Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTriều Tiên không yếu như Mỹ tưởng

Triều Tiên không yếu như Mỹ tưởng

Ngay cả những thống kê chính xác nhất về vũ khí, binh lực của Triều Tiên cũng không chắc chắn phần thắng cho Mỹ-Hàn.

Thất bại định trước?

Trang The Diplomat mới đây có bài phân tích cho rằng việc đánh giá sức mạnh của Triều Tiên dựa trên định lượng là không hoàn toàn chính xác. Chính vì vậy, đã đến lúc xem xét lại lời khẳng định rằng thất bại của Triều Tiên đã được định trước.

Lâu nay, giới phân tích quân sự dường như có một sự đồng thuận rằng thất bại của Triều Tiên trong một cuộc chiến tranh với Hàn Quốc và Mỹ là điều không thể tránh khỏi.

Kết luận này được rút ra dựa trên việc phân tích các khả năng quân sự tương đối của Triều Tiên, chủ yếu dựa vào thống kê kho dự trữ vũ khí quân sự và đạn dược của Bình Nhưỡng so với Hàn Quốc và Mỹ.

Việc tập trung chủ yếu vào vũ khí quân dụng hạng nặng của Triều Tiên như pháo binh, hay lực lượng tàu ngầm trong việc đánh giá sức mạnh chiến đấu của Triều Tiên là điều có thể hiểu được.

Chẳng hạn, việc xác định số lượng các khả năng quân sự luôn dễ dàng hơn là các cấp độ huấn luyện và động cơ của một lực lượng.

Đặc biệt trong trường hợp quân đội Triều Tiên, vốn không tiến hành một cuộc chiến tranh nào trong 6 thập kỷ qua, giới phân tích thường có xu hướng tập trung vào những gì có thể định lượng. (Chẳng hạn, số lượng khẩu đội pháo và các loại đạn dược được bắn) hơn là những gì không thể định lượng.

Xét cho cùng, nếu Triều Tiên hết đạn dược, thì cả tinh thần vượt trội và các chiến thuật cũng sẽ không thể bù đắp được sự thiếu hụt này, đúng như câu châm ngôn cũ theo chủ nghĩa đế quốc của Anh rằng: “Bất kể điều gì xảy ra, chúng ta có súng máy Maxim, còn họ thì không”.

Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ hoàng kim của sự mất cân bằng về công nghệ quân sự vào thế kỷ 19 khi các quân đội của châu Âu, giống như lực lượng của Hàn Quốc và Mỹ hiện nay, đặt niềm tin của họ vào hỏa lực vượt trội và tổ chức quân sự thì những thất bại cũng có thể xảy ra.

Những sự thất bại đó là kết quả của tham vọng quân sự ngông cuồng, kể cả việc đánh giá thấp các yếu tố không thể định lượng nhưng lại quan trọng trong chiến tranh như tinh thần chiến đấu hay “các lực lượng tinh thần”.

Như Carl von Clausewitz lưu ‎ý trong cuốn “Bàn về chiến tranh”, các lực lượng tinh thần “nằm trong số các đối tượng quan trọng nhất trong chiến tranh”.

Cũng theo triết gia người Phổ thì các lực lượng này “tìm cách thoát ra khỏi tất cả kiến thức sách vở, vì chúng sẽ không được đưa vào những con số hay các lớp học, và chỉ muốn được nhìn thấy và cảm nhận”.

Trong trường hợp chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, bằng cách loại trừ các lực lượng tinh thần và các nhân tố không thể định lượng khác, chúng ta có được một sự hiểu biết mang tính hệ thống và toán học rõ ràng về việc bằng cách nào một cuộc chiến tranh như vậy có thể diễn ra giống với những ý tưởng khoa học giả tưởng trước năm 1914 của Bộ Tổng tham mưu Đức-Phổ về một cuộc chiến tranh chung ở châu Âu.

Nhưng câu hỏi cố hữu của chiến tranh vẫn là: Liệu rằng bất chấp các khả năng quân sự tương đối hạn chế của mình, Triều Tiên vẫn có thể chiến thắng một cuộc chiến tranh hay không? Và nếu như vậy thì bằng cách nào?

Trong trường hợp đó chiến thắng dành cho Triều Tiên được xác định bằng các cách sau đây. Thứ nhất, duy trì chế độ; Thứ hai, duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Triều Tiên.

Tấn công ồ ạt

Theo The Diplomat, để Triều Tiên “giành chiến thắng” một cuộc chiến tranh chống Hàn Quốc và Mỹ, họ sẽ cần đạt được một kiểu bế tắc quân sự nào đó.

Chiến lược quân sự của Triều Tiên tập trung vào chiến tranh du kích, chiến tranh pha tạp đa hình thái, và chiến tranh thông thường kiểu Blitzkrieg (chiến tranh chớp nhoáng).

Giới phân tích cho rằng kể từ khi ông Kim Jong-un nắm quyền lãnh đạo, quân đội Triều Tiên ngày càng tập trung vào việc tiến hành chiến tranh tổng lực, một phần dựa trên việc phát triển các khả năng bất cân xứng bao gồm vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố trong một đánh giá: “Trong tình huống bất trắc, các lực lượng của Triều Tiên có khả năng dùng đến chiến tranh pha tạp đa hình thái, chiến tranh du kích và Blitzkrieg.

Có khả năng lớn họ sẽ phát động các cuộc tấn công bất ngờ ồ ạt vào các mục tiêu hạn chế, chủ yếu sử dụng các khả năng bất cân xứng của họ”.

Trieu Tien khong yeu nhu My tuong

Hình ảnh Triều Tiên tập trận pháo binh được công bố hồi tháng 4 vừa qua

Do đó, chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên nên được nhìn nhận trong bối cảnh một chiến lược tiến hành chiến tranh toàn diện được tạo ra để có thể thực hiện cuộc xung đột thông thường và pha tạp đa hình thái với Hàn Quốc và Mỹ nếu răn đe thất bại.

Giới phân tích Mỹ vẫn thường cho rằng Triều Tiên sẽ sử dụng vũ khí hóa học, sinh học và thậm chí có lẽ cả vũ khí hạt nhân để tạo ra “một tình trạng bế tắc cần thiết”.

Theo nhà phân tích Mỹ Bennett, Triều Tiên thừa nhận ưu thế về công nghệ quân sự của Mỹ vượt trội hơn đáng kể so với những sự tiến bộ về quân sự của họ cho đến cuối những năm 1970. Bắt đầu vào đầu những năm 1980, nếu không muốn nói là sớm hơn, Triều Tiên bắt đầu điều chỉnh danh mục đầu tư quân sự của họ để bao gồm tất cả các dạng vũ khí hủy diệt hàng loạt, cộng thêm pháo, tên lửa đạn đạo và các lực lượng đặc biệt cần thiết để phóng những vũ khí đó.

Chiến tranh mạng

Một khả năng bất cân xứng khác đang phát triển nhanh mà Triều Tiên đang tiếp tục thực hiện là chiến tranh mạng.

Theo tin tức tình báo quân sự của Hàn Quốc, Triều Tiên đã thành lập một đơn vị các chuyên gia về chiến tranh mạng gồm 6.800 người có khả năng tiến hành nhiều cuộc tấn công mạng khác nhau.

Tuy nhiên, Greg Austin, một giáo sư tại Trung tâm an ninh mạng Australia thuộc Đại học New South Wales, nói với tờ The Diplomat:

“Chúng ta phải chuẩn bị cho những sự bất ngờ, nhưng nói chung, có lẽ Triều Tiên không có khả năng thu thập thông tin tình báo và phân tích phức tạp cho các hoạt động chiến tranh mạng hiệu quả dựa trên bất kỳ cơ sở được duy trì nào. Chiến tranh mạng không dễ dàng như tấn công gây phiền nhiễu hay hoạt động gián điệp đơn giản”.

Theo giáo sư này, mối đe dọa về mạng lớn nhất đến từ Triều Tiên là mối đe dọa đến cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng, có thể bao gồm các nhà máy điện hạt nhân của Hàn Quốc.

Chuyên gia về chiến tranh mạng của Mỹ Jason Healey cho rằng “tai họa” nhằm vào Mỹ sẽ là cố gắng phá hoại các mạng lưới giao thông vận tải, như sân bay và đặc biệt là việc vận chuyển đường biển mà qua đó Mỹ có thể đưa lực lượng đến khu vực.

Chuyên gia này thừa nhận Mỹ biết về các mối đe dọa này hàng thập kỷ nhưng vẫn có những điểm dễ tổn thương vì ngay cả các cuộc tấn công bằng từ chối dịch vụ (DDoS) hay mã độc tống tiền (chẳng hạn, mã độc NotPetya tấn công hãng vận tải Maersk) cũng có thể là đủ.

“Tai họa” nhằm vào Hàn Quốc có thể làm gián đoạn đèn giao thông, máy rút tiền tự động (ATM) và cơ sở hạ tầng khác nhằm tăng sự hoảng loạn và đặc biệt là trì hoãn việc di tản của Seoul trong khi đó hạn chế các khả năng Mỹ đưa lực lượng vào các vị trí chiến đấu.

Ông Healey bác bỏ ý tưởng rằng Triều Tiên sẽ có khả năng làm gián đoạn hay thậm chí đánh cắp các hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân của Mỹ bởi đây là điều khó ngay cả với Nga và Trung Quốc.

Lực lượng đặc biệt và thông thường

Ngoài ra, các lực lượng tác chiến đặc biệt của Triều Tiên cũng sẽ góp phần vào việc đạt được một sự đối đầu giằng co trong trường hợp có xung đột. Lực lượng này hiện nay được ước tính có khoảng 200.000 người và bao gồm một loạt đơn vị kể cả sư đoàn bộ binh hạng nhẹ, lực lượng tấn công đổ bộ và lữ đoàn bắn tỉa.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc giải thích trong một bài đánh giá:

“Trong thời chiến, các đơn vị tác chiến đặc biệt có khả năng thâm nhập vào cả các khu vực phía trước lẫn phía sau thông qua các đường hầm ngầm và khu phi quân sự (DMZ) hoặc với sự giúp đỡ của các phương tiện thâm nhập khác, như tàu ngầm, tàu đổ bộ đệm khí (LCAC), máy bay AN-2 và máy bay trực thăng, để thực hiện các hoạt động pha tạp đa hình thái bằng cách tấn công các đơn vị, cơ sở và căn cứ mang tính sống còn, ám sát các nhân vật then chốt và phá hoại các khu vực phía sau”.

Trieu Tien khong yeu nhu My tuong

Lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên tham gia lễ duyệt binh

Tuy nhiên, các lực lượng đặc biệt của Triều Tiên không được triển khai cho các hoạt động quân sự trên quy mô toàn diện kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc. Do đó, khó có thể đánh giá toàn bộ hiệu quả chiến đấu của họ.

Cuối cùng, không nên đánh giá thấp các lực lượng thông thường của Triều Tiên trong trường hợp có một cuộc xung đột. Triều Tiên có gần 1,2 triệu binh lính ở nhiều nhánh quân sự thông thường khác nhau của nước này. 70% lực lượng mặt đất của Triều Tiên đóng ở gần khu DMZ phía Nam tuyến Bình Nhưỡng-Wonsan.

Theo ước tính của tình báo Hàn Quốc, quân đội Triều Tiên đã và đang tiếp tục cải thiện các khả năng tác chiến, trong đó có hệ thống chỉ huy và kiểm soát chiến thuật tích hợp nhằm cải thiện các khả năng C4I (chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính và tình báo).

Trieu Tien khong yeu nhu My tuong
Binh sĩ Hàn Quốc tập trận đổ bộ chung với Mỹ

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc lưu ý: “Triều Tiên cũng đang cải thiện các khả năng tác chiến của họ thông qua việc hiện đại hóa thiết bị, với các đơn vị thiết giáp và cơ giới hóa hiện đang được trang bị các xe tăng chiến đấu chủ lực Chonma-ho (Thiên mã) và Songun-ho (Tiên quân)”.

Gần đây, Triều Tiên cũng triển khai các phương tiện phóng đa tên lửa 300 mm gần biên giới và nhìn chung đã củng cố các lực lượng pháo binh.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định rằng các lực lượng Triều Tiên có khả năng “tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào Hàn Quốc vào bất kỳ lúc nào”.

Triều Tiên được ước tính là có một kho dự trữ quân sự đủ lớn (chẳng hạn, đạn dược, nhiên liệu) để chiến đấu từ 1-3 tháng.

The Diplomat cho rằng sự giúp đỡ về quân sự bí mật hoặc công khai của Nga và Trung Quốc có thể kéo dài lịch trình này.

RELATED ARTICLES

Tin mới