Sunday, January 19, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCác 'thuyết âm mưu' khi nguyên thủ bỏ dự APEC

Các ‘thuyết âm mưu’ khi nguyên thủ bỏ dự APEC

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng “nghỉ” đi dự APEC hai năm liên tiếp, một trong số này là ở Nga, làm dấy lên đồn đoán ông chủ Nhà Trắng đang chơi bài “trả đũa” người đồng cấp Vladimir Putin.

Luôn có 1.001 thuyết âm mưu mỗi khi có một nguyên thủ quốc gia hay quan chức cấp cao nào đó vắng mặt tại các cuộc họp cấp cao thường niên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).

“Ở nhà” vì… không được cấp tiền

Năm 2013, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đã phải hủy một loạt chuyến công du đến châu Á vì… chính phủ Mỹ đóng cửa. Quyết định được đưa ra ngày 4-10-2013, đúng một ngày trước khi hội nghị cấp cao APEC chính thức khai mạc tại Indonesia.

Dù nó khiến nhiều người hụt hẫng song là điều được dự báo từ cuối tháng 9.

 Những bất đồng giữa thượng viện và hạ viện xung quanh chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare đã dẫn tới việc ngân sách dành cho năm tài khóa 2014 (bắt đầu từ ngày 1-10-2013) không được thông qua.

Chuyến công du châu Á dự kiến bắt đầu từ ngày 5-10 của ông Obama vì thế cũng bị hủy bởi “tiền đâu mà đi” (!?). Cần nhớ rằng chi phí cho một chuyến đi nước ngoài của các tổng thống Mỹ là rất tốn kém.

Cuối cùng để “chữa cháy”, ông Obama quyết định cử Ngoại trưởng John Kerry, khi ấy đang ở châu Á, đại diện cho ông tham dự các cuộc họp cấp cao trong khu vực như APEC, Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN.

Các thuyết âm mưu khi nguyên thủ bỏ dự APEC - Ảnh 2.

Ông John Kerry (áo tím) tại APEC 2013 ở Indonesia – Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, sự vắng mặt của ông Obama, trong mắt của giới quan sát, vô hình trung đã để lại khoảng trống và tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho Trung Quốc. 

Thiếu vắng tiếng nói cấp cao nhất từ Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nghiễm nhiên trở thành tiếng nói có sức nặng hơn hết thảy tại APEC và EAS 2013, ngay trong năm đầu tiên tham dự.

Trên thực tế, đây cũng không phải là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ phải “ở nhà” vì hết ngân sách. Năm 1995, Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton đã phải cử Phó tổng thống Al Gore đi thế ông tại APEC ở Nhật Bản. Năm đó chính phủ Mỹ đóng cửa tổng cộng 27 ngày.

“Nghỉ đi APEC để trả đũa”

Đó chỉ là một trong số nhiều giả thuyết xung quanh việc ông Obama không tới Nga dự cấp cao APEC năm 2012. Dẫn đầu đoàn Mỹ khi đó là Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Việc ông Obama không tới Nga bị cho là nhằm trả đũa chuyện người đồng cấp Nga Vladimir Putin không tới Mỹ dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước có nền công nghiệp phát triển (G8) tháng 5 năm đó.

Những đồn đoán kiểu “như đúng rồi” và ồn ào đến mức người phát ngôn Bộ Ngoại giao phải yêu cầu truyền thông và người dân ngừng suy diễn về động cơ chính trị đằng sau sự vắng mặt của ông Obama.

“Tất nhiên hai bên đang có những bất đồng về một số chuyện, trong đó đặc biệt là vấn đề Syria. Tuy nhiên, Mỹ đang duy trì mối quan hệ tốt với Liên bang Nga và chúng tôi cảm ơn nước Nga đã tổ chức hội nghị các nhà lãnh đạo APEC”, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell khẳng định.

Phía Mỹ cũng đưa ra lý do rằng vì hội nghị cấp cao APEC ở Nga diễn ra trùng với thời gian Đại hội toàn quốc D8ảng Dân chủ nên ông Obama – người được đề cử tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, không thể tham dự.

Tổng cộng kể từ khi các cuộc họp APEC được nâng lên tầm lãnh đạo năm 1993, các tổng thống Mỹ đã 3 lần vắng mặt. Và mỗi lần như thế, người ta lại thấy trong các bức ảnh chụp chung các nhà lãnh đạo APEC, ông Kerry hay bà Hillary đang đứng nép ở rìa hàng sau. Trung tâm của bức ảnh, vị trí luôn là của Mỹ và nước chủ nhà APEC, những lúc ấy là một nước khác.

Các thuyết âm mưu khi nguyên thủ bỏ dự APEC - Ảnh 3.

Bà Hillary Clinton (hàng trên, thứ hai từ phải) lọt thỏm trong bức ảnh chụp chung khi đại diện ông Obama tham dự cấp cao APEC ở Nga năm 2012 – Ảnh: APEC

Thực tế có không ít nguyên thủ APEC đã phải cắt cử cấp phó đi thay trong trường hợp bất khả kháng. 

Điển hình như Tổng thống Nga Putin năm 2015 đã cử Thủ tướng Dmitry Medvedev đến Philippines để thế ông. Điện Kremlin khi đó giải thích ông Putin đang bận với vụ điều tra chiếc máy bay chở khách của Nga bị rơi ở Ai Cập khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Hay như Tổng thống Indonesia Joko Widodo năm 2015 cũng bỏ cấp cao APEC và cử phó tổng thống tới Philippines trong bối cảnh các vụ cháy rừng ở Indonesia ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến các nước láng giềng.

Bất chấp các lý do được đưa ra nghe rất hợp lý, sự vắng mặt của các nguyên thủ nước lớn hay nhất cử nhất động của họ tại APEC đều bị để ý và luôn trở thành đề tài bàn tán, suy diễn của truyền thông quốc tế.

Trong số 21 thành viên của APEC có cả những vùng lãnh thổ, đặc khu như Hong Kong, Đài Loan. Đó là lý do vì sao người ta sử dụng cụm từ “nền kinh tế thành viên” thay cho “quốc gia thành viên” để tránh đụng chạm các vấn đề chính trị nhạy cảm.

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Hong Kong và Đài Loan lần lượt trở thành thành viên của APEC năm 1991. Tại diễn đàn, vùng lãnh thổ Đài Loan được gọi bằng danh xưng “Trung Hoa Đài Bắc”.

Theo quy ước, đại diện cho “Trung Hoa Đài Bắc” trong các cuộc họp cấp cao của APEC là một quan chức tương đương cấp bộ trưởng. Đại diện gần đây là ông Tống Sở Du, một cố vấn cấp cao của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn.

RELATED ARTICLES

Tin mới