Cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc trong 5 năm qua có độ rộng, độ sâu và độ cao chưa từng có. Trung Quốc đã có xây dựng được nhiều chế độ, giải pháp ngăn ngừa và chống tham nhũng hiệu quả.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Kỳ Sơn.
Gần đây, tờ Liên hợp buổi sáng Singapore đăng bài viết “Trung Quốc đạt được thành công lớn trong xây dựng chế độ chống tham nhũng” của ông Trịnh Vĩnh Niên, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Á, Đại học quốc lập Singapore.
Bài viết cho rằng vấn đề cốt lõi của chống tham nhũng là làm thế nào để xác lập được một chế độ ngăn ngừa tham nhũng và chống tham nhũng. Từ Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay, Trung Quốc đã đạt được thành tựu đáng kể trong xây dựng chế độ chống tham nhũng.
Điều gây chú ý nhất từ Đại hội 18 đến nay đó chính là cuộc chiến chống tham nhũng được triển khai thường xuyên, liên tục. Cuộc chiến này có độ rộng, độ sâu và độ cao chưa từng có.
Độ rộng thể hiện ở số lượng quan chức liên quan đến tham nhũng, có hàng nghìn quan chức bị xét xử, hơn nữa vẫn thường xuyên có quan chức bị điều tra.
Độ sâu thể hiện ở các “vùng” liên quan đến tham nhũng, cuộc chiến chống tham nhũng lần này có thể đã bao trùm lên các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa.
Độ cao thể hiện ở cấp cán bộ liên quan đến tham nhũng, các quan chức bị điều tra và xét xử bao gồm cựu Thường vụ Bộ Chính trị, thậm chí Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm, chẳng hạn ông Tôn Chính Tài, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Thành Đô.
Lịch sử mấy nghìn năm qua chứng minh đầy đủ rằng một quốc gia huy hoàng hay tiêu vong đều liên quan đến tham nhũng. Đảng cầm quyền hoàn toàn không phải không ý thức được vấn đề này.
Vấn đề cốt lõi ở đây là làm thế nào để xác lập được một chế độ ngăn ngừa tham nhũng và chống tham nhũng?
Nhìn về lâu dài, chống tham nhũng chỉ là biện pháp, xây dựng một chính phủ trong sạch không có tham nhũng mới là mục đích. Trong khi đó, chính phủ trong sạch chắc chắn cần có một chế độ ngăn chặn tham nhũng đồng bộ để thực hiện.
Theo học giả Trịnh Vĩnh Niên, việc xây dựng chế độ như vậy từ Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay chủ yếu thể hiện ở một số phương diện lớn dưới đây:
Trước hết là sự tập trung có hiệu quả của cơ quan chống tham nhũng. Từ Đại hội 18 đến nay, cùng với cuộc chiến chống tham nhũng được đẩy sâu, quyền lực từng bước được tập trung vào trong tay của ủy ban kiểm tra kỷ luật các cấp, đặc biệt là ở cấp Trung ương.
Một quy luật phổ biến của toàn thế giới là chống tham nhũng nếu có hiệu quả thì quyền lực chắc chắn sẽ phải tập trung. Kinh nghiệm cho thấy, quyền lực tập trung thực sự có lợi cho chống tham nhũng và xây dựng chính quyền trong sạch.
Thứ hai là “đưa người khác đến chống tham nhũng”. Điều này chủ yếu thể hiện ở hai phương diện: Theo chiều ngang, vấn đề chống tham nhũng ở các cơ quan trung ương hiện do Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương thực hiện, tức là do Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương cử người và đội chống tham nhũng đến các cơ quan như các bộ, các ủy ban để phụ trách chống tham nhũng tại đó. Chính quyền các cấp cũng như vậy.
Theo chiều dọc, chống tham nhũng thực hiện “quản lý dưới một cấp”, tức là chống tham nhũng cấp tỉnh, ủy ban sẽ do Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương tiến hành. Từ đó sẽ suy ra được ở cấp thấp hơn.
Những chế độ này đã làm thay đổi hoàn toàn tình hình “tự chống tham nhũng”, “chống tham nhũng nội bộ” trước đây. Trong khi đó, cơ chế chống tham nhũng “quản lý dưới một cấp” thống nhất với chế độ bổ nhiệm cán bộ “quản lý dưới một cấp”.
Thứ ba là khôi phục và thực hiện chế độ thanh tra trung ương. Đối với quan hệ giữa trung ương và địa phương, chế độ thanh tra là một bộ phận quan trọng của chế độ chính trị truyền thống Trung Quốc, là một chế độ rất có hiệu quả trong số rất nhiều chế độ.
Việc xác lập chế độ này ít nhất có thể phát huy 2 tác dụng: Một là không để cho tham nhũng có “vùng trống”. Hai là tránh bị nhóm lợi ích gây khó. Theo kinh nghiệm, bất cứ chế độ mang tính vùng nào một khi hình thành, thời gian càng dài thì sẽ xuất hiện nhóm lợi ích, từ đó sinh ra tham nhũng. Trong khi đó, chế độ thanh tra có tính lưu động mạnh, có thể tiến hành kiềm chế có hiệu quả đối với các nhóm lợi ích này.
Thứ tư là tăng cường nền tảng pháp lý của chế độ chống tham nhũng. Điều này chủ yếu biểu hiện ở Ủy ban giám sát quốc gia đang được xây dựng. Chế độ này đã tiến hành thí điểm ở Bắc Kinh, Sơn Tây và Chiết Giang.
Điều cần nhấn mạnh ở đây là, chế độ này có lợi cho tăng cường tính pháp lý trong chống tham nhũng. Việc thiết lập chế độ này rõ ràng có liên quan đến phương án cải cách lấy xây dựng “pháp trị” làm trung tâm được Hội nghị Trung ương 4 khóa 18 thông qua.