Monday, November 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTranh gom cau non bán cho TQ: Trái bắt đầu đắng

Tranh gom cau non bán cho TQ: Trái bắt đầu đắng

Đang được trả giá cao gấp 10-15 lần, người dân bỗng nhiên bị thương lái Trung Quốc bỏ rơi, nhiều người thiệt hại hàng tỉ đồng.

Theo phản ánh của tờ Dân Việt, bà M.N (một chủ cơ sở chế biến cau ở huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) nói như khóc:

“Chuyến hàng vừa rồi, hơn 3 tấn cau chỉ được mua với giá 17.000 đồng/kg, thấp hơn gần cả chục ngàn đồng/kg so với lúc cao điểm trước đó. Đồng thời, gần 1 tấn cau non còn bị phía Trung Quốc ngừng mua và trả về, làm tôi lỗ hơn 100 triệu đồng”.

Những ngày trước, cau tăng giá kỷ lục nên các tư thương lặn lội về tận các vùng sâu, xa thu mua. Giá trung bình liên tục được thương lái Trung Quốc đẩy lên, có thời điểm cao nhất lên tới 25.000-27.000 đồng/kg, cao hơn dưới đồng bằng khoảng 5.000 đồng/kg.

Khi thấy mức giá hời, nhiều cơ sở chế biến tranh thủ gom mua, có khi lên tới hàng tỉ tiền hàng. Trước tình hình bị ngừng mua đột ngột, nhiều cơ sở chế biến vẫn không tin bị mất từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng chỉ trong phút chốc.

Tình trạng trên cũng từng diễn ra tại Bình Định. Tại Bình Định, giá cau non cũng được thương lái Trung Quốc tăng lên mức 20 nghìn đồng/kg, trong khi đó cách đây 2 năm, giá mỗi chỉ 1-1,5 nghìn đồng/kg.

Theo phản ánh của người dân vùng này, hầu như ngày nào cũng có thương lái đến các xã tìm mua cau. Cũng giống như việc thu mua nông sản, hoa quả trước đó, các hộ chế biến đều thông qua trung gian gom hàng rồi bán cho thương lái Trung Quốc chứ không ai được làm việc trực tiếp và cũng không biết mục đích thu mua để làm gì.

Việc mua-bán hiện diễn ra khá thuận tiện, thanh toán sòng phẳng. Thậm chí, thương lái còn đặt cọc tiền để các đầu nậu thu gom cau về, sấy khô rồi chuyển đi.

Tại Hậu Giang, Sóc Trăng người dân cũng cho biết có nhiều thương lái Trung Quốc đến tìm mua cau non qua sơ chế (sấy khô). Bình quân, mỗi kg cau non sấy khô được trả với mức giá 130-140 nghìn đồng nên nhiều hộ trồng cau đã có thu nhập khá tốt từ nghề trồng cau.

Dù việc làm ăn với thương lái Trung Quốc đã được cảnh báo có nhiều rủi ro, song vì cái lợi trước mắt nhiều người vẫn chạy theo gom hàng rồi phải nhận trái đắng.

Tình trạng “bỏ của chạy lấy người” của thương lái Trung Quốc đã từng xảy ra với không ít mặt hàng nông sản của Việt Nam như: ớt, dưa hấu, thanh long, chanh…. nhưng cho tới nay các cơ quan chức năng địa phương vẫn chưa có được giải pháp hiệu quả nhằm khuyến cáo, ngăn chặn, xử lý tình trạng trên, tránh cho người dân chịu thiệt thòi.

RELATED ARTICLES

Tin mới