Hành động từ chức của ông Mugabe đang tạo ra sự phấn khích lớn trong lòng mỗi người dân Zimbabwe, khi mở ra những hy vọng mới về một tương lai tươi sáng.
Hãng tin CNN hôm 21/11 đưa tin, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe đã chính thức tuyên bố từ chức sau 37 năm cầm quyền, thông qua một bức thư gửi tới Quốc hội nước này ngay trước khi diễn ra phiên điều trần để luận tội ông Mugabe.
Trong bức thư, ông Mugabe khẳng định, việc từ chức Tổng thống của ông là hoàn toàn tự nguyện, vì lợi ích đất nước chứ không bởi một sự cưỡng bức nào, đồng thời mong muốn cuộc chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra trong hòa bình.
“Quyết định từ chức của tôi là tự nguyện và xuất phát từ mối quan tâm của tôi đối với lợi ích của người dân Zimbabwe và tôi mong muốn rằng, cuộc chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra ôn hòa và bất bạo động để thiết lập một nền tảng chính trị ổn định, hòa bình cho quốc gia”, ông Mugabe viết.
Như vậy, ông Mugabe đã có một quyết định rõ ràng và là sự lựa chọn phù hợp với ý chí, nguyện vọng của người dân Zimbawbe vào lúc này, sau một tuần bất ổn về chính trị và giằng co dưới áp lực của đảng ZANU-PF, quân đội và người dân để cố níu giữ quyền lực.
Ngay sau khi nghị sĩ Helton Bonongwe công bố bức thư từ chức của ông Mubabe trước Quốc hội, cả hội trường đã bùng nổ bởi những tràng pháo tay không ngớt thể hiện sự vui mừng, hạnh phúc của hơn 400 nghị sĩ và thượng nghị sĩ có mặt trong trụ sở Quốc hội.
Niềm vui về việc ông Mugabe tuyên bố từ chức cũng đã nhanh chóng lan tỏa ra khắp nơi trên đất nước Zimbabwe và người dân lại đổ ra đường để ăn mừng và bày tỏ niềm vui sướng cũng như hy vọng về một sự đổi thay của đất nước.
Chị Nancy Thembi, một sinh viên 21 tuổi nói trong niềm hân hoan phấn khởi:
“Tôi chưa bao giờ nghĩ điều đó sẽ xảy ra sớm như vậy. Chúng tôi coi đây là ‘một kỷ nguyên mới’ cho đất nước Zimbabwe.
Chúng tôi hy vọng lịch sử sẽ thay đổi để Zimbabwe không còn đói nghèo và mất tự do”.
Trong khi đó, các đám đông cũng bao quanh lấy những chiếc xe bọc thép cùng binh lính để reo hò, cổ vũ và ăn mừng trong niềm phấn khích tột độ.
Một cặp vợ chồng trẻ cùng với đứa con mới biết đi, ngồi chụp hình với những người lính trên chiếc xe bọc thép nói trong những giọt nước mắt hạnh phúc:
“Chúng tôi cảm ơn Chúa, niềm vui này sẽ dành cho con trai tôi. Đây là một ngày mà mặt trời lại mọc trên đất nước Zimbabwe.
Chúng tôi hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho Zimbabwe”.
Chị Blessing Nyathi, năm nay 37 tuổi, có chồng là cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đã chết cách đây 10 năm, đang vật lộn với cuộc sống cơ cực để nuôi dạy sáu người con, chia sẻ:
“Hy vọng mọi thứ giờ đây sẽ trở nên tốt hơn. Mugabe đã không cho chúng tôi gì cả ngoài sự nói dối và những lời hứa suông.
Chúng tôi đã đau khổ quá nhiều rồi, mộ phần của chồng tôi không ai quan tâm chăm sóc, tôi không được trợ cấp gì cả.
Chúng tôi đã không còn tôn trọng Mugabe nữa”. [2]
Người dân Zimbabwe phấn khích sau khi ông Mugabe tuyên bố từ chức (Ảnh: CNN) |
Cùng với tâm trạng vui sướng của dòng người đông đúc trên các ngả đường, một người dân Zimbabwe da trắng có tên Lloyd Herschel cho biết:
“Đêm nay chúng tôi sẽ không ngủ, vì bây giờ chúng tôi có thể tiến về phía trước và những đứa trẻ sẽ được lớn lên trong một đất nước Zimbabwe mới”.
Anh Nathan Gutu, 27 tuổi vui mừng nói với phóng viên CNN rằng: “Hãy để thế giới biết Zimbabwe của chúng tôi hôm nay rất vui mừng và hạnh phúc”.
Cùng cảm xúc tương tự, một người bạn của Gutu có tên là Prosper Ngomashi nói:
“Zimbabwe đã không có độc lập từ lâu, và hôm nay là ngày độc lập thật sự của chúng tôi.
Chúng tôi đang rất vui sướng và phấn khích. Tương lai của chúng tôi đang được mở ra”.
Bên cạnh những cảm xúc vui mừng, hạnh phúc vì Mugabe từ chức, người dân còn kêu gọi cựu Phó Tổng thống Mnangagwa lên tiếp quản chức vụ Tổng thống mà ông Mugabe để lại, với một sự trân trọng và đặt niềm hy vọng lớn lao.
Ông Clement Nlizeyo, một nhà nghiên cứu chính trị cho biết:
“Chúng tôi ủng hộ ông Mnangagwa làm Tổng thống, bởi vì ông ấy là biểu tượng cho sự thay đổi của đất nước.
Ông ấy đã là một phần trong hệ thống lãnh đạo của Mugabe trong suốt 37 năm qua nên ông ấy biết những gì cần phải thay đổi”.
Ông Emmerson Mnangagwa (bên trái) sẽ tiếp quản chức vụ Tổng thống Zimbabwe (Ảnh: CNN) |
Ông Mnangagwa hiện được cho là sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thay thế ông Mugabe vào cuối tuần này.
Các thành viên của đảng ZANU-PF cầm quyền cũng đã thể hiện sự nhất trí cao trong việc bầu ông Mnangagwa giữ chức Chủ tịch đảng ZANU-PF để tiến tới tiếp quản chức vụ Tổng thống của ông Mugabe.
Ông Mnangagwa cũng đã xuất hiện công khai chỉ vài giờ trước khi ông Mugabe tuyên bố từ chức và có bài phát biểu lần đầu tiên trước công chúng kể từ khi bị ông Mugabe phế truất khỏi chức vụ Phó Tổng thống.
Trong bài phát biểu của mình, ông Mnangagwa đã kêu gọi về một tinh thần đoàn kết ở Zimbabwe để tiến tới xây dựng một “kỷ nguyên mới” của đất nước.
“Mong muốn của tôi là, tất cả người dân Zimbabwe sẽ cùng nhau chung tay xây dựng một ‘kỷ nguyên mới’ cho đất nước, bởi đây không phải là công việc mà một mình đảng ZANU-PF có thể làm được, mà phải là tất cả mọi người Zimbabwe.
Điều quan trọng là tất cả mọi người phải đoàn kết để xây dựng lại đất nước một cách trọn vẹn”, ông Mnangagwa nói.
Trong khi đó, phe đối lập Thay đổi Dân chủ (MDC-T), đứng đầu cựu Thủ tướng Morgan Tsvangirai lại đang tỏ ra yếm thế và bị chia rẽ, khi chỉ đưa ra những hy vọng vào một cam kết cho việc thành lập một chính phủ liên hợp chuyển tiếp để tiến tới cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 8 năm sau.
Hiện tại, một số tổ chức và quốc gia trên thế giới đã có những phản ứng sau khi ông Mugabe tuyên bố từ chức.
Ông Moussa Faki Mahamat, Chủ tịch Uỷ ban Liên minh Châu Phi cho biết, ông hoan nghênh quyết định từ chức của Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe.
“Quyết định hôm nay của Tổng thống Mugabe là phù hợp với bối cảnh lịch sử và nó sẽ không làm mất đi di sản chính trị của ông Mugabe.
Liên minh Châu Phi nghi nhận rằng, người dân Zimbabwe đã bày tỏ mong muốn cần phải có một cuộc chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa theo cách giữ vững được tương lai dân chủ ở đất nước này.
Quyết định từ chức của Tổng thống Mugabe sẽ mở đường cho một quá trình chuyển mình của đất nước Zimbabwe”.
Thủ tướng Anh Theresa May cũng đưa ra quan điểm rằng:
“Việc ông Mugabe từ chức đã cung cấp cho đất nước Zimbabwe một cơ hội để tạo ra một con đường mới thoát khỏi áp bức, bất công và đói nghèo”.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Harare cũng đã ra một thông báo để chúc mừng người dân Zimbabwe, nội dung thông báo có đoạn viết:
“Đêm nay đánh dấu một khoảnh khắc lịch sử cho Zimbabwe. Chúng tôi xin chúc mừng tất cả người dân Zimbabwe, bởi đất nước này đã đến lúc thay đổi những thứ đã lỗi thời.
Hoa Kỳ kêu gọi một sự tôn trọng không ngần ngại đối với pháp quyền và các thực tiễn dân chủ đã được thiết lập”. [1]
Trong khi đó, ông Salil Shetty, Tổng thư ký Tổ chức Ân xá Quốc tế, đã đưa ra lời kêu gọi nhà lãnh đạo mới của Zimbabwe hãy cam kết cải thiện điều kiện sống cho người dân.
“Con đường phía trước cho đất nước Zimbabwe là phải từ bỏ quá khứ và chuyển đổi sang một kỷ nguyên mới, nơi các quy định của pháp luật được tôn trọng.
Người dân Zimbabwe xứng đáng được hưởng tự do, hạnh phúc. Thế hệ kế tiếp của các nhà lãnh đạo phải cam kết duy trì hiến pháp và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. [4]
Mặc dù đã có một số tổ chức và quốc gia lên tiếng sau khi ông Mugabe từ chức, nhưng hiện tại nước láng giềng Nam Phi vẫn chưa có bất cứ một phản ứng nào, dù họ là nước đầu tiên cử đặc phái viên đến Zimbabwe để làm trung gian hòa giải trong suốt một tuần qua.
Như vậy là, sau một tuần xảy ra những bất ổn chính trị tại đất nước Zimbabwe, khi quân đội nước này tiến hành một cuộc chính biến quân sự, phong tỏa mọi quyền lực của Tổng thống Mugabe và yêu cầu ông từ chức, đến nay ông Mugabe đã chính thức tuyên bố rời khỏi địa vị chính trị của mình sau 37 năm lãnh đạo đất nước.
Hành động từ chức của ông Mugabe đang tạo ra sự phấn khích lớn trong lòng mỗi người dân Zimbabwe, khi mở ra những hy vọng mới về một tương lai tươi sáng hơn cho quốc gia nghèo khó và đau khổ này.
Cuộc chuyển giao quyền lực có thể chính thức được tiến hành trong vài ngày tới, và mong muốn của cộng đồng quốc tế về một cuộc chuyển tiếp quyền lực sẽ diễn ra trong hòa bình để tạo đà cho sự đổi thay của đất nước Zimbabwe cũng sẽ là những khát khao cháy bỏng mà người dân nơi đây đã hằng mong muốn.