với Triều Tiên. Mỹ liên tục từ chối yêu cầu của Triều Tiên muốn đối thoại trực tiếp với họ và không che giấu ý đồ thù địch với Triều Tiên là quốc gia thuộc “trục ma quỷ”.
Hơn nữa, hiện thực quốc tế tàn khốc cũng tăng cường tâm lý bất an của Triều Tiên. Tổng thống Iraq Saddam Hussein từng là đồng minh của phương Tây cuối cùng bị Mỹ lấy tội danh vô căn cứ để lật đổ và treo cổ. Năm 2004, nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã đồng ý dừng toàn bộ chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy hợp tác kinh tế, nhưng sau đó ông đã bị giết dưới tay quân nổi dậy được các cường quốc phương Tây hậu thuẫn. Năm 1994, Ukraine đồng ý loại bỏ vũ khí hạt nhân mua lại sau khi Liên Xô sụp đổ để đổi lấy Thỏa thuận bảo đảm an ninh của Nga, Mỹ và Anh, nhưng sau đó Crimea vẫn sáp nhập vào Nga. Sự lật mặt vẫn lạnh lùng tàn nhẫn như vậy của phương Tây khiến Triều Tiên, nước luôn bị phương Tây coi là kẻ thù, phải tính toán là điều tất yếu.
Các nhà lãnh đạo Triều Tiên lấy những ví dụ lịch sử này để biện minh cho niềm tin của họ rằng vũ khí hạt nhân là yếu tố quan trọng quyết định sự sống còn của chế độ. Các cuộc đàm phán đã thất bại nhiều lần do các nhà lãnh đạo Triều Tiên không mấy mặn mà với các cuộc thương lượng về vấn đề hạt nhân và cho rằng đàm phán giống như đang tự nộp mạng mình. Có thể hạt nhân và sử dụng “ván bài” kinh tế để mua sự hợp tác của Bình Nhưỡng nhằm ngăn chặn sự phát triển hạt nhân trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, một thỏa thuận như vậy có nghĩa là vẫn cho phép vũ khí và vật liệu phân hạch ở lại Triều Tiên. Ý tưởng thỏa hiệp không mấy hoàn hảo và gây tranh cãi này rất khó có thể xảy ra vì cả Triều Tiên lẫn Mỹ đều không quan tâm tới cuộc đàm phán này.
Có thể nói không có sự đảm bảo an ninh và thực tế tàn khốc trên thế giới trở thành nguyên nhân căn bản khiến Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân còn có một nhân tố không thể đề cập đến, đó chính là tiền lệ Ấn Độ và Pakistan. Hai quốc gia này là những nước bất chấp tất cả sức ép và ngăn chặn sau Chiến tranh Lạnh để sở hữu vũ khí hạt nhân. Sự chỉ trích và trừng phạt của Mỹ rất nhanh chỉ qua loa cho xong chuyện, hai bên lại nhanh chóng trở thành quốc gia hữu nghị. Các nhà lãnh đạo phương Tây không tham gia lễ duyệt binh lớn kỷ niệm chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai của Trung Quốc, lại lần lượt chạy đến Ấn Độ tham gia duyệt binh nhân Ngày Quốc khánh của họ, nguyên nhân đằng sau đương nhiên là lợi ích của những nước này. Ấn Độ giúp kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Á, Pakistan lại là khâu quan trọng đầu tiên của cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Ấn Độ và Pakistan có thể an toàn từ trên bầu trời xuống dưới mặt đất, tại sao Triều Tiên lại không thể?
Có thể thấy rằng từ khi lên nắm quyền, Kim Jong-un đã tập trung vào việc nâng cao địa vị của lực lượng tên lửa chiến lược mới thành lập của mình, ở một mức độ nào đó chính là để đảm bảo chắc chắn sự trung thành của quân đội – “vũ khí quyết chiến cuối cùng” và để nó độc lập với các quân chủng khác của quân đội nhân dân Triều Tiên. Ngay cả các tập đoàn “quý tộc quân sự” hiện đang chia sẻ quyền lực chính trị cùng Kim Jong-un, nếu có ý đồ nổi dậy, Kim Jong-un vẫn có thể phóng tên lửa đến Nhật Bản, khiến những tập đoàn “quý tộc quân sự” này phải đối mặt với sự bao vây khắp cả thế giới, như vậy không có lợi.
Có thể nói Kim Jong-un bị coi là “điên rồ”, nhưng thực tế vô cùng thông mih. Ông đang bước trên một sợi dây và vũ khí hạt nhân chính là cây gậy thăng bằng của ông, nếu không phải tự mình ngã xuống, ông tuyệt đối sẽ không chủ động vứt đi cây gậy đó.
Trước đây, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry từng nói trong một hội nghị rằng nhu cầu của Triều Tiên rất dễ hiểu, tóm gọn có 3 điểm: một là sinh tồn, hai là sự tôn trọng của thế giới và ba là phát triển kinh tế. Bằng cách làm chủ vũ khí hạt nhân, Kim Jong-un đã có thể đạt được điều thứ nhất và điều thứ hai, ông đang cố gắng đạt được điểm thứ ba.
2. Tạo cán cân sức mạnh mới
Theo trang mạng foxnews.com, một cán cân sức mạnh mới chính là lý do khiến Triều Tiên quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân của nước này.
Triều Tiên đang liên tục thử nghiệm các loại tên lửa đạn đạo và nhanh chóng trở thành một đối thủ đáng gờm. Một số chuyên gia cho rằng trong 2 hay 3 năm tới, Bình Nhưỡng có thể chế tạo được các loại tên lửa có khả năng tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ. Điều này mang lại sự thay đổi trong “ván bài” đối với Washington khi nước này hôm 30/5/2017 cũng thành công trong việc bắn hạ một ICBM được phóng từ một hòn đảo trên Thái Bình Dương bằng một tên lửa đánh chặn từ California.
Mục tiêu của Triều Tiên trong “cán cân sức mạnh” mới là vươn tới đỉnh cao với 6 tên lửa phóng từ tàu ngầm và các bãi phóng trên thực địa. Tàu ngầm là loại vũ khí tối tân, di động và khó bị phát hiện và phiên bản tên lửa phóng từ đất liền cũng rất tối tân. Do sử dụng nhiên liệu rắn nên có thể che giấu và di chuyển đến vùng đất cứng để tiến hành vụ phóng chớp nhoáng. Đây là lý do ông Kim Jong-un ra lệnh sản xuất hàng loạt phiên bản này.
Sau Chiến tranh Lạnh, Triều Tiên đã mất đi sự bảo vệ của phe xã hội chủ nghĩa, cũng mất đi thị trường của chủ nghĩa xã hội, gần như là “đơn thương độc mã” đối mặt với mối đe dọa quân sự của Mỹ và Hàn Quốc, trong khi cũng cần dựa vào sức mạnh của chính mình để phát triển nền kinh tế, nên đã gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, sức ép quân sự của Mỹ và Hàn Quốc luôn hiện hữu, thậm chí không ngừng gia tăng. Trong thời kỳ Bush (con) cầm quyền, Triều Tiên đã bị liệt vào “trục ma quỷ”. Mỹ tuyên bố sẽ thực hiện cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu Bình Nhưỡng. Khi Tổng thống Barack Obama lên cầm quyền, Mỹ lại thực hiện chính sách nhẫn nại chiến lược, nhưng đồng thời cũng tăng cường gây áp lực và trừng phạt Triều Tiên. Quy mô các cuộc tập trận chung hàng năm giữa Mỹ và Hàn Quốc ngày càng lớn, nội dung cũng ngày càng phong phú hơn, trong đó có tấn công phủ đầu, chiếm Bình Nhưỡng. Các loại vũ khí chiến lược như tàu sân bay, máy bay ném bom chiến lược và tàu ngầm hạt nhân cũng liên tục “giương oai” trước của nhà Triều Tiên, vì vậy áp lực an ninh của Triều Tiên là rất lớn và cũng rất thực tế.
Triều Tiên là một quốc gia nhỏ, yếu, nền kinh tế tương đối lạc hậu, vấn đề no ấm của người dân chưa được giải quyết, vì vậy muốn chống chọi lại được với một siêu cường như Mỹ, nước này đành phải có các thủ đoạn bất thường, nên đã tiến hành phát triển vũ khí hạt nhân. Triều Tiên rất sùng bái vũ khí hạt nhân, cho rằng từ khi vũ khí hạt nhân chưa từng xảy ra chiến tranh, do đó, Triều Tiên coi vũ khí hạt nhân như là một phương tiện quan trọng để bảo vệ mình, đồng thời là một công cụ trong cuộc đọ sức với Mỹ.
Theo lập luận của Triều Tên, nếu không có mối đe dọa của Mỹ, nước này sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân, là Mỹ buộc họ đi đến con đường này. Lập luận này không phải là không có lý.
Những năm qua, Triều Tiên không ngừng áp dụng chính sách “bên miệng hố chiến tranh” thông qua phương thức khiêu khích liên tục thử nghiệm hạt nhân và phóng thử tên lửa đạn đạo, thu hẹp dư địa mà các nước khác có ý đồ thực hiện điều đình ngoại giao, buộc các nước lớn xung quanh phải lựa chọn đứng về một bên, phá vỡ tình trạng nước lớn chèn ép và trừng phạt Triều Tiên. Trong khi đó, Hàn Quốc và Mỹ chính thức quyết định triển khai THAAD ở Hàn Quốc vào ngày 8/7/2016, về mặt khách quan cũng là làm gia tăng hơn nữa tình hình đối đầu và cục diện căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, khiến cho quan hệ Trung – Hàn một thời “mặn nồng” nhanh chóng giảm nhiệt, xuất hiện sự bất đồng về ngoại giao. Dù có muốn thừa nhận hay không thì vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã trở thành biến số then chốt xác định cục diện Đông Bắc Á sau thời Chiến tranh Lạnh.
Thứ nhất, vũ khí hạt nhân đối với Triều Tiên là một công cụ tập trung nhiều chức năng. Đối mặt với sức ép đồng minh quân sự lớn mạnh tồn tại lâu dài giữa Mỹ và Hàn Quốc, vấn đề an ninh chỉ có thể được giải quyết thông qua phát triển vũ khí hạt nhân. Trái ngược với việc duy trì vũ khí thông thường và quân đội trên quy mô lớn, vũ khí hạt nhân là loại vũ khí cân bằng “hàng tốt giá rẻ” mà các nước nhỏ yếu sử dụng khi đối mặt với mối đe dọa từ các nước mạnh.
Thứ hai, vũ khí hạt nhân là lĩnh vực hiếm có mà Triều Tiên có thể thắng được Hàn Quốc trong quá trình cạnh tranh toàn diện Nam- Bắc. Vũ khí hạt nhân được coi là “bản quyền riêng” của các nước lớn trên thế giới hiện nay, song có ý nghĩa tượng trưng mạnh mẽ, giúp nâng cao vị thế quốc tế của Triều Tiên, quy tụ lòng dân, củng cố tính hợp pháp của chính quyền. Kể từ khi thử nghiệm hạt nhân đến nay, trong các tuyên bố, phát biểu và thông cáo nhiều lần nhấn mạnh Triều Tiên là “quốc gia hạt nhân”, thậm chí đưa vào hiến pháp mởi sửa đổi năm 2012. Trong lúc các ngành nghề rơi vào tình cảnh khó khăn bởi các nguyên nhân, vũ khí hạt nhân đã trở thành trụ cột quan trọng để Triều Tiên xây dựng “nước lớn hùng mạnh”. Đối mặt với ưu thế cạnh tranh toàn diện của Hàn Quốc, Triều Tiên cần vũ khí hạt nhân để được sự ủng hộ của người dân.
Thứ ba, trong quá trình đọ sức trên vũ đài quốc tế, vũ khí hạt nhân và việc phóng tên lửa đạn đạo dường như đã trở thành một con bài duy nhất mà Triều Tiên có thể đưa ra. Khi thiếu con bài để tiến hành đàm phán và mặc cả với thế giới bên ngoài thì chỉ có thể nắm chắc và sử dụng nhiều lần con bài này. Kể từ khi vấn đề hạt nhân Triều Tiên xuất hiện đầu thập niên 90 của thế kỷ 20 đến nay, đặc biệt là so sánh thời kỳ thống trị của hai nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Kim Jong-il, số lượng và tần suất Triều Tiên tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân đều tăng gấp đôi. Bất kể bên ngoài đưa ra chiêu bài gì thì Triều Tiên cũng nghiêng về quân bài này.
(còn tiếp)