Tuesday, November 5, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiDịch chuyển nhập siêu từ Trung Quốc sang Hàn Quốc: Cơ hội...

Dịch chuyển nhập siêu từ Trung Quốc sang Hàn Quốc: Cơ hội nào cho Việt Nam?

Theo ông Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), sự dịch chuyển đối tác nhập siêu từ Trung Quốc sang Hàn Quốc có thể là cơ hội để Việt Nam tiếp nhận các tiến bộ công nghệ cao, thông qua quá trình điều chỉnh và áp dụng các sản phẩm nhập khẩu.

Chiều 11/10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức Tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2017.

Tăng trưởng kinh tế tăng bất thường trong quý 3

Thông tin tại Tọa đàm cho hay, thông qua các số liệu công bố, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng cao bất thường trong quý 3, với mức tăng trưởng 7,46%, cao nhất trong vòng 7 năm qua, cao hơn nhiều so với quý trước (6,17%), cũng như cùng kỳ các năm trước (2015: 6,87%, 2016: 6,56%).

Tính chung 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 6,41%, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2016 (6,0%) tuy vẫn thấp hơn một chút so với năm 2015 (6,5%).

Tương tự như vậy, chỉ số tiêu thụ liên tiếp được cải thiện, đạt mức tăng trưởng 9,8% tính đến hết tháng 8. Trong khi đó, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp giảm nhẹ trong quý, xuống còn 9,9% vào tháng 8.

Ông Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, mức tăng trưởng cao trong quý 3 phần nào cho thấy kết quả của hàng loạt các biện pháp và chỉ thị quyết liệt của Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua, với quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%.

Trong khi đó, thương mại tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 3 với tốc độ tăng trưởng của cả xuất khẩu và nhập khẩu đều đạt trên 21%, chỉ thấp hơn so với quý trước trong vòng năm năm qua.

Theo đó, nhập khẩu hàng hóa tính đến hết quý 3 tăng trưởng ở mức 23,1%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 54 tỷ USD trong quý 3 và 154,5 tỷ USD trong ba quý đầu năm.

Đặc biệt, xét theo khu vực kinh tế, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thặng dư 17,6 tỷ USD, khu vực kinh tế trong nước ghi nhận mức thâm hụt thương mại là 18,1 tỷ USD trong chín tháng đầu năm.

Tính riêng trong quý 3, thâm hụt của khu vực trong nước đạt 5,2 tỷ USD, tuy thấp hơn so với hai quý trước nhưng tăng 11,7%. Thực trạng này cho thấy sự phụ thuộc vào khu vực FDI trong thương mại và do đó là trong tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam và đặt ra hoài nghi về triển vọng dài hạn về chất lượng và sự bền vững của tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, nhập khẩu tăng mạnh ở các nhóm hàng tư liệu sản xuất phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng cao nhất

Theo báo cáo của VEPR, trong cơ cấu các đối tác thương mại Việt Nam, mặc dù Mỹ và EU vẫn là các thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch lần lượt là 31,2 tỷ và 28,4 tỷ USD, song xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường trong khu vực tiếp tục tăng trưởng nhanh.

Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Asean, Nhật và Hàn Quốc lần lượt đạt 21,9 tỷ USD, 16 tỷ USD, 12,5 tỷ USD và 10,6 tỷ USD, tăng tương ứng là 44,7%, 26,1%, 17,2% và 27,3%.

Đặc biệt, Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng cao nhất của Việt Nam, trong đó đáng chú ý là các mặt hàng nông, lâm và thủy sản.

Dẫn chứng về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thành cho biết,  đối với rau quả, lượng xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng ở mức 60% trong ba quý đầu năm. Đồng thời, hơn 70% lượng xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong thời gian qua đều hướng đến thị trường Trung Quốc.

“Thực tế này cho thấy sự mức độ phụ thuộc rất lớn của xuất khẩu vào thị trường này. Có thể thấy, đây là thị trường rất lớn, bên cạnh đó lại rất gần về mặt địa lý đối với Việt Nam, vì vậy vô cùng thuận lợi cho việc xuất khẩu, đặc biệt là với đặc thù của các mặt hàng như nông sản”, ông Nguyễn Đức Thành chia sẻ.

Theo Viện trưởng VEPR, việc thị trường Trung Quốc ngày càng phát triển và yêu cầu cao hơn bằng các biện pháp tăng rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nông sản của Việt Nam, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng nâng cao chất lượng hàng nông sản xuất khẩu để đảm khẩu để đảm bảo những điều kiện kiểm soát của các nhà nhập khẩu.

Thêm vào đó, việc Nhân dân tệ liên tục tăng giá cũng tạo điều kiện cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

“Nếu có thể nhận thức được tầm quan trọng to lớn của thị trường Trung Quốc và tập trung vào cải thiện chất lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu thị trường này đặt ra, chúng tôi cho rằng Việt Nam sẽ có cơ hội rất lớn để cải thiện tình trạng nhập siêu và thúc đẩy nền kinh tế trong thời gian tới. Nếu không đảm bảo được về chất lượng, chúng ta sẽ khó tránh khỏi các cuộc khủng hoảng dư thừa như đã diễn ra đối với các mặt hàng như thịt lợn, dưa hấu hay vải trong thời gian vừa qua”, ông Thành nhấn mạnh.

Trong khi đó, Hàn Quốc tiếp tục củng cố vị trí là thị trường nhập siêu lớn  nhất của Việt Nam. Nguyên nhân chính là do Hàn Quốc dẫn đầu về lượng  vốn FDI vào nước ta và các doanh nghiệp FDI này chủ yếu nhập khẩu tư liệu sản xuất từ chính quốc. Trong 9 tháng đầu năm, nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 33,9 tỷ USD, tăng 46,5% trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ tăng 15,6% và đạt 41,6 tỷ USD.

Theo đó, thâm hụt thương mại với Hàn Quốc ở mức 23,3 tỷ USD, gia tăng cách biệt với mức thâm hụt với Trung Quốc, đạt 19,7 tỷ USD.

Cũng theo ông Thành, sự dịch chuyển đối tác nhập siêu từ Trung Quốc sang Hàn Quốc, một nước có trình độ công nghệ cao hơn, có thể là cơ hội để Việt Nam tiếp nhận các tiến bộ công nghệ cao thông qua quá trình điều chỉnh và áp dụng các sản phẩm nhập khẩu.

RELATED ARTICLES

Tin mới