Monday, January 6, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiChủ quyền mạng và độ mở của TQ

Chủ quyền mạng và độ mở của TQ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết sẽ không đóng cửa với internet toàn cầu, nhưng chủ quyền không gian mạng là chìa khóa trong tầm nhìn phát triển an ninh mạng ở nước này.

Trong bài diễn văn khai mạc gửi tới Hội nghị Internet thế giới lần thứ 4 tổ chức tại Ô Trấn, tỉnh Chiết Giang, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết: “Sự phát triển không gian mạng của Trung Quốc đang dần tăng tốc. Cánh cửa của Trung Quốc hướng ra thế giới sẽ ngày càng rộng mở hơn”. Tờ Hoàn Cầu thời báo nhấn mạnh Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia “có độ mở lớn nhất trên thế giới”.

Theo báo cáo được công bố tại hội nghị, kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc đạt mức 3.400 tỉ USD trong năm 2016, chiếm khoảng 1/3 GDP của nước này. Với số liệu đó, Trung Quốc được cho là đã tận dụng được những thời cơ từ kỷ nguyên số, trong đó có sự phổ biến của internet, để phát triển kinh tế.

Cũng tại Ô Trấn, đại diện Trung Quốc cùng với Lào, Thái Lan, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ và Serbia đã thông báo về sáng kiến “Vành đai, Con đường kỹ thuật số” nhằm mở rộng hợp tác thương mại điện tử và tăng cường đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin. Sáng kiến này cho thấy nỗ lực vươn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ra bên ngoài, không chỉ qua các mô hình truyền thống.

Tuy nhiên, khác với quan niệm của một số nhà hoạch định phương Tây, Trung Quốc cho rằng mở cửa với hệ thống internet toàn cầu phải song hành với các chính sách quản lý. Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh sự phát triển của không gian trực tuyến mang đến nhiều thách thức mới cho an ninh và chủ quyền, do đó cần thiết phải đảm bảo chủ quyền không gian mạng.

Chủ quyền mạng và độ mở của Trung Quốc - ảnh 1
Trung Quốc phát triển Weibo thay vì mở cửa cho Twitter

Theo Reuters, ý tưởng về chủ quyền không gian mạng có nội dung là các quốc gia được phép quản lý và xây dựng mạng internet của riêng mình mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Trung Quốc cho rằng sự kiểm soát này sẽ đảm bảo lợi ích cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, truyền thông phương Tây đánh giá chính sách của Trung Quốc có thể gây ra sự thiếu công bằng với doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời hạn chế sự tự do trên không gian mạng.

Trên thực tế, chính phủ Trung Quốc những năm qua đã áp dụng nhiều biện pháp quản lý internet và vận hành hệ thống kiểm duyệt trực tuyến nghiêm ngặt. Nhiều nền tảng công nghệ được thế giới sử dụng phổ biến lại bị “Vạn Lý Trường Thành Tường lửa” (Great Firewall) chặn ở Trung Quốc.

Theo Đài CNN, hai gã khổng lồ là Facebook, Google lần lượt bị chặn từ năm 2009 và 2010. Hồi tháng 6, Trung Quốc cũng đưa ra luật an ninh không gian mạng quốc gia mới, yêu cầu các công ty nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu ngay tại Trung Quốc và áp dụng các biện pháp giám sát dữ liệu.

Chính phủ Trung Quốc đang tập trung vào trí thông minh nhân tạo, xe điện, và chip máy tính để tạo ra sức mạnh của nhà vô địch công nghệ cao.

Cùng với việc hạn chế các ứng dụng và nền tảng mạng từ bên ngoài, Trung Quốc chọn cách xây dựng mô hình nội địa tương ứng. Ví dụ đối thủ của Facebook ở Trung Quốc là WeChat, hay mọi người không được dùng Twitter, YouTube nhưng lại có Weibo và Youku. Chính sách vừa mở vừa đóng này của Trung Quốc một mặt phát huy hiệu quả kinh tế, nhưng mặt khác vẫn vấp phải những nghi ngại từ bên ngoài.

10.000 nhân viên lùng nội dung cực đoan trên YouTube
Tổng giám đốc YouTube Susan Wojcicki cho biết trong năm 2018 công ty mẹ Google sẽ triển khai 10.000 nhân viên rà soát các nội dung không phù hợp và vi phạm chính sách trên YouTube, theo AFP. Công nghệ máy học (Machine Learning) do công ty này phát triển sẽ được ứng dụng để phát hiện các video cực đoan, bạo lực cũng như các nội dung có nguy cơ gây hại cho trẻ em. Những người đăng tải video không phù hợp lên sẽ không được nhận doanh thu quảng cáo. Động thái trên được Google đưa ra sau khi nhận được nhiều ý kiến phản hồi và chỉ trích về chính sách chưa hiệu quả trong việc kiểm duyệt nội dung trên YouTube.
RELATED ARTICLES

Tin mới