Monday, November 11, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiQuốc gia Hồi giáo duy nhất đồng thuận rời bỏ NATO?

Quốc gia Hồi giáo duy nhất đồng thuận rời bỏ NATO?

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi giáo duy nhất gia nhập NATO và cũng có thể sắp ra khỏi Liên minh này trong thời gian tới.

Vụ tai tiếng mới xảy ra do sử dụng tên tuổi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và người sáng lập nền Cộng hòa nước này Ataturk như là “nhà lãnh đạo thù địch” trong cuộc tập trận của NATO tại Na Uy đã dẫn đến cuộc tranh luận trong xã hội về sự cần thiết xem xét lại mối quan hệ với NATO.

Vụ scandan đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ cả chính quyền lẫn phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ.

Vấn đề quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO, đã gây chia rẽ trong xã hội nước này sau cuộc đảo chính ngày 15/7/2016, lại được đưa ra trong các chương trình nghị sự.

Một trào lưu trong xã hội nước này, từ dân thường tới các quan chức chính phủ và giới chính khách đã dấy lên, đòi xem xét khả năng đưa đất nước rời khỏi Liên minh Quân sự bắc Đại Tây Dương, đã làm bùng nổ giới truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ trong mấy ngày qua.

Lãnh đạo “Đảng Phong trào Quốc gia” Devlet Bahceli – một đảng đang ủng hộ chính sách của Tổng thống Erdogan, nói về vấn đề này như sau “Chúng ta có thể tồn tại mà không phải là thành viên (NATO), nếu cần thiết, chúng ta có thể rút khỏi tổ chức này, và sẽ không có ngày tận thế nào hết”.

Trước đó, một tuyên bố tương tự đã được chủ tịch Đảng “Saadet” là ông Temel Karamollaoglu đưa ra.

Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi giáo duy nhất trong Liên minh và hiện nay, đất nước nên xem xét lại một cách nghiêm túc mối quan hệ với NATO.

Về phần mình, chủ tịch Đảng “Quê hương” (Vatan) Dogu Perincek đã đả kích NATO và ủng hộ các chính sách của Tổng thống Recep Tayip Erdogan; đồng thời nhấn mạnh rằng, tư cách thành viên NATO không mang tới cho Thổ Nhĩ Kỳ sự độc lập, mà ngược lại, đang phá hủy nó.

Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc hội của Đảng Phong trào Quốc gia (MHP) Erkan nhấn mạnh rằng, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia thành viên lớn nhất NATO, là nước hành xử phù hợp với hiến chương và những giá trị cơ bản của Liên minh.

Cho đến nay, Ankara đã hoàn thành tất cả các nghĩa vụ, bắt đầu từ khi gia nhập Liên minh này vào năm 1952. Nhưng ngược lại, nếu nhìn vào những sự kiện đã diễn ra và các chính sách của NATO trong giai đoạn này, dễ dàng nhận thấy rằng, Liên minh đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO, cần phải nhận được sự hỗ trợ nhưng trong hầu hết các trường hợp điều này không xảy ra. Thậm chí, NATO lại trở thành một công cụ khiêu khích chống lại Ankara, có những thời điểm thậm chí “đóng vai trò trung tâm” của những hành động này.

Theo ông, bản chất của việc sử dụng hình ảnh của Quốc phụ Mustafa Kemal Atatürk (người sáng lập Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ) và Tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan làm “mục tiêu kẻ thù” trong khi tập trận, đã thể hiện “hành động thấp kém” của NATO.

Ông Akcay nhấn mạnh, không chỉ nhìn vào việc Tổng thư ký NATO nói lời xin lỗi và cam kết bắt đầu điều tra sự cố, mà nhìn vào những thời điểm cụ thể diễn ra từ năm 1952, Thổ Nhĩ Kỳ có những nghi ngờ nghiêm túc về sự chân thành của những lời tuyên bố và xin lỗi này.

Nói thêm về việc NATO đã đưa ra công chúng bản đồ của Hiệp ước Hòa bình Sevres (được ký năm 1920, chính thức chia cắt phần Ả Rập và châu Âu của Đế quốc Ottoman), chính trị gia nói rằng, tất cả những diễn biến đó cho thấy, NATO bắt đầu cuộc chiến tranh tâm lý chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo ông, đó là lý do tại sao chính quyền Ankara đang nghiêm túc nói về sự cần thiết phải nêu lên vấn đề tư cách thành viên NATO. Liên minh này như một “vườn ươm” nuôi dưỡng các vụ khiêu khích khác nhau và đã đưa ra một loạt hành động thể hiện sự thù địch cố hữu với Thổ Nhĩ Kỳ.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh rằng, trên khắp thế giới, nhiều cấu trúc và tổ chức bí mật của NATO đã được phát hiện, có các hoạt động mờ ám gây ra những câu hỏi lớn ở nhiều nước, trong đó có cả Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là qua vụ đảo chính bất thành tháng 7/2016.

Không chỉ thông qua vụ việc này mà xuyên suốt trong khuôn khổ cả quá trình hoạt động của NATO từ trước đến nay, ông cho rằng, sẽ rất hữu ích để đặt ra câu hỏi nghiêm túc về hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ của cấu trúc gọi là quân đội bí mật NATO “Gladio” – Akcay cho biết.

RELATED ARTICLES

Tin mới