Monday, May 6, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiViệt Nam kỳ vọng gì ở kinh tế tư nhân?

Việt Nam kỳ vọng gì ở kinh tế tư nhân?

Chính phủ Việt Nam vừa ra mắt Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân trong bối cảnh kinh tế nhà nước thiếu hiệu quả.

Ban này thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng.

Ban gồm 6 người này được mô tả có nhiệm vụ nghiên cứu và tư vấn, đề xuất việc cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân.

Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban, được dẫn lời nói tại buổi lễ ra mắt chiều tối 30/10 rằng trước mắt sẽ chọn ba lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, du lịch và công nghệ thông tin.

  • 1. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính.
  • 2. Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh Bình Dương.
  • 3. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận.
  • 4. Ông Trần Trọng Kiên, thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch.
  • 5.Ông Vũ Văn Tiền, thành viên Ban cố vấn Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam.
  • 6. Ông Don Di Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghị sự toàn cầu về ASEAN, Diễn đàn Kinh tế thế giới.

“Nếu thất bại chúng tôi sẽ mất uy tín, doanh nghiệp sẽ không trông cậy được chúng tôi. Vì vậy chúng tôi rất mong sự hỗ trợ của doanh nghiệp và các anh, các chị,” ông Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính, nói.

Ông Bình cũng nói thêm rằng ông kỳ vọng “bằng cách nào đó” để vai trò đóng góp của kinh tế tư nhân “từ 40% GDP hiện nay lên 60%”.

Việc ra đời ban này được thực hiện vài tháng sau khi có phiên đối thoại của Thủ tướng Phúc với gần 1.000 doanh nghiệp hồi cuối tháng Bảy khi ông Phúc mô tả điều ông gọi là “kinh tế tư nhân là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế đất nước” và cam kết rằng Chính phủ sẽ xoá bỏ mọi rào cản, mọi định kiến để phát triển kinh tế tư nhân “lành mạnh, đúng định hướng”.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cho biết hiện có hơn 600.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp tư nhân.

Hầu hết các doanh nghiệp thành lập từ năm 2000 trở lại đây và khá nhiều là doanh nghiệp “siêu nhỏ” và hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp theo là đến xây dựng, công nghiệp…

Trưởng Ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn, được dẫn lời nói rằng 65% doanh nghiệp gặp khó khăn tiếp cận đất đai như thủ tục hành chính, giá đất cao, giải phóng mặt bằng …

Ngoài ra vấn đề các doanh nghiệp phải trả cái gọi là “chi phí không chính thức” là khá phổ biến.

Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images

Một nhà quan sát tại Hà Nội muốn ẩn danh nói với BBC có sự tồn tại của cái gọi là “doanh nghiệp tư nhân sân sau”, tức là thực chất là doanh nghiệp do người trong nhà nước điều hành nhưng không đứng tên.

“Các vụ đại án và bê bối ngân hàng vài năm qua là bằng chứng rõ ràng cho cái gọi là ‘kinh tế thị trường định hướng nhóm lợi ích’, dưới vỏ kinh tế tư nhân,” người này nói.

Chính phủ Việt Nam hồi đầu tháng 10 ban hành một nghị quyết nhằm tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho việc cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh trong đó tạo điều kiện cả cho các công ty nhà nước.

Hiện chưa rõ việc tháo bỏ điều kiện kinh doanh sẽ có hệ lụy ra sao với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng.

Một loạt các bộ ngành tại trong nước đang cố gắng tháo bỏ điều kiện kinh doanh trong thời gian gần đây, một động thái được xem là tạo điều kiện cho cả các doanh nghiệp nhà nước, vốn đã hưởng lợi quá nhiều so với doanh nghiệp tư nhân.

Chỉ trong hai tháng (7-9) Chính phủ đã liên tiếp ban hành 4 Nghị quyết trong đó yêu cầu các bộ rà soát, loại bỏ “các điều kiện kinh doanh bất hợp lý”.

RELATED ARTICLES

Tin mới