Friday, November 15, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiLại lý luận thuế xăng dầu Việt Nam thấp hơn Mỹ

Lại lý luận thuế xăng dầu Việt Nam thấp hơn Mỹ

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ thuế bảo vệ môi trường trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức thấp so với nhiều nước.

Trả lời cử tri về đề xuất sửa đổi khung thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ 1.000-4.000 đồng/lít lên khung 3.000-8.000 đồng/lít, Bộ Tài chính cho rằng: Xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường ở diện rộng.

Các nước trên thế giới đã đưa xăng dầu vào đối tượng thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường (nhằm mục đích bảo vệ môi trường) với các tên gọi khác nhau như thuế nhiên liệu, thuế năng lượng, thuế phương tiện,…

Theo Luật thuế bảo vệ môi trường hiện hành, xăng dầu thuộc đối tượng chịu thuế, với khung thuế từ 1.000-4.000 đồng/lít đối với xăng, từ 1.000-3.000 đồng/lít đối với nhiên liệu bay.

Mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành đối với xăng là 3.000 đồng/lít (gần bằng mức tối đa trong khung thuế), đối với nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít (đã bằng mức tối đa trong khung thuế). Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu để phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ là khó có thể thực hiện được, đặc biệt trong điều kiện phải cắt giảm dần thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo cam kết quốc tế và giá dầu trên thị trường thế giới biến động bất thường, khó lường.

Lý do Bộ Tài chính đề xuất tăng khung thuế, một là do việc thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (hiện Việt Nam đã và đang tham gia 11 Hiệp định thương mại tự do); hai là chủ động ứng phó khi giá dầu thế giới có biến động bất thường, khó lường; ba là dầu là sản phẩm khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.

Đáng chú ý, báo Dân trí dẫn báo cáo của Bộ Tài chính cho rằng, tỷ lệ thuế xăng dầu (gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức thấp so với nhiều nước.

Cụ thể, tỷ lệ thuế trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức thấp (37,49% đối với xăng; 20,76% đối với dầu diesel; 11,59% đối với dầu hỏa; và 19,13% đối với dầu mazút) so với nhiều nước (Hàn Quốc khoảng 70%, Campuchia khoảng 40%, Lào khoảng 56%, Philipines khoảng 62%, Nga khoảng 52%, Mỹ khoảng 53%, Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 83%, Thái Lan khoảng 67%).

Vì thế, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh nâng khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ 1.000-4.000 đồng/lít lên 3.000-8.000 đồng/lít (không áp dụng lộ trình).

Mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể đối với xăng vẫn áp dụng như hiện hành là 3.000 đồng/lít.

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Tài chính đưa ra lý do thuế xăng dầu của Việt Nam vẫn thấp so với nhiều nước trên thế giới để đề nghị tăng thuế. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng nhiều lần chỉ ra rằng lý do mà Bộ Tài chính đưa ra là không thuyết phục.

Trả lời báo chí, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, so sánh giá xăng Việt Nam và thế giới phải dựa trên nhiều yếu tố.

Thứ nhất, dựa trên thu nhập bình quân đầu người Việt Nam với các nước, dựa trên sức mua người dân.

Thứ hai, gắn với yếu tố trên, phải căn cứ vào mức  sinh hoạt. chi phí của người dân cho việc đi lại (tiền xăng, vé tàu xe) của chúng ta so với các nước.

Ngoài ra phải xem xét khả năng chi trả, đóng thuế của người dân.

“Một yếu tố nữa, vấn đề bảo vệ môi trường ở mỗi nước có tình hình cụ thể khác nhau.

Mức độ ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường của xăng dầu ở những nước công nghiệp phát triển cao hơn các nước đang phát triển và giữa các nước đang phát triển cũng khác nhau do chính sách trong lĩnh vực này khác nhau.

Những yếu tố đó chúng ta phải đặt ra để cân nhắc toàn diện.

Do đó viện dẫn giá xăng Việt Nam đang thấp để tăng khung thuế bảo vệ môi trường như thế nào cần cân nhắc đầy đủ hơn”,  TS Hồ nêu quan điểm.

Theo TS Lưu Bích Hồ, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định kinh tế đa phương và song phương, do đó phải thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu khiến nguồn thu ngân sách giảm.

Trong bối cảnh đó, nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại ngân sách và nguồn thu là cần thiết.

Tuy nhiên, nghị quyết không quy định rõ tăng thu ở nguồn thuế nào và tăng như thế nào. Bộ Tài chính cần cân nhắc việc này sao cho hợp lý, tránh những tác động xấu có thể xảy ra.

RELATED ARTICLES

Tin mới