Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHọc giả Ấn Độ: TQ muốn lợi dụng COC

Học giả Ấn Độ: TQ muốn lợi dụng COC

Giáo sư Brahma Chellaney đến từ Ấn Độ không ngại chỉ thẳng âm mưu của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong hội thảo quốc tế tổ chức ở TP.HCM.

Sáng 27-11, tại TP.HCM đã khai mạc hội thảo quốc tế lần thứ chín về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) tổ chức.

Ngay sau phát biểu khai mạc của phó giáo sư Nguyễn Vũ Tùng, giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, phiên đầu tiên của hội thảo đã diễn ra với chủ đề rất sôi động, thực chất: Đánh giá diễn biến trên Biển Đông.

Ông Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược Trung tâm Nghiên cứu chính sách (Ấn Độ), đã khai màn bằng bài nhận định thẳng thắn về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với câu chuyện Biển Đông.

“Tiến trình đàm phán tiến tới thành lập một bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mang theo rủi ro không thể tránh khỏi về việc quân sự hoá, và sự thống trị của ‘một nước’ trong khu vực. Khi một nước đang sử dụng ‘lối đi tắt’ trên Biển Đông thì chuẩn mực an ninh đồng đều cho các nước có thể nói là rất lỏng lẻo” – giáo sư Chellaney nói.

Học giả Ấn Độ: Trung Quốc muốn lợi dụng COC - Ảnh 2.

Giáo sư Chellaney (ngoài cùng bên trái) đã thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc tại hội thảo sáng 27-11 – Ảnh: NHẬT ĐĂNG

 

Học giả người Ấn Độ dùng chữ “một nước” để ám chỉ Trung Quốc, đồng thời cảnh báo rằng COC nếu không khéo sẽ chỉ tạo ra khoảng cách lớn giữa chính trị và kinh tế.

Ông Chellaney đặc biệt chú trọng vào bản chất của COC, đặt dấu hỏi rằng đây có phải một bộ quy tắc ứng xử minh bạch, công bằng về mặt an ninh cho các nước, hay lại chỉ là công cụ để nước lớn giành lợi thế trước các nước nhỏ.

Tiếp theo trong phần phản ánh hiện trạng Biển Đông, giáo sư Chellaney không cần ngại chỉ thẳng tên Trung Quốc kèm theo hai điểm:

Thứ nhất, Trung Quốc đã chứng tỏ ý đồ bành trướng, và làm mọi cách để ngăn các nỗ lực quốc tế cùng chứng kiến và góp phần giải quyết câu chuyện Biển Đông.

Thứ hai, kể cả khi bị trọng tài quốc tế xử thua cuộc như trường hợp vụ kiện của Philippines năm 2016, Trung Quốc cũng ngó lơ phán quyết. Điều này rõ ràng không chỉ tác động tới Biển Đông, mà còn là một cột mốc, tiền lệ nguy hiểm cho an ninh hàng hải toàn cầu.

Ông Chellaney lập luận rằng cũng vì vậy, Biển Đông không thể chỉ là chuyện “Trung Quốc với các nước ASEAN”, mà nhất thiết mọi cách ứng xử đều phải tôn trọng luật pháp quốc tế.

Tại cuộc họp hồi tháng 8 qua, bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN cùng Trung Quốc đã đồng ý thông qua bộ khung của COC, theo Tân Hoa xã.

Nhưng tính tới nay, các thỏa thuận cụ thể xung quanh nguyên tắc của COC – một văn bản có tính ràng buộc về mặt pháp lý – vẫn còn là yếu tố khiến giới quan sát tò mò, thậm chí lo ngại về cơ chế thực hiện.

Trả lời Tuổi Trẻ về lý do Trung Quốc chọn thời điểm này để thúc đẩy COC, giáo sư Jay Batongbacal, giám đốc Viện Các vấn đề biển và luật biển ở Đại học Philippines, nhận định: “Chúng ta đều thấy rằng Trung Quốc giờ đây đã có lợi thế trên Biển Đông sau giai đoạn xây dựng đảo nhân tạo trái phép. Thế nên giờ họ muốn thúc đẩy COC để tạo ra cảm giác hiện trạng cần được ‘duy trì’”.

Tham dự hội thảo có gần 200 đại biểu, trong đó bao gồm gần 90 học giả quốc tế, 70 học giả và đại biểu Việt Nam, 20 đại diện từ 17 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và 60 phóng viên thuộc 35 hãng tin trong và ngoài nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới