Saturday, May 18, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKhaisilk bán khăn TQ: Ai gánh lỗi lớn nhất?

Khaisilk bán khăn TQ: Ai gánh lỗi lớn nhất?

Phải bịt những lỗ hổng trong công tác quản lý nhằm đưa ra được giải pháp căn cơ, chứ không chỉ thụ động ngồi chờ dư luận phát hiện mới xử lý.

Trách nhiệm đầu tiên thuộc về quản lý

PGS.TS Vũ Trí Dũng nói thẳng, sự việc Khaisilk nhập khăn Trung Quốc về gắn mác hàng Việt rồi quảng cáo, kiếm lợi trên thương hiệu Việt là cách làm ăn gian dối, khó có thể chấp nhận.

Ông Dũng nhấn mạnh, đây là sai phạm về mặt đạo đức kinh doanh, là lừa dối khách hàng.

“Câu chuyện này giống như “vừa ăn cắp vừa la làng”, làm ăn gian dối lại còn nhân danh thương hiệu quốc gia”, ông Dũng bức xúc.

Tuy nhiên, qua vụ việc này vị chuyên gia cho rằng, trách nhiệm lớn nhất thuộc về khâu quản lý.

“Đầu tiên phải nói rằng, vụ việc là hệ quả của lỗi quản lý. Vụ việc cho thấy cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể là cơ quan quản lý thị trường, Bộ Công thương đã chưa làm hết trách nhiệm của mình”.

Ông cho biết, về quy trình quản lý một thương hiệu, thì đầu tiên doanh nghiệp sẽ phải đăng ký sản phẩm, nhãn hiệu, thương hiệu kinh doanh. Đối với các mặt hàng đăng ký, doanh nghiệp cũng phải đăng ký rõ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, nguyên liệu tạo ra sản phẩm từ những gì, nhập từ đâu…

Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý thị trường sẽ thường xuyên giám sát, kiểm tra chất lượng, nguồn gốc sản phẩm doanh nghiệp nhập về có đúng với đăng ký hay không.

“Vấn đề ở đây là cơ quan quản lý thị trường đã không kiểm tra hoặc, kiểm tra nhưng thụ động, không đạt được mục tiêu. Vì thế, mới có câu chuyện đợi khách hàng phát hiện, tố cáo rồi mới cuống cuồng lo xử lý”, ông Dũng nói.

Còn nhiều thứ na ná như Khaisilk

PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh lại không ngạc nhiên khi cơ quan quản lý thị trường, Bộ Công thương không phát hiện được hành vi làm ăn gian dối của Khaisilk dù hành vi gian dối đó vẫn tồn tại từ nhiều năm qua.

Ông Thịnh cho biết, ở Việt Nam có rất nhiều thứ như Khaisilk, na ná Khaisilk vẫn từng tồn tại, đang tồn tại mà cơ quan quản lý không phát hiện, xử lý được. Điển hình như vụ việc Vn Pharma bị điều tra bán thuốc giả cũng vậy. Một vụ việc nghiêm trọng như vậy nhưng bao nhiêu năm qua cơ quan quản lý thị trường vẫn không thể phát hiện được.

Theo ông Thịnh, ở đây có hai nguyên nhân, thứ nhất, có một phần chủ đích từ phía doanh nghiệp.

“Khi doanh nghiệp đã cố tình làm ăn gian dối, họ sẽ có nhiều chiêu thức để che giấu hành vi của mình mà qua kiểm tra không dễ phát hiện được. Nhất là khi hành vi gian lận đó lại được che đậy, núp dưới cái bóng một thương hiệu lớn thì công tác kiểm tra, thanh tra lại càng khó”, ông Thịnh cho biết.

Thứ hai, về phía cơ quan quản lý thị trường, vị PGS nói ngay có sai sót của cơ quan quản lý.

“Rõ ràng, năng lực quản lý thị trường quá hạn chế. Những thứ hiển hiện ngay trước mắt như hàng giả, hàng nhái bày bán công khai, tràn ngập khắp thị trường từ quần áo, đồ dùng cho tới phụ tùng máy móc… nhưng cũng không thấy xử lý, ngăn chặn được. Ở đây cần phải xem xét lại năng lực, trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường. Quản lý thị trường đã làm hết trách nhiệm chưa? Trách nhiệm trong các vụ việc này tới đâu? Ai phải chịu trách nhiệm?… tất cả phải được làm rõ, xử lý nghiêm minh”, ông Thịnh nói.

Vị PGS cho rằng, qua vụ việc, cần phải nhìn nhận rõ hơn về trách nhiệm cũng như quyền lợi của người tiêu dùng. Theo ông, cần thiết phải có cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm khuyến khích, tôn vinh những người tiêu dùng dám mạnh dạn nói lên sự thật.

“Tôi biết có rất nhiều người tiêu dùng đã từng mua phải sản phẩm giả từ nhiều năm rồi nhưng không dám lên tiếng.

Lý do là người tiêu dùng còn e ngại, còn sợ bị trả thù, và một phần còn do cơ chế của chúng ta đã chưa có được nơi cho người dân tố cáo.

Dù chúng ta đang có Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, nhưng bản thân người tiêu dùng nhiều khi muốn lên tiếng cũng không biết phải tìm Hiệp hội này ở đâu?”, ông Thịnh cho biết.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh rằng, thân các doanh nghiệp Việt muốn xây dựng được thương hiệu để làm ăn bền vững, lâu dài thì cần phải trú trọng tới uy tín, đạo đức trong kinh doanh. Những hành vi gian dối, lừa dối khách hàng sớm muộn cũng sẽ bị phát hiện và tẩy chay.

Làm sao ngăn chặn những Khaisilk chưa lộ mình?

Từ vụ Khaisilk, PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh cho rằng phải cải tổ công tác quản lý nhằm đưa ra được giải pháp căn cơ, chứ không chỉ thụ động ngồi chờ dư luận phát hiện mới xử lý.

Ông nói rõ, bản chất của sự việc bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, cho tới những tồn tại, yếu kém về mặt thị trường cũng như những lỗ hổng trong công tác quản lý.

“Thứ nhất, kiến thức của người tiêu dùng Việt Nam đối với sản phẩm lụa truyền thống còn rất hạn chế.

Bản thân người mua hàng vẫn chỉ mua hàng dựa trên lời cam kết cũng như uy tín của nhà phân phối.

Có rất ít người mua hàng có đủ kiến thức để phân biệt được đâu là lụa Việt, đâu là lụa có chất liệu pha trộn từ nước ngoài, đặc biệt là sản phẩm lụa từ Trung Quốc. Điều này là rất khó khăn.

Thứ hai, thị trường tơ lụa của Việt Nam còn quá lạc hậu, yếu kém. Các làng nghề truyền thống cũng không sống được bằng nghề, các sản phẩm tạo ra còn thô sơ, mẫu mã chưa phong phú, giá thành lại cao, không cạnh tranh được với những sản phẩm của nước khác”, ông Thịnh nêu.

Từ những vẫn đề trên, ông Thịnh cho rằng, vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý là:

“Trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường, cơ quan quan thuế phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ đường đi của sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ đâu?

Bên cạnh đó, trách nhiệm của cơ quan thuế phải quản lý cho được những hóa đơn, chứng từ xuất, nhập hàng hóa của doanh nghiệp.

Ngăn chặn những hiện tượng móc nối giữa doanh nghiệp với công ty trung gian thực hiện hành vi mua đi, bán lại hóa đơn, chứng từ. Ngăn chặn hành vi thông đồng làm giả nguồn gốc hàng hóa.

Tôi ví dụ, một doanh nghiệp mua 10m lụa của một làng nghề nào đó, nhưng lại thông đồng, ghi hóa đơn lên tới 100m, thậm chí hàng nghìn mét lụa… như vậy, ở đây sẽ là trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế. Tôi cho rằng, đây cũng chính là khoảng trống lớn trong công tác quản lý đã bị bỏ ngỏ từ nhiều năm nay, bây giờ cần phải được xử lý, khắc phục”, ông Thịnh nêu.

RELATED ARTICLES

Tin mới