Bộ Công thương phải có hành động cụ thể chứ không thể kêu gọi người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt mà chỉ dựa vào lòng yêu nước.
Luận bàn tiếp về thực trạng nhập siêu từ Thái Lan vào Việt Nam và nỗi lo của Bộ trưởng Bộ Công thương trước nguy cơ hàng hóa Việt sẽ bị thua trắng trên sân nhà. PGS.TS Vũ Trí Dũng cho rằng, dự báo đó đã được cảnh báo từ nhiều năm nay, Việt Nam cũng đã ý thức được việc này, vì vậy mới có chủ trương kêu gọi “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Mục đích của chủ trương trên là nâng cao tỷ lệ tiêu thụ hàng nội địa, khống chế tiến tới giảm dần tỉ trọng nhập siêu từ Thái Lan cũng như giảm tỉ trọng nhập siêu từ các nước khác. Đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng và hoa quả.
Như vậy, về mặt chủ trương các cơ quan quản lý đã ý thức được rất rõ nguy cơ hàng Thái sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt và đã có phản ứng từ rất sớm. Vấn đề là ở cách thức thực hiện đã không đem lại hiệu quả.
Ông Dũng nói thẳng, hàng hóa Việt muốn lôi kéo được người tiêu dùng thì phải thuyết phục người mua bằng việc chất lượng, mẫu mã và giá thành chứ không thể kêu gọi người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt mà chỉ dựa vào lòng yêu nước.
“Đến lúc này, những cảnh báo không chỉ còn là dự báo nữa mà nó đã thật sự trở thành mối quan ngại lớn. Sự sốt ruột, lo lắng của Bộ trưởng cũng rất dễ hiểu. Tuy nhiên, bây giờ không phải cứ ngồi lo thì sẽ giải quyết được vấn đề mà phải làm, làm thật thì mới được”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, để giải được bài toán về nhập khẩu hàng hóa Thái Lan, trước hết cần trả lời được câu hỏi: vì sao hàng Việt Nam không bán được? Hàng Việt không bán được là vì tâm lý sính hàng ngoại, vì chất lượng không tốt hay còn vì mất niềm tin như Bộ trưởng đã nói?
PGS Vũ Trí Dũng luận giải: “Tôi biết nhiều người Việt giàu có họ sẵn sàng trả tiền cao hơn gấp nhiều lần để mua hoa quả nhập ngoại, hàng tiêu dùng chất lượng tốt. Như vậy, ở đây không đơn giản chỉ là vấn đề về giá thành mà người tiêu dùng họ đang hướng tới lựa chọn một sản phẩm chất lượng tốt hơn, an toàn hơn cho chính sức khỏe của họ.
Thế thì lại phải đặt ra câu hỏi tiếp theo là: vì sao người Việt vẫn không ưu tiên lựa chọn hàng Việt, dù có không ít hàng hóa Việt Nam chất lượng rất tốt?
Tới đây thì tôi khẳng định ngay rằng vì “họ bị mất lòng tin”. Vấn đề không còn là giá thành hay chất lượng sản phẩm nữa mà là lòng tin của người tiêu dùng vào hệ thống quản lý, cụ thể là Bộ Công thương đã bị sụt giảm nghiêm trọng.
Công tác quản lý thị trường quá yếu kém để hàng giả, hàng nhái tràn ngập khắp thị trường, trong khi chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm không được kiểm soát tốt, người tiêu dùng đi mua hàng mà luôn có tâm lý bị lừa, bị mất tiền oan, thế thì chấp nhận làm sao được?”, ông Dũng nêu.
Bộ Công thương phải làm gì?
Từ những phân tích trên, PGS Vũ Trí Dũng nhận định, nếu các cơ quan quản lý không đưa ra được một giải pháp cụ thể, nhằm cải thiện được lòng tin của người tiêu dùng đối với chất lượng hàng hóa trong nước thì nguy cơ hàng Việt bị thua trước người Việt là hiển nhiên.
Vì với tâm lý của người tiêu dùng, ở đâu có lợi họ sẽ tới. Trong câu chuyện này, sự tham gia của các mặt hàng nhập ngoại, đặc biệt là các mặt hàng của Thái Lan sẽ giúp người tiêu dùng có thêm nhiều cơ hội để lựa chọn sản phẩm tốt, giá thành rẻ lại an toàn.
Điều quan trọng nhất là người tiêu dùng thấy tin tưởng hơn vào hệ thống kiểm định chất lượng hàng hóa của Thái Lan. Nghĩa là ở vị trí của người tiêu dùng thì họ đang được lợi.
Điều này cũng có nghĩa, nhu cầu nhập khẩu hàng Thái Lan thời gian tới không thể giảm mà sẽ ngày càng tăng lên. Đây thực chất là chiến lược của các đại gia Thái Lan.
“Có thể nói, đưa hàng Thái vào Việt Nam chỉ là bước cuối cùng để hoàn thiện nốt chuỗi bán hàng đã được các đại gia Thái Lan lập trình sẵn”, ông Dũng nhận định.
Để chứng minh cho nhận định trên, PGS Vũ Trí Dũng cho biết, hiện đã có tới 50% thị trường bán lẻ Việt Nam đã bị các đại gia Thái Lan thâu tóm. Việc làm chủ được hệ thống bán lẻ thì gần như các đại gia Thái Lan đã giải quyết xong các kênh phân phối hàng hóa của doanh nghiệp Thái tại thị trường Việt Nam.
Có được hệ thống phân phối hàng hóa rồi, các doanh nghiệp Thái chỉ việc đưa hàng vào bày bán. Đến lúc này, hàng hóa sản xuất trong nước có muốn đưa vào siêu thị cũng vô cùng vất vả, khó khăn. Vì lẽ đó mà người ta nói, “hàng Việt đã thua trắng trên sân nhà”.
Trước thực trạng đó, PGS Vũ Trí Dũng cho rằng, với vai trò là cơ quan chủ quan, Bộ Công thương cần phải có chương trình hành động cụ thể chứ không chỉ đưa ra mấy giải pháp mang tính tình thế, hô hào, kêu gọi lòng yêu nước chung chung được nữa.
Cụ thể ông nói, Bộ Công thương phải lựa chọn các sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh tốt, đầu tư phát triển mạnh để tìm chỗ đứng cho sản phẩm đó trên chính thị trường của mình.
“Bộ Công thương có thể lựa chọn hoa quả, cũng có thể lựa chọn lĩnh vực chế biến thực phẩm… nhưng đã lựa chọn lĩnh vực nào phải đầu tư cho lĩnh vực đó phát triển thật hiệu quả. Quan trọng hơn cả là Bộ Công thương phải làm thế nào để người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn sản phẩm đó. Trên cơ sở có được lòng tin của người tiêu dùng lúc đó mới đưa ra những chiến lược quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi tới người tiêu dùng”, vị PGS nói.