Monday, November 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiChống tham nhũng ở VN: Có "vùng tránh", "vùng nể" không?

Chống tham nhũng ở VN: Có “vùng tránh”, “vùng nể” không?

Nhiều cử tri không đồng tình với cách xử lý ông Phạm Sỹ Quý – nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái.

 Cử tri Phan Văn Nhâm phường Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội

Tại buổi tiếp xúc cử tri của ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư Việt Nam vào sáng nay 29/11, cử tri Phan Văn Nhâm (phường Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) đã bày tỏ những băn khoăn xung quanh công tác phòng chống tham nhũng.

Trong đó, ông Nhâm không đồng tình với cách xử lý đối với trường hợp ông Phạm Sỹ Quý – nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái.

“Ví dụ vụ ông Quý, nhân dân không thấy thuyết phục, danh hiệu đảng viên vẫn còn, chức vụ chỉ mất tý thôi, tài sản còn nguyên vẹn. Nhân dân đặt câu hỏi: Không có vùng cấm nhưng trong trường hợp này có vùng tránh vùng nể khác không?”, cử tri Nhâm đặt câu hỏi.

Ông Nhâm cho rằng có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Trong đó, ít nhiều người đứng đầu cũng nhúng chàm. Ngoài ra ông Nhâm cho rằng trong cơ quan có quá nhiều người nhà nên bao che cho nhau.

“Quốc hội nhanh chóng thông qua Luật phòng chống tham nhũng. Đảng, Nhà nước, Chính phủ thực hiện cuộc chiến chống tham nhũng liên tục không dừng, không nghỉ là cách bảo vệ cán bộ, tài sản, bảo vệ quốc gia, bảo vệ chế độ”, cử tri Nhâm đề xuất.

Cử tri Nguyễn Hồng Toán (quận Tây Hồ, Hà Nội) nhận định Tổng Bí thư đã rất tâm huyết, trách nhiệm với đất nước, nhân dân khi chỉ đạo các cấp ngành vào cuộc chống tham nhũng.

Ông Toán cũng có cùng nhận định khi cho rằng vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong công tác phòng chống tham nhũng.

“Tuy nhiên tôi nhận thấy ở trên mạnh nhưng bên dưới chưa tốt, còn coi nhẹ. Đơn cử như thủy điện Sơn La, một địa bàn mà có tới 17 cán bộ bị bắt giam thì Bí thư, Chủ tịch tỉnh trách nhiệm như thế nào? Họ đã quá coi thường pháp luật, tài sản của đất nước, nhân dân. Một công trình như thế có 17 cán bộ, chưa kể sau này còn tìm ra nữa?”, ông Toán nói.

Cử tri Toán cũng cho rằng nhà nước chưa thật mạnh trong việc xử lý cán bộ tham nhũng. Vì vậy, vị cử tri này đề nghị phải xử nghiêm các cán bộ tham nhũng.

“Ví dụ anh Quý ở Yên Bái phát hiện tài sản kếch xù kỷ luật xong đưa về làm Phó chánh văn phòng HĐND. Rất vô lý! Cứ nhẹ nhàng êm ái thế thì không thể giáo dục được cán bộ, đất nước vẫn ồn ồn lên tiêu cực, phải xử lý dứt điểm tham nhũng”, ông Toán đề nghị.

Trước đó, trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng cần tiếp tục xác minh làm rõ khối tài sản của ông Phạm Sỹ Quý.

“Việc chuyển công tác của ông Quý theo luật là đúng và chưa có vấn đề gì, còn cần tiếp tục xác minh khối tài sản của ông Phạm Sỹ Quý để xem việc kê khai không trung thực chỉ dừng ở không trung thực hay tài sản là bất hợp pháp.

Nếu thực sự có dấu hiệu vi phạm, theo quy định của pháp luật về cán bộ công chức có thể sẽ có hình thức xử lý ở mức độ nghiêm khắc hơn và có thể thay đổi hình thức điều chuyển công tác như hiện nay”, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà kiến nghị.

RELATED ARTICLES

Tin mới