Ngành đường sắt với những vấn đề tham nhũng, chất lượng kém và lịch sử không mấy sáng sủa, nhưng Trung Quốc vẫn đẩy mạnh đầu tư và tham vọng xuất khẩu đường sắt ra nước ngoài.
Khi xảy ra vụ 2 tàu cao tốc ở Ôn Châu, Trung Quốc đâm vào nhau, làm 40 người chết năm 2011, người dân nước này đã rất bức xúc với sự tắc trách của các quan chức ngành đường sắt, và chán không muốn sử dụng hệ thống đường sắt.
Nhiều năm sau, chính quyền Trung Quốc lại tiếp tục thực hiện tham vọng về đường sắt. Vào tháng 12/2016, nước này đã mở một tuyến đường sắt cao tốc dài 2.252 km đi từ Thượng Hải – thành phố ven biển phía đông đến Côn Minh – tây nam đất nước trong 11 giờ.
Trong vòng chưa đầy 1 năm hoạt động, gần đây tuyến đường sắt này đã bộc lộ những bất cập trong xây dựng. Tin tức này được rò rỉ lần đầu tiên vào ngày 13/11 qua một bài đăng trên Weibo – mạng xã hội được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc. Một trang web tin tức khác của Trung Quốc đã đăng các sự kiện diễn ra tại tỉnh Quý Châu, công bố các tài liệu nội bộ của China Railway – Tập đoàn đường sắt nhà nước dưới sự chỉ đạo của ĐCSTQ.
Bài đăng tiết lộ rằng, đoạn Quý Châu của tuyến đường sắt Thượng Hải – Côn Minh bị lỗi thiết kế và xây dựng đường hầm, dẫn đến rò rỉ nước nghiêm trọng gây ra mối lo ngại về an toàn. Vì thế, thay vì tốc độ 300 km/giờ như thiết kế ban đầu, các đoàn tàu nay chỉ được chạy 70 km/giờ để tránh tai nạn.
Một chiếc tàu cao tốc đi trên đường sắt ở thành phố An Thuận, tỉnh Quý Châu, tây nam Tây Tạng ngày 16/3/2017.
Một hậu quả khác là vào tháng 6 và tháng 7, đã có hơn 100 đoàn tàu bị trì hoãn trong khu vực này. Các đơn vị trực thuộc của Trung Quốc đã đục khoét trong quá trình xây dựng và cho các đơn vị khác nhận thầu lại bất hợp pháp. Trong khi đó, theo bài đăng, một công ty nhận thanh tra dự án này đã bị phát hiện là cẩu thả không đánh giá đúng thực trạng công trình.
Bài đăng này đã nhanh chóng được gỡ bỏ.
Hai ngày sau, Cơ quan Quản lý Đường sắt quốc gia của ĐCSTQ xác nhận thông tin này trong một thông báo sẽ phạt các đơn vị trực thuộc và công ty có ký hợp đồng.
Đây không phải là lần đầu tiên tuyến đường sắt gặp vấn đề về chất lượng. Năm 2012, một đoạn đường sắt ở Hồ Nam đã sử dụng vật liệu nội địa mặc dù ban đầu chính quyền nói là sẽ sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Đức. Vật liệu trong nước đã rã ra và không đáp ứng các tiêu chuẩn do Bộ Đường sắt ban hành.
Bộ Đường sắt Trung Quốc nổi tiếng là tham nhũng tràn lan. Theo báo cáo của các cơ quan truyền thông quốc gia, Lưu Chí Quân đã chiếm đoạt hàng triệu USD, hối lộ các quan chức cấp cao để được thăng chức và làm cho bộ này nợ hơn 2.600 tỷ Nhân Dân Tệ (NDT). Lưu đã leo lên hàng ngũ bộ trưởng với sự bảo trợ của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân. Đó là vì Lưu hứa sẽ dành cho Giang một chiếc xe lửa đặc biệt khi ông ta đi du lịch trong nước.
Tàu điện cao tốc tại Trạm Hàng Châu, thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, ngày 28/1/2007.
Sau khi nắm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã giải thể Bộ Đường sắt và giao nhiệm vụ về đường sắt cho Bộ Giao thông vận tải. Xây dựng và quản lý đường sắt được giao cho Tập đoàn China Railway.
Năm 2012, Liêu bị khai trừ khỏi Đảng vì tội tham nhũng và một năm sau ông bị kết án treo.
Tập đoàn China Railway vẫn đang gặp khó khăn về tài chính. Theo truyền thông nhà nước, cho đến nửa đầu năm 2017, nợ của Tập đoàn lên tới 4,77 nghìn tỷ NDT.
Những lo ngại về Đường sắt cao tốc của Trung Quốc ở nước ngoài
Tin tức về xây dựng đường sắt kém chất lượng ở Quý Châu xuất hiện làm người dân Hong Kong lo ngại về hệ thống cao tốc của họ. Vào năm 2015, Hệ thống giao thông công cộng của Hong Kong đã đặt hàng 93 toa tàu mới từ Công ty Trung Quốc Qingdao Sifang (công ty con của China Railway). Đây chính là nhà sản xuất các toa tàu gặp tai nạn tại Ôn Châu năm 2011.
Trước đó, các mẫu toa tàu của Qingdao Sifang mà Hong Kong mua năm 2012 đã bị phát hiện không đạt chuẩn các bài kiểm tra va chạm của châu Âu. Năm 2016, Công ty này cũng cung cấp cho Singapore những chiếc tàu lửa có vấn đề an toàn như cửa sổ bị vỡ và pin cung cấp điện phát nổ trong quá trình sửa chữa.
Công trường xây dựng trạm Tây Cửu Long trong hệ thống đường sắt nối Hong Kong với thành phố Quảng Châu thuộc Trung Quốc đại lục, ngày 27/7/2017.
Theo ấn phẩm về doanh ngiệp Trung Quốc Caixin và tờ báo Hong Kong South China Morning Post, mặc kệ các mối lo ngại này, Trung Quốc vẫn lên kế hoạch tiếp tục xuất khẩu đường sắt cao tốc ra các nước như Nga, Thái Lan, Indonesia và Libya. Tuy nhiên, các dự án này đã bị hoãn lại do quy định của các nước nhập khẩu, chi phí cao, và biến động chính trị, như trường hợp nội chiến Libya năm 2011.